Ashui.com

Thursday
Nov 28th
Home Tương tác Góc nhìn Xu hướng “công trình xanh”

Xu hướng “công trình xanh”

Viết email In

Phong trào phát triển công trình xanh ở Việt Nam mới đi những bước đầu tiên, chưa có nhiều hoạt động hiệu quả và chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của xã hội.  

Mới chỉ ở phân khúc cao cấp

Tại một cuộc hội thảo về công trình xanh vừa diễn ra ở TPHCM, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho biết công trình xanh thâm nhập vào Việt Nam từ năm 2007. Thế nhưng, sau một thập niên, đến nay chỉ có 60 công trình được nhận chứng chỉ xanh bền vững. Đây là một con số quá khiêm tốn so với những tòa nhà mọc như nấm sau mưa tại Việt Nam trong suốt 10 năm qua. 

Có thể nói, việc phát triển công trình xanh sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn đối với kinh tế, xã hội và môi trường. Thế giới cũng đã chứng minh, việc ứng dụng phát triển công trình xanh sẽ mang lại rất nhiều giá trị gia tăng và tạo nên sự phát triển bền vững cho ngành xây dựng và thị trường bất động sản. 


Dự án Diamond Lotus Riverside xây dựng theo tiêu chuẩn LEED của Mỹ. 

Theo nhiều chuyên gia, công trình xanh tuy là xu hướng tất yếu, song vấn đề trở ngại hiện nay là phần lớn chủ đầu tư và ngay cả người mua nhà còn có nhận thức rất mơ hồ về vấn đề này. Nhiều chủ đầu tư thậm chí còn suy nghĩ nếu làm công trình xanh chi phí sẽ tăng thêm từ 10-20%. Điều này hoàn toàn không đúng và cần phải cải thiện để thúc đẩy phát triển các sản phẩm theo xu hướng này hiệu quả. 

Ông Trịnh Tùng Bách, đại diện Capital House, nhìn nhận những giá trị to lớn mà công trình xanh mang lại cho người sử dụng, chủ đầu tư đến toàn bộ nền kinh tế quốc gia nói riêng và sự tồn tại bền vững của toàn cầu nói chung vẫn chưa được nhận thức đầy đủ và đúng đắn tại Việt Nam.

Thực tế, tại Việt Nam hiện nay, đa số các giải pháp công trình xanh mới chỉ được áp dụng tại các dự án thuộc phân khúc cao cấp. Đây là nơi khách hàng sẵn sàng chi trả cao hơn để có được chất lượng sống tốt hơn, trong lành hơn. Tuy nhiên, phân khúc nhà giá thấp và trung bình (chung cư) mới là khu vực tiêu tốn nhiều năng lượng nhất, trong khi khả năng chi trả của người dân lại hạn chế hơn so với các phân khúc trên. 

Lợi ích lâu dài

Theo bà Nguyễn Thu Nhàn, quản lý Chương trình Công trình xanh Việt Nam của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế châu Á có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong 20 năm qua (bình quân 7,5%/năm). Theo tính toán, các công trình xanh sẽ tiết kiệm cho chủ đầu tư từ 20-40% chi phí vận hành mỗi tháng nhờ thiết kế thông minh, quy trình vận hành được tính toán kỹ. Nhờ vậy, công trình xanh của chung cư còn giúp người sử dụng tiết kiệm nhiều chi phí sinh hoạt từ điện, nước tới các dịch vụ công cộng khác.

Đơn cử, câu chuyện 8 ngày bán gần hết 2.000 căn hộ trong dự án Aqua Bay của Ecopark mới đây là một minh chứng hết sức thuyết phục của chung cư xanh. Rõ ràng mức giá bán dưới 1 tỉ đồng/căn là một yếu tố hấp dẫn của phân khúc này. Tuy nhiên, với mức giá đó, người mua có thể lựa chọn nhiều dự án nhà giá rẻ ở Hà Nội chứ không cần thiết chuyển hộ khẩu qua Hưng Yên. Thế nhưng, vì muốn được “sống xanh” trong một căn hộ chan hòa nắng, gió, tiết kiệm năng lượng nên nhiều người đã chọn lựa Aqua Bay.

Nắm bắt tâm lý người mua nhà, gần đây nhiều chủ đầu tư đã bung hàng loạt dự án với những lời chào mời “xanh” hấp dẫn. Người mua có thể rơi vào tình trạng “lạc lối” vì những lời quảng cáo hoa mỹ, thậm chí thổi phồng.

