Một điểm chung của hầu hết các thủ đô trên thế giới đó là các nhà ga lớn (thường được xây dựng với phong cách kiến trúc Beaux Arts thanh lịch, tao nhã) được đặt ngay tại trung tâm của thành phố. Dường như việc những di tích của thời Cách mạng công nghiệp này vẫn còn đang hoạt động là rất đáng ngạc nhiên. Nhưng chúng không chỉ đang hoạt động mà còn hoạt động rất nhộn nhịp! Và có lý do tốt về mặt kinh tế để giải thích cho điều này.
Vị trí trung tâm của các nhà ga cũ là không có gì đáng ngạc nhiên. Bởi lẽ phần lớn các mạng lưới xe lửa được xây dựng vào cuối thế kỷ 19 (và chúng mang phong cách Beaux Arts là vì vậy), khi mà công cuộc đô thị hóa vẫn đang diễn ra. Từ đó tới nay các thành phố đã mở rộng đáng kể, và các nhà ga vẫn nằm ở chính giữa thành phố. London bây giờ lớn gấp 3 lần so với năm 1860 và Paris thì lớn gấp 5 lần.
Ga đường sắt trung tâm Tokyo, nay là trạm trung chuyển của tàu cao tốc huyền thoại Shinkansen, được khai trương từ năm 1914.
Quá trình đô thị hóa còn diễn ra mạnh mẽ hơn nhiều ở Hà Nội. Ga Hà Nội được khánh thành vào năm 1902 như là một phần của dự án nhiều tham vọng là kết nối giới nhà giàu ở Côn Minh với cảng Hải Phòng. Cầu Long Biên, cây cầu dài thứ tư trên toàn thế giới lúc bấy giờ, chính là phần trung tâm của kế hoạch đầy tham vọng này. Ba thập kỷ sau, khi mạng lưới đường sắt Việt Nam hoàn thành và đi vào hoạt động, Hà Nội có 130.000 dân. Ngày nay, số dân ở đây đã vượt quá 7,6 triệu. Lớn hơn gấp 50 lần!
Và chính sự tắc nghẽn giao thông trong thành phố là lý do để cho các nhà ga đường sắt nên tiếp tục được hoạt động nhộn nhịp. Các thành phố sở dĩ hoạt động hiệu quả là bởi vì thứ mà các nhà kinh tế gọi là lợi thế của sự tích tụ. Thành phố thu hút con người đến gần với nhau để tạo ra những thị trường sôi động hơn, cũng như sự chuyên môn hóa trong sản xuất sâu hơn, và thúc đẩy sự trao đổi ý tưởng mạnh mẽ hơn. Nhưng mặt kia của nó là có quá nhiều người sống chen chúc nhau trong thành phố. Những nguồn lực lớn đã phải được huy động để xây dựng và bảo dưỡng mạng lưới giao thông. Hàng triệu giờ đồng hồ của người lao động đã phải phí phạm cho việc đi lại mỗi ngày.
Tàu đường sắt (kể cả tàu điện ngầm và tàu điện) hiển nhiên là phương pháp hiệu quả nhất để chống tắc đường. Chúng chở được nhiều người hơn so với xe buýt, tốc độ trung bình cao hơn, và chúng không chiếm chỗ trên đường phố. Ngược lại, các phương tiện giao thông cá nhân, đặc biệt là ô tô, thường gây ra những ảnh hưởng to lớn (gọi là các ảnh hưởng ngoại lai trong thuật ngữ kinh tế học). Chúng đòi hỏi tiêu tốn chi phí hơn cho duy tu, bảo dưỡng đường giao thông, và càng nhiều ô tô thì mọi người dịch chuyển càng chậm hơn.
Đây chính là lý do vì sao vị trí trung tâm của các nhà ga “cổ lỗ sĩ” lại trở thành có ích. Rất nhiều người có thể đến được trung tâm thành phố mà không bị kẹt xe trên đường và không làm cho những người khác bị di chuyển chậm chạp hơn. Lợi ích sẽ được nhân lên gấp nhiều lần khi những nhà ga cũ này trở thành trạm trung chuyển trong một mạng lưới giao thông đa phương tiện. Ngày nay, hầu hết mọi nhà ga lớn có phong cách kiến trúc Beaux Arts tại các thành phố lớn đều có một ga tàu điện ngầm phía dưới.
Chính những đoàn tàu tốc độ nhanh đã làm tăng lợi ích của những nhà ga trung tâm cũ kỹ, biến những di tích của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất thành những trung tâm trung chuyển của thế kỷ 21. Đi từ Paris đến London bằng máy bay cần phải đi ra sân bay, làm thủ tục an ninh, đợi giờ lên máy bay, ngồi trong máy bay, đợi lấy hành lý, rồi cuối cùng mới vào được thành phố. Như vậy có thể lãng phí gấp đôi thời gian so với một chuyến tàu nhanh nối thẳng trung tâm hai thành phố này. Trong một tương lai không xa, đây có thể là điều tương tự với việc đi lại giữa Hà Nội và Đà Nẵng.
Theo một cách nhìn khác, những nhà ga đường sắt lớn này là một tài sản kinh tế quan trọng. Người ta yêu mến các thành phố không chỉ vì sự nhộn nhịp và tính hiệu quả của nó, những cơ hội mà nó có thể mang lại cho mọi người, mà còn bởi vì đó là chốn sinh sống rất hấp dẫn. Bất động sản ở những thành phố có kiến trúc độc đáo thường đắt hơn rất nhiều so với một thành phố không có phong cách. Và những công trình mang dấu mốc kiến trúc thường chỉ tạo nên giá trị kinh tế lớn khi chúng được đặt ở đúng vị trí.
Những nhà ga lớn đã từng được mô tả như những nhà thờ lớn của thế kỷ 19. Và những công trình theo phong cách kiến trúc Beaux Arts này thường là những viên ngọc kiến trúc. Kết cấu thép của những công trình này mang dáng dấp thanh nhã, gợi liên tưởng đến tháp Eiffel hay cây cầu Long Biên yêu dấu.
Bức tượng ông John Betjeman tại ga Saint Pancras.
Ngày nay, hành khách đi từ London đến Paris thường đi bằng tàu cao tốc tại ga Saint Pancras. Được xây dựng với phong cách kiến trúc thời Victoria, tòa nhà lộng lẫy này được hoàn thành năm 1868. Hồi đó, nó là một trong những công trình kiến trúc lớn nhất thế giới. Nhưng đến những năm 1960, sau cuộc quốc hữu hóa ngành đường sắt, lượng khách đi tàu ngày càng giảm, và nhà ga này bắt đầu bị coi là dư thừa. Thậm chí, đã có một kế hoạch để chuẩn bị phá bỏ nó.
Một nhà thơ, ông John Betjeman, người khởi nghiệp với nghề báo và sau này trở thành một trong những tác giả được giải thưởng văn học nổi tiếng nhất ở Anh, đã khởi xướng một chiến dịch thành công để bảo tồn nhà ga này. Ông là người bảo vệ tích cực công trình kiến trúc thời Victoria này. Ngày nay, tòa nhà Saint Pancras là niềm tự hào của người London. Khi đến nhà ga này, nếu chịu khó quan sát, hành khách sẽ tìm thấy bức tượng ông John Betjeman, được dựng để tôn vinh ông khi nhà ga này trở thành trung tâm trung chuyển của những chuyến tàu nhanh qua London. Có lẽ đây là một bằng chứng cho thấy cần có những nhà thơ đầy đam mê, nhiệt thành để mang lại những thành quả kinh tế tốt!
Martin Rama (*)
(*) Martin Rama hiện là Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Nam Á của Ngân hàng Thế giới. Trước đó ông là Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Ông từng có tám năm sống tại Hà Nội. Yêu Hà Nội, ông luôn theo sát từng chuyển động của thành phố và rất muốn được đóng góp chút trí tuệ, tâm sức cho sự giàu có của Hà Nội - thành phố mà ông yêu hơn bất cứ nơi đâu bởi sự độc đáo và duyên dáng hiếm có. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả không phải với tư cách một cán bộ của Ngân hàng Thế giới.
(TBKTSG)
- Để vỉa hè trật tự, bình yên lâu dài
- “Thuận thiên” với bốn “miệt” đồng bằng
- Xu hướng “công trình xanh”
- Giải bài toán quá tải hạ tầng nội đô?
- Ứng dụng khoa học: Hướng đi tất yếu cho làng nghề truyền thống
- Tái hiện cố đô Huế ở Sài Gòn để báo hiếu cha mẹ
- Bên dòng Thu Bồn
- Những nút giao nhiều tầng giải quyết "điểm đen" ùn tắc giao thông Hà Nội
- Xóa nhà “siêu mỏng, siêu méo” tại Hà Nội: Không chỉ cần vốn
- Dời ga Hà Nội: Băn khoăn chuyện quản lý “đất vàng”