Một ngày đất nước tôi tràn ngập resort, cái đất nước mà theo lý thuyết về đất đai thì bất cứ ngóc ngách nào trên quê hương cũng đều là sở hữu của toàn dân. Như mọi con dân hiền lương của nước Việt, tôi ngỡ ngàng, mông lung, hỗn độn giữa cảm giác hoan hỉ và chênh vênh, lạc loài...
Từ rừng núi đến biển dã, đồng bằng, phố thị, thôn quê, resort bỗng một ngày tuôn xuống như mưa trên cánh đồng du lịch. Resort rộn rã, du lịch tưng bừng, kích, thúc, kéo, vỗ nhau. Mười hai triệu khách đến năm rồi ai mà chẳng mừng vui. Tuyệt vời du lịch. Nhưng cũng thật lòng với nhau rằng, chỗ nào đẹp nhất cũng là chỗ đắc địa nhất, dễ sinh lợi, đầu tư ít tốn kém, và đi lại thuận tiện nhất. Những khối giá trị tích hợp ngàn năm từ mặt nước, bãi cát, cánh rừng, màu xanh, di sản của quê xứ, cộng đồng là dinh dưỡng cho du lịch, che chở cho resort. Resort sống vui và khỏe.
Con dân cày, ngư phủ bị dạt một cách rất tự nhiên ra bên ngoài không gian resort, dù nó mọc lên trên giá trị thiên nhiên, văn hóa, tình cảm của quê nhà. Quen với đánh cá và cày ruộng từ cha ông, nông dân, ngư phủ làm sao khéo ăn khéo nói, khéo cười, khéo thỏa mãn du khách, mà toàn khách thượng lưu. Đã resort là nụ cười cũng “chuyên nghiệp”, được đào tạo, tất cả là kỹ năng, trường lớp, chính quy. Nên có khu resort nào dùng người bản địa, con dân cày, ngư phủ bao giờ.
Một ngư dân miền Trung buồn lo không còn bến đậu thuyền. (Ảnh: Ninh Nguyễn)
Ta vui khi resort xuất hiện, cũng đứt ruột vì không còn được tự do tự tình, lang thang trên đó. Hàng ngày bà con đứng ngoài bờ rào nhìn trộm vào con hồ, bãi biển, cánh rừng quê hương ở bên trong. Resort bứt cô bác chân chất ra khỏi mặt hồ, bãi biển, di sản. Chính sách về đất đai, về cái nhìn đối với người kinh doanh, tư bản, giúp resort, sân golf xuất hiện điềm nhiên trên quê hương - điều mà hai mươi năm trước không thể có. Resort dĩ nhiên mọc lên hợp pháp. Chính phủ muốn đất nước phát triển. Nhưng chưa hẳn Chính phủ thấu hết tình cảm với không gian sống là thứ cao ngời của sinh vật người trên mặt đất. Không có cái gì đo được năng lượng tâm hồn và tình yêu quê xứ trong lòng người.
Con người tồn tại được nhờ niềm vui sống, mà ai bảo thứ vui đó nó không đậu quả từ những gì gần gụi nhất, như bờ cây, mặt nước, thảm cỏ... Giá mà resort, và cả sân golf nữa, biết những lối đi, bến bãi ra biển, mặt hồ, cánh rừng, ngọn núi ấy cộng đồng bản địa đã trao đổi chất với nó, từ thế hệ kia đến thế hệ này, là thân thể của làng, là thứ giúp cho con người tồn tại được.
"Ta vui khi resort xuất hiện, cũng đứt ruột vì không còn được tự do tự tình, lang thang trên đó. Hàng ngày bà con đứng ngoài bờ rào nhìn trộm vào con hồ, bãi biển, cánh rừng quê hương ở bên trong. Resort bứt cô bác chân chất ra khỏi mặt hồ, bãi biển, di sản". |
Giá mà resort biết hàm ơn những mặt nước, rặng cây, bãi cát nơi mình đứng. Giá mà rerort biết quỹ giá trị đó không tự nhiên mà có, cũng chẳng phải từ sự ban phát của các cơ quan chính quyền mà từ ông cha cộng đồng nơi đó để lại cho họ, chứ không phải cho “chúng ta”. “Chúng ta” bất ngờ đến (và có thể một lúc nào đó bất ngờ “chúng ta” ra đi nữa), nhưng họ thì ở lại. Giá mà resort không phải là một thực thể nghênh ngang được bảo hộ. Giá mà resort xem đồng tiền không phải quyền uy, đứng lạnh lùng trên địa đầu văn hóa và tâm hồn người. Giá mà resort khám phá được ký ức của nơi mình tọa lạc. Giá mà resort nghe được tiếng nấc của cư dân. Giá mà resort thành tâm với nguồn sữa đang nuôi mình. Giá mà...
