Nghịch lý không nằm trong trò chơi thể thao cao cấp này. Cũng không nằm trong thú vui của các đại gia vừa chơi thể thao vừa có dịp trao đổi về những công chuyện lợi nhà, ích nước. Có khi, theo một cách nhìn nào đấy, số lượng sân “golf” lại là một chỉ báo về diện mạo kinh tế, xã hội và lối sống chứ chẳng chỉ chuyện chơi!
Nghịch lý nằm ở chỗ khác cơ! Nó bật ra từ chuyện Hà Nội quyết định xóa sổ 10 sân “golf”. Các báo đều đã đưa tin về một quyết định chắc là không dễ dàng ấy. Bởi lẽ, chuyện này động chạm trực tiếp đến lợi ích của nhiều “đại gia”.
Mà trong thời buổi này, động đến họ là không đơn giản tí nào. Đồng tiền liền khúc ruột. Bỏ ra hàng tỷ lập một dự án, và cứ cho là toàn chuyện “trong sáng” cả, tịnh không hề có việc “bôi trơn” thường chiếm một tỷ lệ kha khá trong đồng vốn đầu tư, mà nay bị dừng hoặc bị xóa sổ thì cũng đã “đau quá đòn hằn, rát hơn phải bỏng”!
- Ảnh minh họa : Sân golf Đồng Mô - Hà Nội
Cho nên, có một giả thiết được đưa ra : nếu không có sự lên tiếng mạnh mẽ của dư luận thông qua mạng lưới truyền thông đại chúng thì liệu đã có thể sớm có được quyết định ấy không nhỉ?
Điều mà ai cũng hiểu: lấy đất trồng lúa để làm sân “golf” là một chuyện bất hợp lý. Những người nông dân bao đời bán lưng cho trời, bán mặt cho đất trên mảnh đất trồng lúa ông cha để lại để làm ra hạt gạo nuôi sống mình, cho dù còn vất vả một nắng hai sương, nhưng còn đất là còn nguồn sống. Nay phải nhường đất cho sân chơi của các đại gia để rồi không biết làm gì để sống với khoản tiền “đền bù”, có thể là khá lớn mà trước đây họ mơ cũng không thấy.
Nhưng rồi “giấc mơ” chóng tàn vì số tiền có được không dễ gì sinh lợi với những người vốn chỉ sống nhờ đất, cho dù không thể giàu, nhưng còn mảnh ruộng là còn cái ăn. Khi ruộng không còn, biết bao gia đình nông dân rơi vào cảnh thất cơ lỡ vận, đấy là cứ cho như giá đền bù giải tỏa là tương đối thỏa đáng chứ không bị ăn chặn, không bị cưỡng đoạt.
Đã có quá nhiều những phóng sự, ký sự về thảm cảnh này rồi, tưởng không cần phải nhắc lại. Mặc dù đã có chỉ thị hạn chế tối đa việc chiếm dụng đất trồng lúa nhưng vì lẽ gì mà vẫn có những “dự án” lấy đến 198,2 ha đất lúa hoặc ít hơn thì cũng chiếm đến 97,51ha trong số 10 dự án vừa bị xóa sổ.
Cũng phải có ngòi bút thò ra ký thì dự án đầu tư mới khởi động được rồi nay mới có quyết định dừng chứ. Phải chăng quyết định này nhằm hóa giải cái nghịch lý : sao lại cho xây nhiều sân golf đến thế ở khu vực trung tâm của Hà Nội khi thủ đô đã có quá nhiều sân chơi cao cấp vốn chiếm dụng một tỷ lệ quỹ đất khá lớn của Hà Nội đất chật người đông mà vừa phải mở rộng để thêm không gian sống cho Thủ đô.
Từ mấy năm trước đây đã rộ lên những thông tin về Hà Nội , thủ đô ngàn năm văn vật của ta [từ hồi chưa mở rộng] nghe đâu đứng đầu thế giới về số lượng sân golf. Dạo ấy, hãng Reuters khi đưa tin “các sân golf đang xé nát những cành đồng lúa” ở các nước Đông Nam Á đã có đưa tên Hà Nội.