Một chung cư được gọi là xanh cần đáp ứng những tiêu chí nhất định. Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, có 4 tiêu chí để đạt “xanh”, đó là: xanh, sạch, rẻ, an. Việc triển khai các giải pháp xanh tại những công trình nhà ở giá thấp và trung bình sẽ tạo nên những cộng đồng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Đây cũng là định hướng phát triển của Bộ Xây dựng đối với phân khúc nhà ở giá thấp và trung bình tại Việt Nam trong thời gian tới. Để thúc đẩy phát triển những công trình xanh trong phân khúc nhà ở giá thấp và trung bình, Nhà nước cần kiến thiết những chương trình hỗ trợ ít nhất 20 năm, với các nội dung cụ thể từ tín dụng, từ quỹ đất, từ ưu đãi cho nhà phát triển…

Về dài hạn, cần thành lập Ủy ban hoặc Hội đồng nhà ở, theo mô hình công ty, với sự tham gia của đại diện Ngân hàng Chính sách Xã hội, đại diện các bộ, ngành liên quan, doanh nghiệp và vận hành theo quy luật của thị trường. Mục đích nhằm làm cho người dân cuộc sống thoải mái nhất, môi trường sống tốt nhất, có ý nghĩa rất lớn đối với cuộc sống hiện đại. Phát triển công trình xanh cho phân khúc này cũng đồng nghĩa với việc giảm thiểu khí nhà kính, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Theo Bộ Xây dựng, trên thế giới, các công trình xanh đều có giá bán tốt hơn từ 4% so với các công trình tương tự thiếu các yếu tố này. Theo các khảo sát từ Mỹ và Singapore, các công trình xanh đều có mức độ tiêu thụ và thu hồi vốn nhanh hơn khiến khách hàng hài lòng và nâng cao giá trị thương hiệu của chủ đầu tư. Trước đây, đội ngũ tư vấn về công trình xanh khá mỏng nhưng trong vài năm trở lại đây, đã có rất nhiều lớp đào tạo, tập huấn về công trình xanh, giới thiệu công nghệ, vật liệu mới… được tổ chức. Đội ngũ tư vấn đang ngày càng lớn mạnh và có chất lượng sẵn sàng đồng hành với các chủ đầu tư tạo nên các công trình xanh thực sự ở Việt Nam.

Được sống trong một môi trường xanh với nhiều cây xanh, sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường, sử dụng các thiết bị hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, nước... chắc hẳn sẽ đem lại cho người sử dụng những tiện nghi vượt trội và cải thiện sức khỏe to lớn. Chi phí sở hữu công trình xanh có thể cao hơn một chút ban đầu, nhưng những giá trị đem lại cho cuộc sống thì lớn hơn nhiều. Công trình xanh, sử dụng tài nguyên hiệu quả sẽ hiện ngay lên trên hóa đơn tiền điện, tiền nước hàng tháng của gia đình. Sử dụng các thiết bị vệ sinh, tắm tiết kiệm nước, tức là đang làm giảm chi phí hóa đơn nước hàng tháng. Những điều này có thể không quá lớn với một gia đình nhưng làm thế có nghĩa là góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, mà kết quả lớn nhất chính là cho thế hệ tương lai.

Mặc dù là một trong những quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng sâu sắc của biến đổi khí hậu, nhưng công trình xanh trong phát triển bền vững lại chưa được quan tâm đúng mức ở Việt Nam. Rào cản lớn nhất ở đây chính là vấn đề nhận thức. Khi những hiểu biết đúng đắn về công trình xanh và những lợi ích to lớn của nó có thể đến với tất cả các ban ngành liên quan, từ các cơ quan quản lý, chủ đầu tư, đội ngũ tư vấn cho đến người mua nhà thì công trình xanh sẽ trở thành một hướng đi tất yếu trong tương lai gần.

Hiểu được những kiến thức cơ bản về công trình xanh, các chủ đầu tư sẽ vượt qua các rào cản về mặt kỹ thuật để hiện thực hóa các công trình xanh, đem lại lợi ích to lớn cho bản thân doanh nghiệp và cộng đồng, đóng góp cho sự phát triển bền vững chung của quốc gia và trên toàn thế giới.

Hiểu đúng được về công trình xanh, người mua nhà cũng sẽ lựa chọn được cho mình những công trình, những căn hộ, những dự án xanh thực sự, giảm sự tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính.

Vĩnh Yên
(TBKTSG) 

 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...