Trong điều kiện giá đất ở các khu đô thị cao ngất ngưởng, nhiều địa phương ven biển Việt Nam đang là miếng mồi hấp dẫn để các doanh nghiệp (DN) mở rộng quỹ đất.
Mới đây, ngay sau khi Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc (Ninh Bình) gửi văn bản cho lãnh đạo tỉnh Bình Định về việc đề xuất thực hiện đầu tư dự án Khu đô thị lấn biển TP Quy Nhơn, dư luận địa phương đã lên tiếng phản ứng dữ dội.
Bãi biển Quy Nhơn với hình vầng trăng khuyết.
Phản ứng vì theo như Hội Kiến trúc sư (KTS) tỉnh Bình Định, bãi biển Quy Nhơn với bình đồ hình cung lưỡi liềm tạo ra cảnh quan đẹp cho không gian trên bờ và bãi biển. Khu vực này gắn với lịch sử hình thành và phát triển hàng trăm năm của TP. Bởi vậy, dự án Khu đô thị lấn biển TP Quy Nhơn là không phù hợp. "Quan điểm của chúng tôi là không nên đánh đổi cảnh quan thiên tạo hiếm có cộng với bề dày các giá trị nhân văn, văn hóa để lấy một dự án nhân tạo" - KTS Nguyễn Huỳnh, Chủ tịch Hội KTS tỉnh Bình Định thẳng thắn cho biết.
Trong cuộc họp bàn về bảo vệ rừng ngập mặn ven biển, TS Phạm Bình Quyền - Giám đốc chi nhánh Bắc Trung bộ Viện Môi trường và Phát triển bền vững cho biết, thời gian qua, việc lấn biển diễn ra khá tràn lan, không ít rừng ngập mặn ven biển, những cánh rừng phòng hộ quan trọng đã bị tàn phá vì các mục tiêu kinh tế khác nhau. “Sức tàn phá ghê gớm của những trận bão vào nửa cuối năm ngoái ở miền Trung làm cho đô thị lấn biển trở nên thiếu an toàn, nếu không tính toán, cân nhắc kỹ về các giải pháp thích ứng”, ông nhấn mạnh.
Cũng với quan điểm thận trọng, Tiến sĩ Nguyễn Đình Hòe - Khoa Môi trường Đại học Quốc gia Hà Nội tán thành việc phải có quy hoạch tổng thể cho vấn đề lấn biển.
Ông nhấn mạnh: “Những khu vực nhạy cảm với môi trường, như khu bảo tồn thiên nhiên, vùng danh lam thắng cảnh tự nhiên... nhất định không được tác động vào. Những nơi không thuộc diện bảo vệ, thì có thể lấn, nhưng phải có đánh giá tác động môi trường thật kỹ và khâu thẩm định cũng phải thật chất lượng”.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia băn khoăn, trên danh nghĩa, báo cáo đánh giá tác động môi trường phải qua nhiều cấp thẩm định, từ địa phương tới Trung ương. Nhưng không ít trường hợp chỉ được xem xét một cách riêng lẻ, nên không có sự đánh giá tổng thể. Đó là chưa nói đến việc nghiên cứu và thẩm định thực sự có chất lượng hay không, hay là chỉ mang tính thủ tục.
Điển hình như đề xuất lấn sông Đồng Nai Công ty Toàn Thịnh Phát làm chủ đầu tư tại TP Biên Hòa mới đây, tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ nêu rõ báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án có cũng như không khi chưa làm rõ được những tác động của việc lấn sông đến các đặc tính tự nhiên của con sông, đến sinh kế của người dân trong lưu vực. Mặc khác, VRN cho rằng việc lấn sông của công ty Toàn Thịnh Phát đã vi phạm các quy định của luật Tài nguyên nước, luật Bảo vệ môi trường, luật Phòng chống thiên tai, luật Giao thông đường thủy nên cần phải được xử lý theo pháp luật.
Linh Vân
(DĐDN)
- Tái hiện cố đô Huế ở Sài Gòn để báo hiếu cha mẹ
- Bên dòng Thu Bồn
- Những nút giao nhiều tầng giải quyết "điểm đen" ùn tắc giao thông Hà Nội
- Xóa nhà “siêu mỏng, siêu méo” tại Hà Nội: Không chỉ cần vốn
- Dời ga Hà Nội: Băn khoăn chuyện quản lý “đất vàng”
- Đằng sau câu chuyện BOT giao thông
- Lối thoát nào cho một giấc mơ lãng mạn về giao thông Hà Nội
- Nghệ thuật đường phố: Văn minh xa vời
- Ưu tiên nào cho đô thị bền vững?
- Nhơn Trạch: Tàn tích của siêu đô thị sau những tin đồn