Ashui.com

Thursday
Oct 31st
Home Tương tác Góc nhìn Có thực mới vực được di sản

Có thực mới vực được di sản

Viết email In

Lập hồ sơ đăng ký cho di sản địa phương mình thành di sản thế giới được tổ chức UNESCO công nhận đang trở thành một “phong trào”. Trong khi các địa phương đang tích cực đăng ký thì một vấn đề quan trọng và lâu dài hơn là việc bảo tồn di sản đang khiến các chuyên gia, nhà nghiên cứu và các cơ quan quản lý đau đầu.


Tình trạng xuống cấp của các ngôi nhà cổ tại Hội An vẫn chưa được giải quyết tận gốc. Ảnh: Lê Quang Nhật

Việt Nam đã có nhiều di sản đạt ba trong số bốn danh hiệu: Di sản thiên nhiên thế giới, Di sản văn hoá thế giới, Khu sinh quyển thế giới và Công viên địa chất. Riêng di sản văn hoá, chúng ta có ba di sản vật thể (Huế, Hội An và Mỹ Sơn) và hai di sản phi vật thể (nhã nhạc cung đình Huế và không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên). Mới đây nhất, có thêm cù lao Chàm và mũi Cà Mau, nâng tổng số các khu di sản và dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam lên con số 13. Tại phiên họp lần thứ 33 của uỷ ban Di sản thế giới tại Seville, Tây Ban Nha vào tháng 6.2009, trung tâm Di sản thế giới đã đánh giá rất tích cực những báo cáo của các khu di sản thế giới của Việt Nam.

Sự thành công của Huế, Quảng Nam, Quảng Bình, Hải Phòng… đã khiến nhiều địa phương mạnh dạn đưa những thế mạnh về văn hoá, tự nhiên của mình ra thử sức cho một danh hiệu được UNESCO công nhận. Riêng trong năm 2009, đã có tới trên dưới 10 địa phương xin lập hồ sơ đăng ký di sản.

Trao đổi vấn đề này với GS Tô Ngọc Thanh, chuyên gia về nghệ thuật dân gian, đồng thời là người có kinh nghiệm trong việc xây dựng hồ sơ di sản phi vật thể, ông Thanh cho rằng đây chưa hẳn là một phong trào hay. Một trong những tiêu chí được UNESCO đánh giá cao là tính lan toả, sự ảnh hưởng của di sản với quốc gia và thế giới. “Hát xoan của Phú Thọ là một đặc sản địa phương. Nhưng bao nhiêu người dân Nam bộ biết tới loại hình này? Trong khi chỉ cần nói tới cồng chiêng là người ta nghĩ ngay tới Tây Nguyên và ngược lại”, ông Thanh giải thích.

Tại hội nghị toàn quốc Các khu dự trữ sinh quyển và di sản thế giới của Việt Nam năm 2009, một trong những vấn đề được các chuyên gia bàn luận nhiều nhất là mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội. Ông Nguyễn Thanh Sơn, chủ tịch uỷ ban quốc gia UNESCO Việt Nam (UBQG UNESCO VN) đặt ra câu hỏi: “Liệu giữa việc bảo tồn một di sản với một dự án hàng triệu USD, chúng ta nên hy sinh di sản cho phát triển kinh tế hay ngược lại?

Ông Trần Minh Cả, phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam, nơi có tới ba di sản thế giới, bức xúc: “Dù đã bỏ ra rất nhiều tiền với sự hợp tác, tư vấn của chuyên gia trong và ngoài nước nhưng tình trạng xuống cấp của các ngôi nhà cổ tại Hội An vẫn chưa được giải quyết tận gốc. Mới đây lại xuất hiện một hiện tượng rất đáng lo ngại. Đó là nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư có vốn lớn vào đặt vấn đề mua lại những ngôi nhà cổ của người dân với giá rất cao. Nếu nhà được bán cho những người chủ này, chúng ta sẽ không thể đảm bảo mục đích sử dụng của họ sẽ tích cực và liệu họ có giúp các cơ quan quản lý và bảo tồn giữ gìn di sản không”.

Ông Phạm Sanh Châu, tổng thư ký UBQG UNESCO VN cho rằng mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển kinh tế – xã hội là vấn đề không của riêng Việt Nam, và “UNESCO luôn theo dõi rất sát sao các di sản đã được công nhận và gửi những công văn cảnh báo, nhắc nhở ngay khi thấy có vấn đề với di sản”, ông Châu cho biết.

Uỷ ban Điều phối quốc tế chương trình con người và sinh quyển (MAB) đưa ra khẩu hiệu “Bảo tồn để phát triển và phát triển để bảo tồn”. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hoàng Trí thuộc uỷ ban này lý giải phát triển du lịch một cách bền vững với những mô hình như du lịch sinh thái, gắn di sản với những giá trị tri thức, khai thác di sản tạo nguồn lợi kinh tế cho người dân là những cách hiệu quả nhất để bảo tồn mà vẫn phát triển. Tuy nhiên, MAB cũng khuyến nghị để kết hợp được hai yếu tố trên, rất cần sự phối hợp của các cơ quan quản lý và bảo tồn nhằm định hướng cho phát triển bền vững, phát hiện và giải quyết những thách thức của từng di sản.

Thể hiện một quan điểm khác về vấn đề gắn bảo tồn với phát triển, nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Bùi Trọng Hiền cho rằng hàng tỉ đồng cho mỗi dự án xây dựng hồ sơ đăng ký di sản UNESCO nên dành cho việc xây dựng các mô hình làng bảo tồn hay khai thác những di sản sống là các nghệ nhân. “Trong khi hồ sơ đăng ký có thể không được chấp nhận thì chúng ta lại có thể bỏ số tiền đó để đảm bảo cho các nghệ nhân lớn tuổi yên tâm truyền nghề cho thế hệ sau. Chúng ta cũng có thể xây dựng những mô hình làng tiêu biểu, trong đó loại hình nghệ thuật truyền thống được gìn giữ đúng những gì vốn có mà không lai tạp, vừa thu hút được du lịch vừa đảm bảo người dân yên tâm giữ gìn những giá trị văn hoá do chính họ sáng tạo nên”.

Dung P.

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo