Nhiều khu vực được ví như “rốn ngập” các năm trước như khu Tân Định, Vòng xoay Cây Gõ, Bến xe Chợ Lớn, khu Mễ Cốc, Cư xá Thanh Đa nay không còn ngập nữa nhưng nhiều tuyến đường trước đây chưa từng bị ngập giờ lại trở thành sông.
Trao đổi với TBKTSG Online, ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý thoát nước thuộc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập thành phố, cho biết nếu so sánh với những trận mưa có cùng vũ lượng những năm trước thì số điểm ngập do những trận mưa đầu mùa năm 2016 này giảm nhiều.
Một điểm ngập tại TPHCM mùa mưa năm nay. (Ảnh: Thành Minh)
Tuy nhiên, hiện nay do tác động của biến đổi khí hậu ngày càng khó lường, dự báo tiếp tục có nhiều trận mưa trên 100 mm hơn, kéo theo khả năng gây ngập cũng thất thường hơn trước.
“Chẳng hạn, trận mưa vào ngày 30/5 vừa qua có vũ lượng 132 mm, gây ra 27 điểm ngập trên địa bàn toàn thành phố. Diễn biến về mức độ, số lượng điểm ngập cũng khó lường hơn trước tác động của biến đổi khí hậu”, ông Long nói.
Các số liệu ngập qua các năm trích dẫn từ trung tâm chống ngập thành phố:
Năm 2008
- Số điểm ngập tại TPHCM tính đến cuối năm 2008 là 126 điểm, trong đó riêng khu trung tâm thành phố có 85 điểm.
- Tổng số lần ngập cả năm 2008 là 873 lần.
- Thời gian ngập trung bình là 156 phút.
- Diện tích ngập trung bình mỗi điểm 2.910 m2.
Năm 2013
- Số điểm ngập tại TPHCM đến năm 2013 khoảng 40 điểm, trong đó khu trung tâm thành phố còn 14 điểm ngập.
- Tổng số lần ngập cả năm 2013 là 44 lần.
- Thời gian ngập trung bình giảm còn 62 phút.
- Diện tích ngập trung bình mỗi điểm còn 1.100 m2.
Tuy nhiên, nhiều khu vực còn bị ngập thường xuyên như khu vực thi công dự án kênh Tân Hoá – Lò Gốm (quận 6, 11, Tân Phú, Tân Bình): đường Âu Cơ, Đồng Đen, Hòa Bình, Nguyễn Hồng Đào, Trương Công Định, Bàu Cát, Hồng Lạc, Tân Hóa, Đặng Nguyên Cẩn, Phạm Phú Thứ, An Dương Vương, Phan Anh.
Đặc biệt những trận mưa trên 100 mm gây ngập kéo dài ở các khu vực trũng thấp như khu vực kênh Tân Hoá – Lò Gốm, đường Kha Vạng Cân (Thủ Đức), khu Phú Định (quận 8), đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7).
Năm 2016
Từ đầu mùa mưa năm 2016 đến nay TPHCM có 11 trận mưa gây ngập trên 16 tuyến đường. Riêng trận mưa ngày 30-5 vừa qua có vũ lượng 132 mm đã gây ra 27 điểm ngập, khu trung tâm thành phố cơ bản xóa được ngập.
Các tuyến đường còn bị ngập nặng là Nguyễn Xí, Xa lộ Hà Nội, Nguyễn Hữu Cảnh, Quốc Hương, Kinh Dương Vương … Nhiều tuyến đường khác cũng bị ngập sau mưa nhưng với mức độ nhẹ hơn như Thảo Điền, Bạch Đằng, Đinh Bộ Lĩnh, Hồ Văn Tư, Quốc lộ 13, Mai Thị Lựu, Đỗ Xuân Hợp, Lê Văn Việt, Lã Xuân Oai.
Văn Nam
(TBKTSG)
- Từ những dự án tỉ đô nhìn lại nợ công
- Quy định hỗ trợ phát triển công trình xanh: Có nhưng chưa đủ
- Nhà phố bỗng dưng thành... hầm
- Kinh nghiệm thoát nước từ Hà Lan
- Sống tại nhà “chọc trời”: Người Việt đang theo thế giới?
- Ngập úng tại Hà Nội: Lỗi tại quy hoạch cốt nền đô thị?
- Biển hiệu - ai làm?
- Lý giải mỹ danh 'Hòn ngọc Viễn Đông' của Sài Gòn xưa
- Lợi ích của Công trình Xanh đối với các Đơn vị Bán lẻ
- Có nên tư nhân hóa sông Hồng?