Tuần rồi, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã có cuộc họp với lãnh đạo các sở, ngành liên quan về việc quản lý quỹ đất và hành lang dọc hai bên tuyến đại lộ Đông - Tây, trục đường kết nối hai đầu Đông Bắc sang Tây Nam của thành phố với 22 ki lô mét đường đi qua các quận 1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh.
Một trong những chủ đề chính của cuộc họp là tính cần thiết trong việc quản lý xây dựng các công trình hai bên đại lộ theo hướng phát triển bền vững, đảm bảo quy hoạch kiến trúc hạ tầng kỹ thuật.
Ngoài yêu cầu đặt ra là các ngành chức năng và địa phương phải thật nghiêm trong công tác quản lý, kiên quyết không để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép, lấn chiếm, nhếch nhác… còn đòi hỏi tính kết nối của đại lộ với dự án đường sắt đô thị, metro, quy hoạch kiến trúc các khu thương mại, dịch vụ và các công trình công cộng, không gian xanh dọc hai bên tuyến đường.
- Ảnh bên : Nhiều công trình xây dựng đang thi nhau mọc lên dọc theo hành lang đại lộ Đông-Tây (Ảnh: Lê Toàn)
Những yêu cầu trên được đặt ra trong bối cảnh việc xây dựng đại lộ Đông - Tây đang vào giai đoạn nước rút, khi mà phần đường từ quận 1 đến huyện Bình Chánh sẽ được thông xe vào dịp 2-9, những hạng mục khác được hoàn thành lần lượt từ cuối năm 2009 và sang đầu năm 2010. Tiến độ cận kề dự án Đông Tây đang làm cho những yêu cầu về kiến trúc công trình dọc tuyến đường, yêu cầu về cảnh quan, chất lượng không gian… đang trở nên chậm bước so với thực tế.
Câu chuyện về định hướng kiến trúc, quy hoạch không gian dọc theo trục đại lộ Đông-Tây khiến nhiều người nhớ lại câu chuyện tại dự án mở rộng đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa-Nguyễn Văn Trỗi, trục đường huyết mạch nối trung tâm thành phố với cửa ngõ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
Ngay từ khi dự án mở rộng đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi còn nằm trên giấy, từ đầu năm 2005, chính quyền thành phố đã tổ chức nhiều cuộc họp liên quan đến chủ đề chỉnh trang đô thị, quản lý kiến trúc nhà dân, trụ sở cơ quan dọc hai bên đường, nhằm đạt đến mục tiêu phát triển đồng bộ về hạ tầng và không gian đô thị dọc tuyến đường này.
Thành phố cũng giao Sở Quy hoạch Kiến trúc có hướng dẫn thiết kế đô thị cụ thể, để người dân sau khi giải tỏa nhà có thể sửa chữa, xây dựng lại theo một thiết kế thống nhất, hài hòa.
Nhiều năm trôi qua, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi đã được mở rộng nhưng hiện trạng nhiều đoạn vẫn đang ngổn ngang bởi các công trình thi công hệ thống thoát nước, dự án vệ sinh môi trường… và nhà cửa dọc hai bên đường được xây dựng lộn xộn, không theo một quy chuẩn nào. Hàng loạt ngôi nhà mỏng dính, cao tầng mọc lên với thiết kế đủ kiểu, trên nền vỉa hè được nâng cao so với mặt đường chỗ hơn nửa mét, chỗ gần cả mét.
Thực tế, khi tiến hành tháo dỡ nhà cửa, bàn giao mặt bằng phục vụ việc thi công mở rộng đường từ năm 2005, người dân đã không nhận được sự hướng dẫn cụ thể về quy hoạch kiến trúc đô thị từ các cơ quan quản lý. Đến giữa năm 2006, khi hướng dẫn này được đưa ra thì cũng là lúc hàng trăm ngôi nhà dọc hai bên đường đã được sửa chữa, xây dựng xong xuôi vì người dân không thể đợi chờ trong cảnh không nhà.
Một câu chuyện khác là vấn đề quy hoạch không gian ngầm tại TPHCM, với thông tin thời sự nhất là UBND TPHCM đã giao Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì, nghiên cứu đề án lập quy hoạch xây dựng ngầm đô thị trên địa bàn thành phố. Sở Nội vụ, Sở Xây dựng và Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM được yêu cầu phối hợp xây dựng đề án thành lập Trung tâm Quản lý công trình và hạ tầng ngầm đô thị của thành phố.
Đề án này sẽ trình thành phố thông qua vào cuối năm 2009. Và số phận các dự án xây dựng bãi đậu xe ngầm dưới công viên Lê Văn Tám, công viên Chi Lăng, sân vận động Hoa Lư, công viên Bách Tùng Diệp, công viên 23-9 hay sân bóng Tao Đàn… có thể sẽ tiếp tục nằm trên giấy (có dự án được lập từ năm 2003) để chờ đợi thành phố có quy chuẩn cho xây dựng bãi đậu xe ngầm, trong tình hình khu trung tâm luôn thiếu bãi đậu xe trầm trọng từ nhiều năm nay.
Quay trở lại với câu chuyện quy hoạch không gian dọc đại lộ Đông - Tây, nhiều chuyên gia cho rằng điều này không chỉ đòi hỏi một tầm nhìn mà cần cả quyết tâm thúc đẩy việc này ngay từ bây giờ. Vì nếu tiếp tục kéo dài sẽ không còn kịp, khi bài học trước mắt là sự thất bại trong quy hoạch không gian đô thị dọc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi.
Yến Dung
- Đường thẳng thành đường vòng
- Đà Lạt đang bị “băm nát”
- Để thành phố “đàng hoàng” hơn
- Tiềm năng thị trường nhà ở không thể đo bằng cảm tính
- Khi tấc đất không đẻ được trứng vàng!
- Một năm mở rộng: Văn hóa Hà Nội đã ít nhiều xô lệch
- Thành Nghệ hoang phế với thời gian (bài 2)
- Tai nạn lao động tại các công trình xây dựng cao tầng: Còn thờ ơ, còn phải trả giá
- Thành Nghệ hoang phế với thời gian (bài 1)
- Quy hoạch bảo tồn "rác trời", lập hồ sơ di sản?