Dù đã được lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi chấp nhận về ý tưởng, dự án nghiên cứu xây dựng khu resort tại đảo Lý Sơn vẫn đang được các chuyên gia đón nhận với những băn khoăn.
Theo đó, có diện tích khoảng 20 ha (có thể được mở rộng thêm 50ha bằng cách lấn biển ở giai đoạn sau), dự án này (bao gồm cụm resort, khách sạn và thương mại) được đặt tại phía Tây của đảo Lý Sơn, nơi có nhiều thắng cảnh nổi tiếng như miệng núi lửa Thới Lới, Chùa Hang, Cổng Tò Vò. Và theo nhà đầu tư, các hạng mục dự kiến xây dựng sẽ gồm các khu nhà Shophouse; khu Spa, Yoga, Bar, Gym; khu nhà hàng khách sạn; khu bể bơi chung, bể bơi riêng, khu bể bơi lướt sóng.
Toàn cảnh huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).
Resort là một phần không thể thiếu của du lịch biển. Và, ở một huyện đảo nghèo như Lý Sơn, việc thu hút nguồn lực của doanh nghiêp để phát triển du lịch biển là điều tất yếu. Thực tế, gần chục năm qua, hòn đảo ấy cũng đã dần khởi sắc khi khách du lịch liên tục đổ về để thưởng lãm biển xanh, cát trắng, hay chiêm ngưỡng những dấu tích gắn với hành trình đi thực thi chủ quyền của hải đội Hoàng Sa trong lịch sử.
Vậy, tại sao ý tưởng xây dựng resort lại khiến giới khoa học băn khoăn?
Câu trả lời sẽ có, nếu chúng ta lật lại một hội thảo lớn về phát triển Lý Sơn từ năm 2014. Ở thời điểm ấy, bên cạnh việc xác định tiềm năng đặc biệt của hòn đảo này, những thông số đáng buồn được đưa ra: từ diện tích hơn 10km2 của 40 năm trước, hòn đảo này đã bị xâm thực và chỉ còn khoảng 9km2. Kèm theo đó, phần đất rừng từng chiếm khoảng 70% diện tích Lý Sơn trong thế kỷ trước đã bị thu hẹp và chỉ còn phủ xanh gần 20% toàn đảo.
Sự thay đổi ấy tất nhiên đến từ những hoạt động của con người. Đơn cử, theo phân tích của PGS Nguyễn Chu Hồi, chuyên gia về tài nguyên biển, một lượng lớn bãi cát trắng quanh Lý Sơn được dư dân quanh đảo xúc lên bờ để trồng tỏi. Tỏi được, nhưng dải san hô ngầm quanh đảo mất - để rồi bờ biển xói lở.
"Không ai làm ngược như chúng ta. Thế giới bằng mọi giá giữ hệ sinh thái san hô để bảo vệ cảnh quan và tiềm năng du lịch biển, nghĩa là lấy thiên nhiên làm trục phát triển chính" - ông nói - "Chắc chắn, muốn phát triển, Lý Sơn phải có những thay đổi, chẳng hạn như việc áp dụng các giải pháp giữ cát hiện đại để chấm dứt tình trạng này".
Cũng cần nhắc lại, trên lý thuyết, kinh tế đảo có những đặc thù rất khác với kinh tế đất liền. Điển hình, địa tầng của Lý Sơn là xỉ núi lửa, bản chất xốp, rỗng, ít giữ nước. Như khẳng định của các chuyên gia, trong bối cảnh rừng bị thu hẹp, nếu các túi nước ngọt tại đây bị khô kiệt và bị nước mặn xâm nhập, Lý Sơn sẽ trở thành hòn đảo chết và không bao giờ khắc phục được như ban đầu. Bởi thế, tại hội thảo ấy, nhiều ý kiến đã cảnh báo: Lý Sơn không nên xây dựng những công trình "hiện đại hóa" theo kiểu đô thị.
***
Gần 5 năm kể từ thời điểm ấy, cùng với việc phát triển du lịch, dư luận cũng đã nhắc nhiều tới việc các con đường bê tông, các nhà nghỉ, khách sạn nối nhau mọc lên tại Lý Sơn. Và, câu chuyện về resort lại diễn ra trong bối cảnh huyện đảo này đang lên kế hoạch xây dựng hồ sơ xin UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.
Trong những chuyến thăm Lý Sơn, rất nhiều du khách đã chia sẻ cảm xúc đặc biệt về sự nhiệt tình, hiếu khách và chân thành của những người dân tại đảo. Và, nhiều chuyên gia cũng đã từng lên tiếng đề nghị phát triển Lý Sơn theo hướng du lịch xanh, du lịch cộng đồng gắn với hệ thống homestay tại các nhà dân. Bởi, đó là hướng đi bền vững nhất để có thể giữ được sự nguyên sơ còn có ở hòn đảo này, đồng thời thu hút cộng đồng bản địa cùng góp sức để phát triển kinh tế bằng du lịch.
Sự lựa chọn còn ở phía trước. Nhưng, nếu có những giải pháp để các nhà đầu tư cũng hưởng quyền lợi hợp lý khi đầu tư cho du lịch cộng đồng, có lẽ Lý Sơn cũng không nhất thiết phải có một khu resort cho mình.
Anh Bảo
(TT&VH)
- Năm đại lộ đầu tiên của Sài Gòn xưa
- Giếng làng
- Tư duy “liệu cơm gắp mắm” và bài học phát triển đô thị
- Thiếu vắng công trình chuẩn xanh
- Mặt nước và cỏ cây - Sắc hồn đô thị
- Cơ cấu lại đầu tư công: ít có điểm mới
- Bãi giữ xe: để tự phát hay khuyến khích doanh nghiệp làm?
- Đà Lạt - Ai giết nỗi buồn?
- Cái giá của việc xóa sổ
- Nhà dài - không gian sống theo chế độ mẫu hệ của người Ê đê