- Ảnh minh họa : Sân gôn Ngôi sao Chí Linh, Hải Dương
Thế nhưng nghịch lý ấy lại có cái lý rất thuận của nó khi núp dưới cái vỏ sân “golf” là những dự án bất động sản với những cái tên mỹ miều như “khu đô thị sinh thái” để rồi những biệt thự, những “resort” mọc lên để bán hoặc cho thuê. Chuyện này đâu phải một sớm một chiều, và sân “golf” đâu phải vo viên bỏ túi được, chúng nằm chình ình giữa thanh thiên bạch nhật trước ánh mắt săm soi của bàn dân thiên hạ.
Các “đại gia” khi tính toán đầu tư cho những dự án nói trên chắc cũng đã nắm được khá nhiều thông tin thuận cho việc bỏ vốn thì mới dám nhập cuộc, đầu tư chứ. Thế rồi đến mười dự án hoành tráng phải xóa sổ. Quyết định được lòng dân này quả đã giải tỏa phần nào những bức xúc xã hội.
Ở đây, người ta thấy cần ghi nhận sức mạnh của dư luận thông qua những phóng sự, ký sự nóng bỏng của những ngòi bút dấn thân “sống trong nhân dân và trung thực chia sẻ với nhân dân niềm hy vọng và nỗi lo lắng của họ, tình yêu và lòng căm thù của họ, niềm vui và nỗi buồn của họ” theo khuyến cáo của Các Mác.
Mặc dầu còn nhiều khó khăn và hạn chế, báo chí và mạng lưới truyền thông đại chúng đã chung sức tạo ra sức mạnh của dư luận xã hội, góp phần đẩy tới những quyết định đúng đắn, hợp lòng dân trong việc Hà Nội xóa sổ 10 dự án sân golf.
Nói về sức mạnh của dư luận từ nghịch lý sân golf, xin được nhắc lại đây một câu nói nổi tiếng của Napoléon, nhà độc tài từng ngạo mạn mà rằng “Nhà nước là ta”, nhưng rồi cũng đã phải thừa nhận: “Nhà nước là gì? Không là gì cả nếu không có dư luận!”. Đấy là chuyện xưa.
Gần đây, Sophie Wahnich, chuyên gia nghiên cứu lịch sử của CNRS (Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp) trong bài “Sau cách mạng 1789 là 2009” phân tích về nhà nước Pháp đương đại đã đưa ra kết luận đáng suy nghĩ : “nếu họ theo đuổi các chính sách công gây bất ổn, thì điều mà họ nhận được sẽ là phong trào đòi hỏi công bằng trong một xã hội bị chia rẽ. Công lý khi đó sẽ mang tên “sự trả thù của nhân dân” nhằm đòi lại món nợ danh dự và cuộc sống này. Khi một dân tộc vốn tốt và hào phóng buộc phải lao vào những cơn phẫn nộ như vậy sẽ rất khủng khiếp” (VietNamNet 14.7.2009).
Đương nhiên, đây là chuyện của nước Pháp, của người Pháp!
Tương Lai
>>
- Khu đô thị 2,5 tỷ USD và ngụ ngôn người bán mũ
- Luật có giúp giảm lãng phí năng lượng?
- Đầu tư biệt thự sinh thái ở Hà Nội: Bỏ hoang để chờ bán... sang tay
- Người có thu nhập thấp ở đô thị: Khó có nhà để ở
- Thành phố bên bờ sông Hồng: Đi tiếp hay dừng?
- Hệ thống thoát nước đô thị đồng bằng Sông Hồng: Manh mún vì không được tự chủ
- Có thực mới vực được di sản
- Đường thẳng thành đường vòng
- Đà Lạt đang bị “băm nát”
- Để thành phố “đàng hoàng” hơn