Là khi, resort sẽ phải dùng con của dân cày, ngư phủ, thợ thuyền, thường dân bản địa trong các resort, và tìm cách đào tạo họ, làm đẹp họ. Là resort biết làm cái khó khăn này, để tạ ơn, thay vì thực dụng, “ăn nhanh”, đưa nhân lực, công nghệ tới. Resort hãy cố là thực thể sống có trách nhiệm và lương tâm chứ không phải một cỗ máy làm tiền trên không gian, quê hương của người ta. Là resort để cư dân coi mình là một phần của quê nhà chứ không phải “khách”. Là đến đây để cộng sinh chứ không phải để làm “ông chủ”.
Đừng mãi thế mà, đừng có lăm le những chỗ là báu vật, thắng cảnh danh tiếng, để rỉ tai, chờ đâu đó thu hồi để giao, để “gả”, hoặc đền bù một cục, rồi cư dân mang cục ấy vung tiêu, hết tiền thì thành thất nghiệp, tha hương, và căm hận. Resort dù sang, đẹp nhưng cũng nên biết cúi xuống, sẽ nhìn thấy tha nhân, tình đời.
* * *
Mấy năm qua, bạn xuất hiện chỗ nào là chỗ đó ồn ào lên quá, resort ạ. Vì bạn toàn muốn mình hiện hữu ở những nơi nhạy cảm, cao quý, hơn người.
Và resort ơi, từ nay nếu có xuất hiện ở nơi nào đó nữa thì cũng theo quy hoạch và chịu sự phản biện khoa học. Bởi quỹ thắng cảnh trên đất nước này không nhiều nhặn gì, và nó còn là của để dành thiêng liêng bao đời tổ tiên người ta để lại. Chủ của resort cũng có quê hương, thì cũng thương quê hương người khác với.
Resort phải là thực thể đáng yêu chứ không nên là thực thể đáng ghét, của ngay cư dân bản địa chứ không phải chỉ khách thượng lưu nơi xa bất chợt tạt qua. Còn nếu không, thì cứ tiếp tục như chàng ngư phủ vui với “hồn treo cột buồm” ngoài sóng cả, hay bác dân cày lòng cứ luôn như “cày xong thửa ruộng” trên đất quê, và thường dân ta thì cứ mua vé vào tham quan các resort, thắng cảnh bỗng nhiên thành “của người” trên quê xứ mình.
Dự án Lancaster Nam O Resort (Đà Nẵng) đã bịt đường xuống biển của cư dân địa phương. (Ảnh: Đoàn Cường, 3/2018)
Gần đây, nơi này chỗ kia các chủ resort đã bắt đầu “đòi” nhà nước cho được bán những biệt thự, khối nhà nghỉ dưỡng được họ xây cất trong các resort như nhà cửa, đất đai trong các khu quy hoạch dân cư, nhà ở đô thị. Resort, vốn là cơ chế du lịch, chịu sự quản lý, kiểm soát đặc thù về đất đai - kinh tế - kinh doanh, nhưng khi “tiến” được một bước nữa thì muốn trở thành thứ đất đai bình thường như ở mọi chốn khác. Tinh ranh, thủ đoạn, và “cơ hội” thế, resort cứ như tóm hết túi khôn trên đời của chúng sinh ở đất nước đong đưa, tù mù, lập lờ, bất nhất trong chính sách này.
Có cánh rừng, trảng cỏ, ngọn núi, mặt hồ, bãi biển đẹp đẽ nào thoát khỏi resort đâu. Chúng sinh sôi đến mức bỗng một ngày nhìn quê hương mà thấy xa lạ. Vì yêu thương quê hương, xứ sở, mang ơn nguồn cội tổ tiên ta, mà ta bắt đầu ghét resort - thứ resort hình thành “kiểu Việt Nam”, ở Việt Nam. Ta nói thật đấy, resort à!
Nguyễn Hàng Tình
(Người Đô thị)
- Sức sáng tạo là nguồn lực quan trọng nhất cho phát triển thành phố
- Cảng xanh, sự lựa chọn tất yếu!
- Sau Dinh Thượng Thơ, cần giữ cả khu phố Chợ Bến Thành
- Ngập nước vẫn là nỗi ám ảnh dai dẳng của cư dân TPHCM
- Chủ yếu ở khâu thực thi pháp luật
- Đà Nẵng sẽ kẹt xe, ngập nước như Hà Nội và TP.HCM trong 10 năm tới?
- Chờ đợi 'phố Gầm Cầu' Hà Nội
- Cứu lấy cái đẹp hiền hòa và khiêm nhường
- Đặc khu kinh tế đang mất dần lợi thế?
- Hà Nội: Sống thấp thỏm trong những khu tập thể “chờ sập”