Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Góc nhìn Một năm mở rộng: Văn hóa Hà Nội đã ít nhiều xô lệch

Một năm mở rộng: Văn hóa Hà Nội đã ít nhiều xô lệch

Viết email In

Hôm nay, 1/8, tròn một năm ngày Hà Tây sáp nhập với Hà Nội. Sáp nhập một tỉnh vào với thủ đô chắc chắn là một công việc đầy khó khăn, thách thức. Với nhiều nỗ lực, chính quyền Hà Nội và Hà Tây cũ đã đạt được không ít thành công trong quá trình chuyển đổi đó. Tuy nhiên, công cuộc sáp nhập phức tạp cũng không tránh khỏi những thiếu sót, hạn chế trên một số khía cạnh khác nhau.

Với mong muốn góp những ý kiến xây dựng để cuộc chuyển đổi hậu sáp nhập được trọn vẹn hơn, xin giới thiệu bài viết của nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Diện về những ảnh hưởng trên khía cạnh văn hóa.

Văn hóa xứ Đoài xô lệch

Hôm nay là ngày chẵn một năm tỉnh Hà Tây chính thức sáp nhập và trở thành một bộ phận của Hà Nội. Trước đó nhiều cơ sở văn hóa của tỉnh Hà Tây đã kịp biến mất. Bảo tàng tỉnh, nhà triển lãm, trụ sở các nhà hát chèo, cải lương, kịch nói đã bị bán cho doanh nghiệp, dồn các cơ quan này ăn nhờ ở đậu khắp nơi. Đã có cả văn bản ký quyết định giải tán Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Hà Tây, phá hội trường, dồn 40 cán bộ tâm huyết của cơ quan này xuống thành cán bộ quận Hà Đông. May mà nhờ báo chí lên tiếng cứu lại được.

  • Ảnh bên : Cổng làng Mông Phụ yên bình.

Sáp nhập, người chưa quen người, việc chưa quen việc, chân chưa quen đường. Ngơ ngác và xáo trộn. Rồi cũng qua đi. Người Hà Tây và người Hà Nội trong các cơ quan nhìn nhau trong sự dè chừng, rồi cũng qua đi…

Như vậy, sau khi sát nhập, Hà Nội có ba vùng văn hoá: vùng văn hoá Thăng Long (trung tâm Hà Nội); vùng văn hóa Sơn Nam Thượng (các huyện phía Nam tỉnh Hà Tây cũ); vùng văn hoá xứ Đoài (vùng phía Bắc tỉnh Hà Tây cũ). Trong đó xứ Đoài là vùng có những nét văn hoá đặc sắc. 

Hà Tây cũ là tỉnh mà về mặt văn hóa rất đáng tự hào. Với 1.110 di tích đã xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh (trong đó có nhiều di tích được liệt hạng đặc biệt quan trọng của quốc gia: Chùa Hương, chùa Tây Phương, chùa Bối Khê, chùa Thầy, đình Tây Đằng, đình Chu Quyến, làng Việt cổ Đường Lâm...). Hà Tây có nhiều di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc và khảo cổ học đặc sắc. Mỗi một ngôi đình, đền, chùa này lại không đơn giản chỉ là một hiện vật bảo tàng, mà xung quanh đó, hàng ngày, hàng giờ vẫn diễn ra các sinh hoạt tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân. Vì vậy, nó chính là một bảo tàng sống động về văn hóa.

Hà Tây còn là đất trăm nghề, là tỉnh có nhiều nghề thủ công mỹ nghệ đứng đầu cả nước (Lụa Vạn Phúc, Khảm Chuyên Mỹ, Quạt Vác, Thêu Quất Động, Mộc Chàng Sơn, Bún Bặt, Bún Cổ Đô...). Cùng với đó, Hà Tây là tỉnh có nhiều dân ca nhất nước (ca trù, hát Dô Liệp Tuyết, hát Chèo Tàu, hát Chèo, hát Tuồng Dương Cốc, hò Phú Nhiêu...). Rồi còn ca dao hò vè, truyện kể dân gian, còn phong tục nữa. Xưa kia, chiếng chèo Đoài là một chiếng lớn, đặc sắc. Năm 1957, thành lập đoàn chèo Cổ Phong.

Xứ Đoài là vùng đất phía Bắc của tỉnh Hà Tây cũ, là nơi có địa thế kẹp giữa hai dãy núi – Tam Đảo và Tản Viên, bị bao vây bởi sông Hồng và hai dãy núi nên đây là vùng đất tương đối biệt lập và khép kín, ít có giao lưu. Nơi đây, hình thành nên làng mạc khép kín, do đó lưu giữ được tương đối toàn vẹn những nét văn hóa Việt cổ (Việt - Mường) và bảo tồn cảnh quan văn hóa xứ Đoài như đền chùa đình miếu và các nhà ở dân gian.

  • Ảnh bên : Một trong 3 ngôi nhà cổ nhất làng Đường Lâm

Dưới thời phong kiến và dưới thời Tây, Hà Tây thuộc hai trấn (xứ) hoặc hai tỉnh khác nhau (Hà Đông và Sơn Tây), bao gồm hai vùng văn hóa: văn hóa trấn Sơn Nam thượng và văn hóa xứ Đoài, trong đó văn hóa xứ Đoài là rất đặc sắc. Người xưa phân địa giới như vậy là căn cứ vào điều kiện địa lý, thổ nhưỡng và văn hóa của mỗi vùng. Từ năm 1945 đến nay, xứ Đoài (gồm các huyện phía Bắc của tỉnh Hà Tây cũ) đã từng nhiều lần tách nhập với Hà Nội. Mỗi lần tách ra, xứ Đoài gần như không có gì mới so với khi nó được nhập vào, trên tất cả các phương diện.

Và sau 1 năm, những những lo lắng của các nhà nghiên cứu, các nhà văn hoá về vấn đề văn hoá, về sự xô lệch của cảnh quan diễn ra đúng như họ lo ngại. Ở nhiều nơi, cảnh quan làng đang mất dần vì những dự án xây dựng sân golf, khu công nghiệp. Nhiều người đau xót khi không còn thấy luỹ tre làng xanh, không còn không gian thoáng đãng, đẹp đẽ của cầu ao, bến nước, ao làng mà thay vào đó là kiến trúc của một cảnh quan xô bồ.

Ngược lại, những dòng người từ các làng quê khắp nơi, nhất là từ Hà Tây cũ đang kéo về trung tâm Hà Nội. Họ là những công chức trước kia công tác ở Hà Tây; là những người dân ở các làng quê mà diện tích canh tác bị thu hẹp nhường chỗ cho các khu công nghiệp không còn tư liệu sản xuất đành phải ra thành phố làm đủ mọi nghề để kiếm sống. Cuộc sống tạm bợ của họ ít nhiều đã gây nên những xáo trộn nơi địa bàn mà họ mưu sinh, khiến cho khuôn mặt văn hóa của một Hà Nội êm đềm xưa kia lại thêm ít nhiều xô lệch.

Trong việc sát nhập này, một vấn đề cũng làm cho người dân và cả những nhà khoa học lo lắng, đó là việc trùng tu, tu bổ các đình, chùa nơi đây ra sao.

Ví dụ như khu Đền Và – Cung điện lớn nhất thờ Tản viên Sơn thánh đã bị dỡ ra, tu sửa và tiến hành trùng tu một cách vô nguyên tắc, tùy tiện (không hỏng cũng muốn phá dỡ làm lại, phá bức tường thành đá ong). Đình Tây Đằng được xem như là bảo tàng về điêu khắc gỗ của thế kỷ 16, 17 khi mà dỡ ra tu bổ cũng không còn được hồn phách, dáng hình ngày xưa nữa. Đình đã bị quây lại bằng tường bao, đóng kín và cô lập với bên ngoài, triệt tiêu tính chất mở của đình làng – kiến trúc công cộng lớn nhất của một làng quê.

Đình Mông Phụ nằm giữa trung tâm làng cổ Đường Lâm cũng bị tu sửa vô nguyên tắc khiến nhân dân địa phương bất bình. Mái đình bị lợp một nửa mái ngói mới, một nửa ngói cũ, như tấm áo vá; sân đình còn tốt còn đẹp thì bị bóc dỡ để lát lại toàn bộ, mà lại lát mạch gạch đâm vào đình (một điều cấm kỵ của dân gian, cả ở kiến trúc công cộng lẫn nhà ở dân dụng). Chỉ đến ngày nghiệm thu, dân làng mới được mời ra để nhận lấy công trình. Các cụ bức xúc, đơn vị thi công mới buộc phải dỡ mái ngói lợp lại và lát lại sân đình…

Không gian văn hóa làng đang bị phá vỡ

Để Hà Nội trở thành đô thị rộng lớn thì phải đô thị hoá. Chính đô thị hoá như vậy, dù muốn dù không, thì bao giờ cũng triệt phá đi cảnh quan làng. Đây cũng chính là điều mà GS. Suenari Michio người Nhật Bản, người đã dành cả đời nghiên cứu về nông thôn Việt Nam, lên tiếng cảnh báo từ nhiều năm trước.

  • Ảnh bên : Cổng 1 nhà dân ở làng cổ Đường Lâm.

Chúng ta đều biết rằng làng Việt đã là nơi cất giữ gần như toàn bộ gia sản văn hóa của tổ tiên chúng ta. Kiến trúc đình, chùa, miếu và các nhà ở dân gian là kết tinh sự hiểu biết của người xưa về môi trường, kiến trúc và quan niệm về sự ở của tổ tiên chúng ta. Lũy tre xanh và cách bố trí dân cư theo hình xương cá hoặc bố trí dọc theo nguồn nước là cách tự vệ và sự tuân thuận theo tự nhiên, hòa hợp với thiên nhiên, lợi dụng thiên nhiên. Đó là một triết lý của người Việt.

Bên cạnh đó, các di sản văn hoá phi vật thể cũng có thể bị mất đi theo trào lưu chung. Người dân, nhất là giới trẻ quay lưng lại với di sản văn hóa phi vật thể cha ông để chạy theo lối sống mới, văn hoá mới. Họ không trở thành những chiến sĩ gìn giữ văn hoá cổ truyền, họ không trở thành những người lính bảo vệ văn hoá cổ mà chối bỏ tất cả, nhập vào cuộc sống mới đang được đô thị hóa rất nhanh chóng. 

Làng Việt chính là nơi cất giữ văn hóa Việt. Chính làng Việt đã bảo vệ văn hóa Việt Nam khỏi cuộc đồng hóa của Tàu, của Tây từ hàng ngàn năm nay, làm nên sức mạnh đề kháng của văn hóa Việt Nam, tạo nên bản sắc và bản lĩnh văn hóa Việt Nam. Vì thế, trước cơn cuồng phong của đô thị hóa như một quy luật tất yếu của thời đại mới, trong cơn mưa Âu gió Á này, làng Việt cổ truyền thống đang dần biến mất, thì chính là lúc văn hóa Việt bị đe dọa nhất.

Nếu chúng ta không giữ được làng Việt thì cũng sẽ không giữ được văn hóa Việt. Và đương nhiên nếu không giữ được văn hóa Việt thì chuyện mất sức đề kháng, bị đồng hoá, bị văn hóa ngoại lai đánh gục là một nguy cơ trông thấy.


Mái Đình Mông Phụ sau khi tu sửa thành như thế này đây! (Ảnh do tác giả cung cấp)

Có một thực tế đáng buồn, sau khi Hà Tây sát nhập về Hà Nội thì các cơ quan ngôn luận (gồm kênh H1, H2 Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội; Báo Hà Nội mới…) dành “đất” quá ít ỏi cho những thông tin về Hà Tây cũ, chưa tương xứng với vùng đất này.

Dường như các cơ quan truyền thông của Hà Nội đã thực sự không chú ý không tuyên truyền cho văn hóa Hà Tây cũ. Gần như trong 1 năm vừa qua vùng đất lớn bao bọc Hà Nội trở thành như là bộ phận lạc lõng, bị lãng quên không ai để ý đến.

Thiếu thông tin, đô thị hóa ồ ạt không tính toán tới bản chất mưu sinh của người nông dân là gắn với ruộng đồng nên đẩy người dân vào tình thế cười ra nước mắt. Người nông dân ở quê mong có con đường chạy qua, bán vài sào ruộng để kiếm tiền. Lúc đó, người nông dân không có phương tiện sản xuất, phải gồng gánh vào nội đô để bán sức lao động giản đơn. Khi có tiền, họ cũng du nhập về làng quê họ nhiều thứ như nghiện hút, nạn mại dâm cùng các tệ nạn xã hội khác…

Khi không còn đất để canh tác, người dân cũng dần quên đi các lễ hội tôn vinh nghề nghiệp; còn các câu hát dùng trong sinh hoạt nông nghiệp, phong tục liên quan đến cấy trồng không được truyền và tiếp nhận nữa.

