Cứ tưởng tượng, một buổi chiều, bắt ghế ngồi cạnh bờ sông uống nước dừa xiêm nhìn nước chảy xuôi ra cửa biển, bên kia là cồn đất phù sa xanh mướt cỏ cây. Thi thoảng, du thuyền chở khách lướt qua bến sông với rất nhiều áo mới, nghe xì xào thứ tiếng nước ngoài, khách thích thú quan sát phố cổ, nhà vườn và những cồn đất phù sa xanh tốt.
Hội An giờ vẫn còn những vườn cau với những tàu cau và đọt cau vượt hẳn lên trên những mái ngói nhà cổ và những biệt thự mới xây theo lối kiến trúc cổ. Người mới người cũ, nhà mới nhà cũ, khu phố mới khu phố cũ đan xen dễ khiến người ta mông lung nghĩ chuyện nọ kia. Rằng đã từng có một thời Hội An phồn thịnh, thương thuyền các nước xa gần đã ghé lại và giao thương tại vùng đất này, có người ở lại lập nghiệp, định cư. Người đến, mang theo hàng hóa, mang theo cả ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán, kiến trúc...
Sau nhiều thế kỷ là cảng - thị phát triển rực rỡ, phồn thịnh với sự giao thương quốc tế và có nhiều người Hoa, người Nhật đến định cư, Hội An đã khép lại vai trò lịch sử của mình, và ngủ yên một thời gian cơ hồ như bị lãng quên. Giờ đây, được đánh thức trở lại, Hội An lại đẹp ngỡ ngàng trong mắt mọi người. Một cái đẹp không phải ở sự hoành tráng, to lớn kỷ lục. Mọi thứ ở Hội An đều nhỏ, nhà nhỏ, đường nhỏ, cầu cũng hẹp. Hội An đẹp cái đẹp của quá khứ, của thứ đồ cổ đậm dấu ấn thời gian.
Bên này sông Thu Bồn nhìn sang, Hội An ở góc nhìn xa mới êm đềm và nhu mì lạ. Chợ Hội An sống động kiểu đô thị nhỏ ngày xưa. Cá từ cửa biển đưa về, từ sông mang lên còn tươi rói. Cây trái rau màu được mang đến ở cự ly gần nên tinh tươm như mới hái trong vườn. Người Hội An tinh tế trồng rau, bắt cá, nuôi gà, nuôi heo và nấu ăn thiên về chất mà không thiên về tiếng. Bữa cơm gia đình, mấy món bình thường nhưng món nào cũng thơm thảo, đậm đà. Rau húng lủi ở đây cây nhỏ, lá nhỏ nhưng rất nồng, rất thơm. Nghe nói, vùng rau Trà Quế là một vùng đất chuyên trồng rau không dùng phân bón hóa học nên rau rất thơm ngon và bổ dưỡng. Trái thơm ở đây được trồng trên đất cồn, theo kiểu canh tác xưa, sinh trưởng tự nhiên nên ngọt thanh, ngọt dịu mà giòn. Gà nuôi thả vườn và heo nuôi kiểu truyền thống gia đình nên thịt cũng ngon hơn. Những thức ăn bình thường của ngày xưa, sau bao tháng năm bôn ba giờ ăn lại nghe ngon, thấy quý vô cùng. Quý hơn là cái tình của người thân dành cho nhau khi bỏ công nuôi trồng, hoặc tìm mua để tỏ lòng hiếu khách, dành chút thơm thảo cho nhau giữa thời cuộc vội vàng gấp gáp.
Buổi cơm tối vì thế mà ân cần, mà lắng đọng và thân tình trong sự trôi đi chầm chậm của thời gian.
Nhà bên sông, nên mỗi khi lên ban công hoặc đi ra cửa trước, nhìn qua bên kia phố Hội, dễ đem đến trong lòng người nhiều cảm xúc trước khung cảnh có sức gợi của con sóng, con thuyền và nhà cũ rêu phong. Không cần đi xe vòng qua chiếc cầu Cẩm Nam đằng kia, chỉ cần bỏ vài ngàn đồng đi đò ngang là đến chợ. Đò ngang như đưa người ta về quá khứ, khi mà mọi thứ đều thủ công, mọi thứ đều mộc mạc, và cuộc đời con người gắn liền với con thuyền và những bến sông.
Bên ngã ba sông chiều nay, nhìn những chiếc thuyền chở khách du lịch đi về nhộn nhịp trên sông, tôi thầm cảm ơn cuộc tương ngộ với gia đình người bạn ở bờ này sông Thu Bồn. Bạn cho tôi trọn vẹn cảm xúc về Hội An của quá khứ, hiện tại và tương lai. Tôi trải qua những ngày êm đềm, dung dị như dòng chảy, để cảm nhận nhịp sống của một nơi đã từng tấp nập trong quá khứ, và nay hồi sinh trở lại không phải là phố cảng giao thương mà là thành phố du lịch văn hóa. Sự phục hưng lúc nào cũng ở một phương diện mới và sự chuyển động mới.
Nhìn những con thuyền chở khách du lịch trở về sau chuyến thăm thú sông nước, tôi bỗng ước ao rằng ở một vài cồn nào đó trên sông, có thêm dịch vụ ẩm thực, hay sinh hoạt nghệ thuật, văn hóa đặc trưng, ví như cồn ẩm thực, cồn trái cây bốn mùa, làng gốm hoặc làng nghề truyền thống,... mà các nước có bề dày phát triển du lịch đã từng làm để thu hút khách du lịch ở lại thêm lâu và hứa hẹn sẽ quay trở lại bởi sự quyến rũ, sự phong phú, vẻ đẹp riêng biệt, đặc trưng, đậm đà và sâu lắng, thì Hội An sẽ còn đong đầy cảm xúc du lịch hơn biết bao nhiêu!
Lê Phú Cường
(TBKTSG)
- Xu hướng “công trình xanh”
- Giải bài toán quá tải hạ tầng nội đô?
- Ứng dụng khoa học: Hướng đi tất yếu cho làng nghề truyền thống
- Nhà ga thuộc về trung tâm thành phố
- Tái hiện cố đô Huế ở Sài Gòn để báo hiếu cha mẹ
- Những nút giao nhiều tầng giải quyết "điểm đen" ùn tắc giao thông Hà Nội
- Xóa nhà “siêu mỏng, siêu méo” tại Hà Nội: Không chỉ cần vốn
- Dời ga Hà Nội: Băn khoăn chuyện quản lý “đất vàng”
- Thận trọng với lấn biển
- Đằng sau câu chuyện BOT giao thông