Tại TPHCM, ngay từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, việc bảo tồn các di tích, các tòa nhà cổ có lối kiến trúc độc đáo đã được đặt ra. Tại khu vực đã được quy hoạch là trung tâm hiện hữu (luôn là khu vực nhạy cảm) có rất nhiều nhà cổ, biệt thự xưa. Để tỏ lòng tôn trọng “dấu xưa tích cũ”, mỗi khi chính quyền có động thái đụng chạm đến một không gian kiến trúc hay một thực thể kiến trúc thì giới chuyên gia, nhân sĩ trí thức lên tiếng bày tỏ quan điểm của mình.
Gần đây, với những tranh cãi liên quan đến tòa nhà Dinh Thượng Thơ 130 năm tuổi (59-61 Lý Tự Trọng, quận 1), vấn đề bảo tồn lại được đặt ra một cách “gay gắt” hơn trong bối cảnh có sự “xung đột” giữa bảo tồn và phát triển. Câu chuyện này hoàn toàn không mới nhưng luôn là vấn đề của nhiều đô thị trên thế giới.
Dinh Thượng Thơ thời Pháp thuộc. Ảnh tư liệu.
Gần mười năm trước, tôi có dịp gặp gỡ ông Thomas Wright, Giám đốc điều hành Hội Quy hoạch khu vực (RPA) Hoa Kỳ (người tham gia hoạch định tái thiết một khu vực của thành phố New York sau sự kiện 11-9-2001). Thomas Wright nói: “Quy hoạch lại một khu phố, nhiều khu phố và tiến đến quy hoạch toàn thành phố không phải là chuyện dễ dàng. Thành phố nào cũng có những bản sắc riêng biệt. Với tôi nét văn hóa ở thành phố của các bạn chính là có những khu phố bán hàng rong, các khu phố bán hàng lưu niệm, những tòa nhà cổ được xây dựng cả trăm năm”. Ông cho rằng nếu TPHCM quy hoạch lại thì phải giữ những nét đặc thù ấy, không thì chẳng còn gì cá biệt. Từ kinh nghiệm của mình, ông chia sẻ: “Người làm quy hoạch một vùng đất mà có kiến thức lịch sử và văn hóa của vùng đất ấy thì khi quy hoạch sẽ giữ được tính cách riêng của đô thị, không lẫn được với bất cứ đô thị nào khác”.
Thomas Wright cũng cho rằng trong quá trình làm quy hoạch, những ý kiến phản biện các đồ án quy hoạch là rất cần thiết. Ông cho biết RPA đã từng đề ra một kế hoạch phát triển cho New York với hơn 100 kiến nghị về quy hoạch. Mỗi kiến nghị đều đề xuất những dẫn chứng cụ thể, đúc rút từ tinh hoa quy hoạch của các thành phố lớn trên thế giới để biện giải: tại các thành phố ấy người ta giải quyết vấn đề này như thế nào, và thuyết phục được chính quyền cũng như nhận được sự đồng tình của cộng đồng cư dân thành phố New York.
Điều mà Thomas Wright muốn chia sẻ trong phát triển và bảo tồn, đó là “bảo tồn tái sử dụng thích nghi”, tức có thể chuyển đổi công năng trên cơ sở vẫn bảo lưu cái hồn của di tích. Ông kể ở New York có một tòa nhà bưu điện cổ nằm ở khu vực hạ Manhattan, được xây dựng từ hơn 100 năm trước. Tòa nhà rất đẹp nhưng không được sử dụng như một văn phòng hiện đại. “Thay vì phá bỏ, chúng tôi cải tạo. Và khi dự án thành công, nó trở thành một biểu tượng thú vị của New York. Nhiều công trình cổ khác cũng được đối xử theo cách tương tự để giữ được tính độc đáo của lịch sử”, Thomas Wright nói.
Lại nhớ những điều mà kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng đã ghi chép kèm với những hình ảnh rất thú vị trong cuốn “Lang thang phố thị” về các thành phố nổi tiếng trên thế giới, cho thấy sứ mệnh bảo tồn mang ý nghĩa vô cùng to lớn là lưu lại cho hậu thế những công trình mang dấu tích cổ xưa. Chia sẻ sự tâm đắc với công việc bảo tồn đô thị, kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng từng nói: “Những công trình xây dựng mang cái hồn của lịch sử, mang dấu ấn của một thời đại đã qua mà nếu phá bỏ thiếu cân nhắc thì sẽ đánh mất tính đặc thù đô thị”.
Tin rằng những điều chia sẻ của những người như Thomas Wright hay Nguyễn Ngọc Dũng vẫn đầy tính thời sự đối với các chính quyền đô thị trong nhiệm vụ phát triển đô thị gắn với bảo tồn những giá trị lịch sử - văn hóa, không chỉ với TPHCM mà với cả những đô thị khác ở Việt Nam.
Ngọc Bình
(TBKTSG)
- Đường sắt đô thị: Điển hình về tình trạng đội vốn
- Hà Nội xây dựng thành phố thông minh: Chồng chất các vấn đề đô thị
- Bản sắc kiến trúc có thật sự cần thiết?
- Ẩn ức đô thị
- Đô thị vệ tinh của Hà Nội - những hình hài bất động
- Sức sáng tạo là nguồn lực quan trọng nhất cho phát triển thành phố
- Cảng xanh, sự lựa chọn tất yếu!
- Sau Dinh Thượng Thơ, cần giữ cả khu phố Chợ Bến Thành
- Ngập nước vẫn là nỗi ám ảnh dai dẳng của cư dân TPHCM
- Chủ yếu ở khâu thực thi pháp luật