Người thành phố ồ ạt về nông thôn mua đất cát làm biệt thự, điền trang. Chính họ đã đem văn hóa của thành phố về với nông thôn, gây nên những xáo trộn trong những làng quê tưởng chừng đời đời bình yên sau lũy tre làng xanh tươi. 

Cần bảo tồn văn hóa 3 vùng miền

Như đã nói ở trên, Hà Nội mở rộng hôm nay đang có ba vùng văn hóa: Vùng văn hóa Thăng Long - Hà Nội, Vùng văn hóa xứ Đoài (các huyện phía Bắc tỉnh Hà Tây cũ) và Vùng văn hóa Sơn Nam Thượng (các huyện phía Nam tỉnh Hà Tây cũ). Đặc sắc văn hóa là ở đó, và việc tôn trọng văn hóa vùng phải là kim chỉ nam cho công tác chỉ đạo làm văn hóa.



Sau một năm, giới nghiên cứu chúng tôi không thấy có một động thái nào rõ ràng của ngành văn hóa trong việc chỉ đạo để tôn trọng văn hóa vùng như thế nào.

Đoàn chèo Cổ Phong Hà Tây mặc dù đã được 9 nhà hoạt động văn hóa nghệ thuật tại Hà Nội có Thư ngỏ tới Lãnh đạo Thành phố đề nghị giữ độc lập để giữ bản sắc chèo Đoài, nhưng đáp lại vẫn là chữ “sáp nhập”. Đoàn chèo Hà Tây vẫn sát nhập vào đoàn chèo Hà Nội. Từ sau đó, chèo Cổ Phong không có hoạt động nào một cách độc lập để giữ gìn những nét đẹp xưa của chiếng chèo cổ xứ Đoài nữa.

Tất nhiên chúng ta không thể cưỡng lại được với xu thế đô thị hóa. Tôi nghĩ, ngành văn hóa Hà Nội cần có chủ trương quán triệt tới từng cấp cơ sở về vấn đề bảo vệ văn hóa vùng. Chúng ta phải có quy hoạch rõ ràng khu nào đô thị hóa, khu nào giữ nguyên cảnh quan.

Thêm nữa, chúng ta phải tôn trọng tính nguyên bản của các sinh hoạt văn hóa lễ hội, tín ngưỡng và văn hóa dân gian: hát, hò, vè; kiến trúc, phong tục, nền nếp gia phong dòng tộc… Phải làm thế nào để giáo dục cho nhân dân biết trân trọng giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mà họ đang nắm giữ, do tổ tiên họ truyền lại; biết tự hào về điều đó và coi đó là một thứ tài sản thiêng liêng mà mình đang sở hữu.

Những người làm nghiên cứu văn hóa như chúng tôi mong sao ngành văn hóa Hà Nội hôm nay: “Gìn vàng giữ ngọc cho hay. Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời”, giữ ba vùng văn hóa không bị mất mát, pha trộn và giữ cho được những đặc sắc riêng của từng vùng.

TS Nguyễn Xuân Diện (sinh năm 1970 tại làng Việt cổ Đường Lâm), tốt nghiệp Đại học Tổng hợp năm 1992, thạc sỹ năm 1998 và bảo vệ Tiến sĩ năm 2007.

Ông là chuyên gia về ca trù; văn hóa truyền thống và hiện đang là Phó Giám đốc Thư viện của Viện nghiên cứu Hán Nôm.

TS Diện đã công bố một số công trình về xứ Đoài: Nhân vật (Kiều Oánh Mậu, Nguyễn Bá Lân, Lê Anh Tuấn); Làng Việt cổ (Đường Lâm, Cổ Đô, Yên Nội); Lễ hội (đình So, đền Và); Ẩm thực (Sơn Tây tứ quý)… 

TS. Nguyễn Xuân Diện

>> Về xứ Đoài... 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo