Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tương tác Góc nhìn Biển hiệu - ai làm?

Biển hiệu - ai làm?

Viết email In

Trong câu chuyện bảng hiệu hàng quán, cửa hiệu cùng kích cỡ, chỉ sử dụng hai màu xanh đỏ trên đường Lê Trọng Tấn ở Hà Nội, nhiều người tập trung vào tính "đồng phục" của quy định này mà bỏ quên một yếu tố quan trọng hơn nhiều. 

Đó là nguyên tắc nhà nước không bao giờ đi làm bảng hiệu thay cho doanh nghiệp. Nhà nước chỉ đề ra quy định, quy định như thế nào tùy ý, miễn sao không vi phạm các luật lệ hiện hành và doanh nghiệp phải tuân thủ. Nhưng doanh nghiệp phải tự mình đi làm bảng hiệu theo các quy định đó chứ không phải nhà nước đứng ra làm thay.  


Hệ thống biển hiệu chỉ sử dụng hai màu xanh đỏ trên đường Lê Trọng Tấn, Hà Nội.
(Ảnh: thanhnien.vn) 

Trước nay đã có nhiều bài viết đòi hỏi chính quyền các địa phương phải chú ý đến việc chỉnh trang đô thị, chấn chỉnh sự nhếch nhác trong quảng cáo ngoài trời, trong kiến trúc lộn xộn… Thì nay, những nỗ lực của quận Thanh Xuân nói riêng và Hà Nội nói chung theo hướng đó là đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, quản lý đô thị hay cụ thể ở đây là đặt ra những quy định cho biển hiệu cửa hàng trên đường phố cũng cần tuân thủ một số nguyên tắc. 

Quy định như thế có quyền yêu cầu các biển hiệu phải theo kích thước chung, thậm chí nói rõ nội dung gì phải ghi trên bảng hiệu, nội dung hay hình ảnh nào không được ghi theo các điều luật liên quan như Luật Quảng cáo. Nhưng như đã nhấn mạnh ở trên, các quy định này không được trái với luật lệ hiện hành. Bắt chỉ được sử dụng hai màu xanh, đỏ là một quy định trái luật vì nó buộc doanh nghiệp phải đổi màu cho các nhãn hiệu đã đăng ký theo Luật Sở hữu trí tuệ.

Sau khi đã hoàn chỉnh các quy định, rà soát với luật lệ hiện hành để bảo đảm không chỏi với các quy định khác, chính quyền địa phương công bố rồi đưa ra lộ trình để doanh nghiệp hay hộ gia đình có kinh doanh theo đó mà thực hiện.

Nhiệm vụ của chính quyền địa phương là giám sát sự tuân thủ. Tốt hơn nữa là có kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp hay hộ kinh doanh nào gặp khó khăn, không tìm ra nguồn tiền để làm bảng hiệu mới. Nguồn tiền hỗ trợ này có thể từ ngân sách hay từ các nguồn "xã hội hóa". Nhưng không bao giờ nên có chuyện chính quyền địa phương đứng ra tổ chức làm bảng hiệu thay cho người dân.

Các thành phố lớn trên thế giới điều có những quy định khắc khe để bảo đảm mỹ quan đô thị. Nhưng thử tưởng tượng mà xem, có thành phố nào lại tự mình đi làm hay thuê làm bảng hiệu cho các cửa hàng trên đường phố không?

Làm như vậy là sai nguyên tắc "nhà nước kiến tạo" mà chính phủ đang muốn xây dựng. Làm như vậy là trở về thời bao cấp, vừa bao cấp về vật chất (làm thay bảng hiệu) vừa bao cấp về suy nghĩ (làm thay chuyện trình bày, sáng tạo…) Và thực tế nhiều doanh nghiệp được "tài trợ" bảng hiệu đã than phiền bị viết sai tên như Vietnam Airlines thiếu chữ "s",

Cho dù nguồn tiền bỏ ra để làm bảng hiệu cho người dân là từ nguồn "xã hội hóa", đó là một tiền lệ không hay bởi từ đó dễ nảy sinh chuyện "sân sau" và là mảnh đất màu mỡ cho chuyện "bắt tay" trục lợi sau này. 

Nguyễn Vạn Phú 
(TBKTSG)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo