Các tòa nhà cao tầng đang và sẽ là các công trình tiêu thụ nhiều điện năng nhất. Song, do cách hiểu sai về công trình xanh cũng như chưa có những hỗ trợ thiết thực đối với loại công trình này nên tới nay số công trình xanh rất ít, chủ yếu là các công trình công nghiệp.
Dự án Diamond Lotus Riverside được Phuc Khang Corporation xây dựng theo tiêu chuẩn LEED của Mỹ.
“Xanh” không chỉ là cây xanh
Hiện nay vẫn có nhiều lầm tưởng rằng công trình xanh có nghĩa là có nhiều cây xanh. Nhiều cây xanh không phải sai, nhưng nó chỉ là một trong những yếu tố góp phần xanh hóa công trình. Cây xanh đem lại bóng mát và bầu không khí trong lành, vô cùng có tác dụng trong việc điều hòa không khí trong không gian công trình. Tuy nhiên “Xanh” không chỉ đơn giản là như vậy.
Theo bà Nguyễn Thu Nhàn, Quản lý Chương trình Công trình xanh Việt Nam của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới, khái niệm Công trình xanh xuất hiện trên thế giới từ những năm 1990, song cũng tồn tại khá nhiều cách hiểu khác nhau. Không ít các quan niệm cho rằng “Công trình xanh là công trình trồng nhiều cây xanh”, tuy không sai nhưng chưa bộc lộ hết những ý nghĩa sâu xa của nó.
Xét theo khía cạnh chuyên môn, công trình xanh còn hội tụ nhiều yếu tố khác như sử dụng tài nguyên tiết kiệm và tái tạo, thân thiện với môi trường hay an toàn cho sức khỏe con người. Do đó, để có được công trình xanh là sự kết hợp cả quá trình từ thiết kế, thi công cho tới sử dụng và vận hành công trình.
Đồng quan điểm, ông Trịnh Tùng Bách, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển, Capital House, cho hay tại Việt Nam phần lớn chủ đầu tư, người mua nhà, các sàn giao dịch bất động sản… cũng hiểu khá sai lệch khái niệm công trình xanh. Phần lớn cho rằng công trình xanh chỉ đơn giản là nhiều cây xanh, trong khi nó còn liên quan tới nhiều yếu tố khác như về tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, an toàn tới người sử dụng….
Bên cạnh đó, theo ông Bách, còn có cách hiểu sai thứ hai là công trình xanh vô cùng đắt đỏ và chỉ có những tòa nhà hạng sang mới có khả năng đạt chuẩn công trình xanh. Rất nhiều nhà đầu tư nghĩ rằng công trình xanh sẽ có mức chi phí cao hơn 10-30% công trình thường. Điều này là một rào cản không nhỏ cho việc “xanh hóa” các công trình tại Việt Nam.
Do sự hiểu chưa đúng này nên công trình xanh ở Việt Nam nói chung đang phát triển hết sức chậm chạp, không tương xứng với tiềm năng của ngành xây dựng.
Ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CEO, nói rằng biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu và Việt Nam là một trong các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu và tình trạng nước biển dâng. Trong điều kiện đó, việc phát triển công trình xanh sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn đối với kinh tế, xã hội và môi trường.
Tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, theo dự báo của Liên Hiệp Quốc, 40% người dân trong khu vực sống ở các đô thị và đến năm 2050 sẽ có tới 2/3 dân số sống trong các đô thị và đại đô thị. Còn theo dự báo của Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu, trong những thập kỷ tới, các nước châu Á sẽ dẫn đầu trên toàn thế giới về phát thải trong xây dựng do sử dụng năng lượng.
Châu Á là một trong những khu vực có quá trình đô thị hóa nhanh hơn so với bất kỳ khu vực khác trên thế giới và đi kèm với nó là quá trình xây dựng và phát thải khí carbon. Trong cuộc đấu tranh để giảm lượng khí thải carbon, sự bùng nổ kinh tế ở châu Á cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại và dân cư.
Chính vì thế, đã có nhiều cuộc họp diễn ra ở châu Á và đã đạt được sự đồng thuận giữa các nhà chính trị, phát triển đô thị trong việc thúc đẩy công trình xanh ở Châu Á để giải quyết tình trạng ô nhiễm, giảm thiểu các tác động của sự nóng lên toàn cầu.
Tại các nước trong khu vực Đông Nam Á, công trình xanh không còn là yếu tố “nên có” mà đã trở thành công cụ cạnh tranh ở cấp độ cao cấp. Những tập đoàn lớn trên thế giới đã và đang chạy đua đầu tư vào công trình xanh để duy trì lợi thế cạnh tranh này.
Các nước trong khu vực Đông Nam Á đang cạnh tranh khốc liệt trên thị trường năng lượng xanh nhưng thị trường địa ốc của Việt Nam dường như bỏ ngỏ cuộc đua này. Hiện nay số lượng công trình xanh tại Việt Nam còn rất khiêm tốn chỉ khoảng 100 dự án, trong đó phân khúc nhà ở chiếm tỷ lệ chưa cao, chủ yếu là trong các công trình công nghiệp. Những công trình xanh ở Việt Nam chủ yếu dựa vào các tổ chức cũng như bộ tiêu chí ở nước ngoài để đánh giá một cách tự phát.
Làm thế nào để phát triển công trình xanh?
Việc phát triển các công trình xanh có nhiều ý nghĩa và không hề đắt đỏ. Chương trình Năng lượng sạch USAID Việt Nam đã chứng minh công trình xanh có thể tiết kiệm 50% mức tiêu thụ năng lượng so với thiết kế ban đầu mà không làm tăng chi phí. Lợi ích rõ ràng nhất của công trình xanh là giảm chi phí vận hành, thường chiếm hơn 80% chi phí đầu tư. Qua đó, làm tăng giá trị tài sản, mức hoàn vốn đầu tư nhanh, hấp dẫn khách hàng.
Dù những lợi ích mà công trình xanh mang lại là rất lớn, nhưng theo bà Nguyễn Thu Nhàn, tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một chính sách ưu đãi, hỗ trợ cụ thể nào dành riêng cho lĩnh vực xây dựng xanh để khuyến khích đầu tư vào khu vực này. Hệ thống các tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng cũng chưa được hoàn thiện và nâng cấp cho phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam và tương xứng với tiêu chí xanh quốc tế. Các hoạt động hỗ trợ đã triển khai chưa phát huy được hiệu quả cao trên diện rộng. Mặt khác, một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp, chủ đầu tư và cán bộ thẩm tra còn tỏ ra khá thờ ơ và chưa có quan tâm đúng mực.
Để thúc đẩy phát triển những công trình xanh trong phân khúc nhà ở giá thấp và trung bình, theo ông Trịnh Tùng Bách, nhà nước cần kiến thiết những chương trình hỗ trợ ít nhất 20 năm, với các nội dung cụ thể từ tín dụng, quỹ đất, đến ưu đãi khác cho nhà phát triển... Về dài hạn, cần thành lập ủy ban hoặc hội đồng nhà ở, theo mô hình công ty, với sự tham gia của đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội, đại diện các bộ, ngành liên quan, doanh nghiệp và vận hành theo quy luật thị trường.
Còn theo ông Đoàn Văn Bình, để tạo cơ sở vững chắc cho việc phát triển công trình xanh, góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, Chính phủ cần nhanh chóng ban hành văn bản quy định hoạt động đánh giá và công nhận công trình xanh, làm cơ sở cho việc hình thành và phát triển các tổ chức tư vấn công trình xanh, chứng nhận công trình xanh ở Việt Nam.
Đồng thời, cần sớm hoàn thiện, ban hành quy chuẩn và tiêu chuẩn đầy đủ, phù hợp với điều kiện của quốc gia nhiệt đới gió mùa như nước ta; các tiêu chuẩn, quy chuẩn này phải khả thi và đi kèm hướng dẫn kỹ thuật đầy đủ để đảm bảo thuận tiện khi áp dụng.
Thùy Dung
(TBKTSG)
- Những thách thức với cơ chế đặc thù của TPHCM
- Hình ảnh Chợ Bến Thành gần 100 năm trước
- Năm đại lộ đầu tiên của Sài Gòn xưa
- Giếng làng
- Tư duy “liệu cơm gắp mắm” và bài học phát triển đô thị
- Mặt nước và cỏ cây - Sắc hồn đô thị
- Lý Sơn có cần resort?
- Cơ cấu lại đầu tư công: ít có điểm mới
- Bãi giữ xe: để tự phát hay khuyến khích doanh nghiệp làm?
- Đà Lạt - Ai giết nỗi buồn?