Tại các nước phát triển, việc sống trong các tòa nhà chọc trời đang trở thành xu hướng và khẳng định đẳng cấp của giới thượng lưu, thì ở Việt Nam, câu chuyện này vẫn đang có nhiều ý kiến trái chiều cho dù những toà nhà cao trên 50 tầng vẫn đang mọc lên ngày càng nhiều tại các thành phố lớn.
Càng giàu càng ở cao?
Từ lâu ai cũng biết rằng, sự xuất hiện của những toà nhà cao tầng có liên quan đến vấn đề “đất chật người đông”, quỹ đất dành cho xây dựng nhà ở đang ngày càng hẹp lại.
Tuy nhiên, việc “đất hiếm” và sự ra đời của “những toà nhà chọc trời” lại là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Tại nhiều nơi phát triển như Mỹ, Hồng Kông, Trung Quốc, Dubai…những toà nhà chọc trời liên tiếp được xây dựng nó không đơn thuần là do quỹ đất quá chật chội. Thay vào đó, những toà nhà với số tầng “đếm mỏi cả cổ” được xây dựng với mục đích khẳng định đẳng cấp của quốc gia, của nhà đầu tư và cuối cùng là những chủ nhân sở hữu, sinh sống trong các toà nhà đó.
Từ nhiều năm trước, toà Keangnam Landmark với 72 tầng thương mại và 48 tầng căn hộ cũng từng gây xôn xao và trở thành tâm điểm của giới “lắm tiền nhiều của” ở Việt Nam.
Bên cạnh những toà tháp thương mại nổi tiếng thế giới về chiều cao hiện nay như: Taipei 101 tầng, Petronas 88 tầng, hay hàng loạt toà chọc trời ở Manhattan, New York như: toà Empire State cao 102 tầng, toà New York Times 52 tầng, One World Trade Center cao 104 tầng, Chrysler Building cao 77 tầng… Còn có những toà nhà chung cư, căn hộ chọc trời trên thế giới cũng không kém phần nổi tiếng.
Trong số 100 toà chung cư đã hoàn thành và đang xây dựng cao nhất thế giới hiện nay, phải kể đến tòa Princess Tower tại Dubai, United Arab Emirate với chiều cao 414m, toà 23 Marina cao 392m tại Dubai, tòa Elite Residence, ở mức 381m tại Dubai, toà World One ở Mumbai Ấn Độ cao 442m, và toà Park Avenue ở New York 425m…
Đặc biệt, toà 15 Central Park West nằm tại góc đường West 61st St. và Central Park West của New York được xem là toà chung cư quyền lực nhất thế giới vì đây là nơi ở của khá nhiều lãnh đạo ngân hàng, tỷ phú và cả người nổi tiếng với số tiền vài chục triệu USD/căn hộ hạng sang.
Theo các chuyên gia về kiến trúc, việc những tỷ phú, người nổi tiếng sinh lựa chọn toà nhà chọc trời làm nơi “an cư” cho mình và gia đình chắc chắn không phải do họ không đủ tiền để mua nhà “mặt đất”.
Trái lại, với những bộ óc của mình, họ có đủ khôn ngoan để lựa chọn giữa việc sống tại một căn biệt thự ngoại ô, một căn chung cư “vô danh” nào đó với việc sống trong một căn hộ “trên đỉnh thế giới”.
Liên hiệp hội Kiến trúc sư thế giới (UIA) cho hay, đối với các toà nhà chọc trời, yêu cầu và các điều kiện về xây dựng, thiết kế, kiến trúc chặt chẽ và khắt khe hơn nhiều so với các toà nhà có số tầng dưới 50.
Nét đặc trưng của nhà chọc trời là kết cấu khung sườn chịu lực bằng thép, sử dụng dạng tường treo chứ không dùng tường chịu lực theo truyền thống. Do vậy, hầu hết những nhà chọc trời đều sử dụng khung sườn thép cho phép công trình đạt được chiều cao tối đa lớn hơn so với các công trình sử dụng kết cấu bê tông cốt thép.
Bên cạnh đó, việc sinh sống trên các toà nhà chọc trời còn cho phép chủ nhân có thể bao quát được hết toàn khu vực, trải tầm nhìn ra toàn thành phố mà không bị che khuất hay vướng víu bất cứ một vật cản nào. Nhưng quan trọng hơn, một bầu không khí trong lành, thoáng đãng vẫn là điểm mạnh dễ nhận thấy nhất khi sinh sống tại các toà nhà chọc trời.
Việt Nam đang theo bước
Câu chuyện, thậm chí là trào lưu xây nhà chọc trời không mới ở Việt Nam. Từ nhiều năm trước, toà Keangnam Landmark với 72 tầng thương mại và 48 tầng căn hộ cũng từng gây xôn xao và trở thành tâm điểm của giới “lắm tiền nhiều của” ở Việt Nam.
Rồi sau đó, Tập đoàn Dầu khí cùng một số doanh nghiệp tư nhân tên tuổi cũng ấp ủ xây toà tháp văn phòng kết hợp căn hộ “độc nhất vô nhị” cao 102 tầng tại Mễ Trì. Tiếp đến là Lotte Center 65 tầng, Bitexco 68 tầng…cũng lần lượt được đưa vào khai thác.
Trong mảng nhà ở, tại Hà Nội và Tp.HCM cũng liên tiếp xuất hiện các dự án chọc trời như Landmark 81 Tân Cảng của Vingroup, Discovery Xuân Thuỷ, Hanoi Landmark 51 tại Hà Đông, FLC Twins tại Cầu Giấy…
Điểm dễ nhận thấy tại các toà nhà chọc trời của Việt Nam là sự hiện đại và tính “thông minh” trong mỗi chi tiết, thiết bị, thiết kế của toà nhà. Những thành tựu, công nghệ tiên tiến nhất của thế giới cũng đều được áp dụng trong các toà nhà chọc trời tại Việt Nam.
Hầu hết các toà nhà như Keangnam, Lotte Center, Hanoi Landmark 51…đều được áp dụng hệ thống dầm hẫng 2 lớp tạo độ bền cho kết cấu, sử dụng bê tông cường độ nén cao để giảm thiểu kích thước kết cấu cũng như giảm lượng khí thải CO2. Những toà nhà này đều được thiết kế kháng chấn, chịu được động đất ở cấp cao nhất.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam từng nói rằng, với những toà chung cư cao 20 - 30 tầng, nếu quy chuẩn về xây dựng, độ an toàn là 5 thì những toà cao trên 50 tầng phải có tiêu chuẩn cao gấp đôi. Từ điều kiện về chống động đất, rung lắc, đến phòng cháy, chữa cháy, độ chống ồn, chống nóng…tại các toà cao tầng đều được cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ.
Còn ở góc độ đầu tư, dẫu rằng hiện vẫn có ý kiến trái chiều về việc sinh sống tại các toà nhà chọc trời trong giới bất động sản lẫn người mua nhà, song không thể phủ nhận rằng, các ông chủ của những toà nhà đó ngờ nghệch đến mức bỏ ra hàng trăm triệu USD mà không vì mục đích kinh tế.
“Đã từng có thời điểm, giá bán căn hộ tại dự án chúng tôi được điều chỉnh tăng theo số tầng bởi tâm lý người mua nhà ai cũng thích ở trên cao thoáng mát và cảnh quan đẹp. Không ít dự án cao tầng hiện nay, những căn trên cùng hoặc áp mái lại là những khách hàng VIP hoặc của chính ông chủ toà nhà sinh sống”, Chủ tịch một tập đoàn bất động sản cho hay.
TS. Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói rằng, xu hướng xây dựng nhà cao tầng là tất yếu của thế giới. Việc sống tại các toà nhà chọc trời đã được người dân các nước phát triển lựa chọn từ hàng chục năm trước.
Với xu thế phát triển hiện nay, ở Việt Nam, các tòa nhà cao tầng sẽ phát triển và trở thành xu hướng tất yếu trong quá trình đô thị hóa, nhất là ở những thành phố phát triển mạnh như Tp.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng...
Song Hà
(VnEconomy)
- "Giải cứu" chung cư cũ tại TP.HCM: Câu chuyện chưa hồi kết
- Từ những dự án tỉ đô nhìn lại nợ công
- Quy định hỗ trợ phát triển công trình xanh: Có nhưng chưa đủ
- Nhà phố bỗng dưng thành... hầm
- Kinh nghiệm thoát nước từ Hà Lan
- Bản đồ ngập lụt tại TPHCM thay đổi ra sao?
- Ngập úng tại Hà Nội: Lỗi tại quy hoạch cốt nền đô thị?
- Biển hiệu - ai làm?
- Lý giải mỹ danh 'Hòn ngọc Viễn Đông' của Sài Gòn xưa
- Lợi ích của Công trình Xanh đối với các Đơn vị Bán lẻ