Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tương tác Góc nhìn Để phát triển công trình xanh trở thành trào lưu ở Việt Nam

Để phát triển công trình xanh trở thành trào lưu ở Việt Nam

Viết email In

Ở Việt Nam, công trình xanh đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển. Chính vì vậy để phát triển công trình xanh trở thành trào lưu mà mọi người dân đều muốn hướng tới sẽ là một thách thức với ngành Xây dựng. 

Trong một xã hội phát triển việc thiết kế nhà ở đi kèm với các yếu tố xanh chỉ có thể thực hiện thông qua việc đưa tiện nghi sống của người dân lên hàng đầu, cũng nhờ đó mà giảm năng lượng sử dụng. Trên thực tế năng lượng cấp cho nhà ở tại Việt Nam chiếm tới 90% sản lượng của lĩnh vực năng lượng công trình. Các công trình xanh sẽ góp phần giảm phát thải CO2 và giảm nhu cầu xây dựng nhà máy điện trên quy mô quốc gia, có như vậy mới giữ được cam kết với quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính.  


Ảnh minh hoạ: Công trình Marina One ở Singapore đạt chứng nhận LEED Platinum của Mỹ và Green Mark Platinum của nước sở tại (Nguồn: Green Building Review / Ashui.Asia) 

Tất cả những lợi ích của công trình xanh mang lại không phải người dân nào cũng hiểu và phần lớn những chứng chỉ xanh xuất hiện tại các dự án có mức đầu tư lớn, đặc biệt với các chứng chỉ đã khẳng định đẳng cấp quốc tế như LEED, EDGE, HQE và trong nước như LOTUS. Theo thống kê, ngoài công trình Thăng Long No 1 được đánh giá thử nghiệm bằng công cụ CTX và một số khác theo tiêu chí kiến trúc xanh của Hội Kiến trúc sư, số lượng công trình xanh và bền vững được chứng nhận trên toàn quốc theo những bộ công cụ được Hội đồng Công trình xanh thế giới công nhận mới chỉ dừng lại ở con số 59 sau gần một thập kỷ triển khai. 

Con số này còn rất khiêm tốn so với hơn 125 công trình đã được chứng nhận tại Malaysia, 500 công trình tại Đài Loan và gần 1.200 công trình xanh tại Singapore tính đến năm 2014… (Phát biểu của thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Mỹ Linh tại Hội thảo “Kiến trúc, Xây dựng, Khí hậu – Trách nhiệm và Giải pháp”, 10/2015 – Đà Nẵng). Bên cạnh đó, thị trường công trình xanh tại Việt Nam vẫn được đánh giá có tiềm năng với không ít cơ hội phát triển. 

Chính vì vậy, các công trình vừa và nhỏ vẫn chưa thực sự được các nhà đầu tư quan tâm để áp dụng yếu tố xanh cho công trình. Nhiều doanh nghiệp bất động sản Việt Nam còn đắn đo trước yêu cầu bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên và năng lượng, chưa biết khai thác yếu tố "xanh" để xây dựng thương hiệu và quan ngại việc đầu tư công trình xanh sẽ làm tăng tổng chi phí đầu tư xây dựng. Với các nguồn vốn Nhà nước, rất khó để đưa các khoản chi phí tư vấn công trình xanh vào thành hạng mục chi phí chính thức.

Trong khi đó các cơ quan quản lý Nhà nước chưa có định hướng chiến lược và các giải pháp chính sách hỗ trợ cụ thể để thúc đẩy phát triển công trình xanh, đô thị xanh tại Việt Nam như một số quốc gia đã và đang tích cực triển khai, như cơ chế ưu đãi tài chính, thuế, đất đai cho công trình xanh như Thủ tướng Singapo Lý Quang Diệu kiên quyết “đưa thành phố vào công viên”. Chính tư tưởng đó đã khiến công trình xanh được phát triển mạnh mẽ, trở thành một xu thế tất yếu tại Singapore và đưa Đảo quốc Sư tử trở nên xanh sạch như hiện nay.

Để công trình xanh tại Việt Nam được phát triển mạnh mẽ và trở thành một xu hướng tất yếu và đi vào đời sống của nhân dân thì cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước; các nhà thiết kế, tư vấn; các nhà đầu tư phát triển, chủ đầu tư, chủ sở hữu bất động sản; các tổ chức cấp chứng chỉ công trình xanh; các nhà thầu xây dựng, nhà cung cấp trang thiết bị, vật liệu; các hội nghề nghiệp như Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam... Các trường Đại học, viện nghiên cứu; các cơ quan truyền thông, báo chí...

Đồng thời cần tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn, hội thảo, tọa đàm nâng cao kiến thức và nhận thức về công trình xanh cho các nhà phát triển bất động sản. Vận động các nhà phát triển bất động sản tham gia tích cực và hiệu quả vào công cuộc phát triển công trình xanh của quốc gia. Các công trình xanh có thể được ưu đãi về số tầng, mật độ xây dựng. Đưa các chương trình đào tạo về công trình xanh vào hệ thống giáo dục từ học sinh, sinh viên và tuyên truyền cho người dân thấy rõ vai trò của công trình xanh trong việc biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và thiếu hụt năng lượng đang diễn ra ngày càng nhanh hiện nay và sẽ có tác động tiêu cực tới Việt Nam không xa. 

Hạ Ly 

(Báo Xây dựng) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo