Đằng sau những cuộc xuống đường, những mâu thuẫn ở chung cư, là những góc khuất mà chỉ người trong cuộc mới hiểu thấu.
Nguồn cơn của tranh chấp
Dường như giờ đây, việc xuống đường, căng băng rôn đã trở thành phong trào, thành phương án đấu tranh được ưu tiên hơn cả của cư dân mỗi khi có tranh chấp với chủ đầu tư.
Các tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân thời gian qua thường phát sinh trong quá trình bàn giao nhà, xoay quanh các vấn đề như diện tích căn hộ có sai lệch, công năng, tiện ích tòa nhà bị cắt xén hoặc chưa kịp hoàn thiện, phí dịch vụ cao (theo nhận xét từ phía cư dân), thời gian bàn giao sổ đỏ chậm…
Ở không ít dự án, các chủ đầu tư đã sử dụng tầng kỹ thuật, không gian chung sai mục đích. Thậm chí, có chủ đầu tư còn thay đổi cả thiết kế tòa nhà như tăng số tầng, thay đổi không gian thông gió thành căn hộ để bán một cách công khai.
Hay như việc bàn giao căn hộ khi hệ thống phòng cháy, chữa cháy chưa được kiểm duyệt, hệ thống điện, nước cũng tậm tịt, lúc được, lúc không. Nhiều chủ đầu tư cũng tỏ ra thiếu thiện chí với khách hàng khi giải quyết bằng cách cắt điện, cắt nước. Chính những hành động kiểu này đã đẩy mâu thuẫn lên cao, rất căng thẳng và khó giải quyết.
Trước đây, việc có được một ngôi nhà mới để ở là niềm ao ước, khát khao, xen lẫn tự hào và kiêu hãnh của nhiều người, thì giờ đây, dù tâm lý này cũng không khác là mấy, nhưng không ít cư dân cũng chuẩn bị sẵn cho mình một tâm thế tranh đấu, vì nhận thấy nhiều dự án phát sinh tranh chấp lúc bàn giao nhà.
Một điều nữa, hiện ở hầu hết các tòa chung cư, các cư dân đều thành lập các nhóm kín (trên facebook) để trao đổi các vấn đề nội bộ, chia sẻ, góp ý về nếp sống văn hóa, thông tin chính sách, kinh doanh và thậm chí, nó còn là nơi phát động các cuộc đấu tranh hoặc bêu xấu chủ đầu tư, đơn vị quản lý tòa nhà.
Mâu thuẫn ở chung cư sẽ bớt căng thẳng nếu hai bên đặt mình vào vị trí của nhau. (Ảnh: Nguyễn Thành)
Khổ như… chủ đầu tư
Một chủ đầu tư trong khi tiếp xúc với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản đã bộc bạch: “Chúng tôi ý thức rất rõ rằng, khách hàng là những người trả tiền, là người nuôi sống doanh nghiệp, nên đã quán triệt tinh thần là cầu thị, lắng nghe. Dù đã cố gắng nỗ lực rất nhiều để tạo nên môi trường sống tốt hơn từ các ý kiến đóng góp của cư dân, nhưng chúng tôi cũng cần có thời gian để thực hiện các góp ý, sửa đổi. Đằng này, nay đưa ra yêu cầu, mai khách đã đòi kết quả, không được là căng băng rôn phản đối, gây ảnh hưởng rất xấu đến hoạt động kinh doanh của đơn vị”.
“Đến cái cây cũng cần có thời gian để lớn, để trổ hoa, tại sao chúng tôi lại không được có một chút thời gian để hoàn thiện, chỉnh trang cho đẹp, mà cứ động một tý là bị cư dân lôi lên mạng xã hội để chửi, để bêu xấu”, một chủ đầu tư khác bức xúc khi không gian xanh vừa mới trồng cây, chưa kịp lớn đã bị cư dân chế nhạo.
Chia sẻ với phóng viên, đại diện một đơn vị chuyên phát triển các dự án chung cư cho biết, có không ít lần, các dự án của họ “bị dìm”, “bị đánh te tua” trên mạng xã hội vì những chuyện vu vơ, chẳng đâu vào đâu. Sau khi tìm hiểu doanh nghiệp mới biết, việc làm này là có chủ đích và đằng sau là bàn tay của một số nhà đầu cơ.
“Họ có nghệ thuật viết status rất hay và hấp dẫn, có khả năng kêu gọi đám đông. Họ tìm cách dìm cho giá căn hộ xuống thật thấp, rồi mua vào, sau đó bán ra kiếm lời khi giá tăng”, vị chủ đầu tư này chia sẻ.
Những góc khuất
Thực tế, trong các cuộc đấu tranh của chung cư, phần lớn đều có một số nhân tố cầm đầu. Trong rất nhiều trường hợp thực sự vì cư dân, có không ít trường hợp đứng ra với những mục tiêu cá nhân.
Nhiều người trong giới bất động sản vẫn rỉ tai nhau một chuyện thật như đùa. Cả một khu đô thị đẳng cấp, tầm cỡ mấy chục nghìn dân, mà chủ đầu tư phải méo mặt chỉ vì một chị bán xôi. Chị bán xôi này với trình độ viết status gây thanh thế trên facebook vào loại cao thủ, đã khuynh đảo các fanpage, nhóm kín của cư dân. Nay chê chỗ này, mai chê chỗ nọ, các bài viết luôn có hàng nghìn like hay chia sẻ, cùng với đó, tầm ảnh hưởng của chị này cũng ngày một cao và việc bán xôi của chị cứ theo đó mà thuận lợi hơn…
Có cư dân chưa về nhận nhà đã bù lu, bù loa là căn hộ xấu, thạch cao rởm, cửa rả không an toàn… Nói chung, cái gì chê được là chê hết. Các bài chê này chủ yếu được đăng trên nhóm kín của cư dân với cách xưng hô cũng rất tình cảm “cccm” (các cụ, các mợ - ngôn ngữ mạng xã hội). Và sau một seri bài chê dự án, thế nào cũng là một bài giới thiệu đại loại như: “Em vừa tìm được một chỗ làm nội thất giá rẻ mà chất lượng tuyệt vời…”. Vậy, liệu việc chê bai kia có còn trong sáng, hay đằng sau đó là cả một động cơ?
Có muôn hình, vạn trạng các tình huống khóc dở, mếu dở của chủ đầu tư khi bàn giao nhà. Đằng sau đó là vô vàn góc khuất của các chiến dịch mà người phát động, điều khiển đôi khi ẩn danh, thu lợi, còn các cư dân chỉ là những quân cờ trong một cuộc chơi.
Một chủ đầu tư khi chia sẻ với phóng viên đã suýt bật khóc: “Chúng tôi làm được vô số điều tốt đẹp, mà không bói ra nổi một lời khen”.
Ở các nhóm kín cư dân, nhiều khi tiếng nói chỉ có một chiều, gần như mặc định chỉ có phê phán chủ đầu tư. Hễ có người nói ngược là bị quy vào thành phần “cài cắm”, ăn tiền của chủ đầu tư. Trong khi có nhiều việc làm của chủ đầu tư rất đáng được ghi nhận.
Qua hàng loạt sự việc mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và cư dân trong thời gian qua, đã đến lúc, cả hai bên cùng bình tâm nhìn lại, thử đặt mình vào vị trí phía đối diện, chủ động trao đổi để tìm được tiếng nói chung.
Phía chủ đầu tư cần chủ động giải thích để cư dân hiểu được ngọn nguồn sự việc (ví dụ về chuyện sử dụng không gian chung ra sao? Tầng kỹ thuật có bị sửa thành căn hộ để bán không? Những yếu tố cấu thành phí dịch vụ, thậm chí cả những khó khăn khi ký hợp đồng điện, nước, việc cấp sổ đỏ…).
Vẫn biết, cư dân trước khi quyết định phản đối, đấu tranh, căng băng rôn đều có lý do, nhưng không phải chủ đầu tư nào cũng cố tình không thực hiện đúng hợp đồng mua bán, thỏa thuận với khách hàng để tránh việc chung cư bị ảnh hưởng đến hình ảnh, giá trị. Cuộc sống tại các chung cư cũng cần êm ả và nhiều niềm vui.
Thanh Huyền
(Đầu tư Bất động sản)
- Singapore: Một mô hình cho Đông Dương?
- Ưu tiên thêm cho xe buýt?
- Đừng để “tư nhân hóa” bất động sản ven sông
- Người Hà Nội và TPHCM phải bỏ ra gần 1 giờ mỗi ngày để vượt qua tắc đường
- Nhu cầu đi lại và bài toán thu phí ô tô vào khu trung tâm
- Diện mạo mới của Hà Nội nhìn từ trên cao
- Ao ước một màu xanh
- Để vỉa hè trật tự, bình yên lâu dài
- “Thuận thiên” với bốn “miệt” đồng bằng
- Xu hướng “công trình xanh”