Qua 20 năm, kể từ ngày đô thị cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn (Duy Phú, Duy Xuyên, Quảng Nam) được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới (tháng 12/1999), bộ mặt kinh tế - xã hội địa phương đã có nhiều thay đổi, đặc biệt trên lĩnh vực du lịch. Đi cùng đó là những thách thức cần giải quyết để di sản được bảo tồn và phát huy bền vững.
TP Hội An xác định phát triển du lịch địa phương theo hướng văn hóa, sinh thái dựa vào đô thị cổ là hạt nhân
Hình thành các cơ sở kinh tế, thu hút nguồn lực cộng đồng
Năm 2018, lần đầu tiên Hội An đón gần 5 triệu lượt khách tham quan lưu trú (năm 1990 chỉ khoảng 200.000 lượt khách). Tương tự, khu đền tháp Mỹ Sơn với lượng khách tăng đột biến trên 30%, riêng năm 2018 là khoảng 400.000 lượt khách, doanh thu bán vé đạt trên 62 tỷ đồng. Ông Phan Hộ, Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn khẳng định, danh hiệu Di sản văn hóa thế giới đã có tác động rất lớn với sự phát triển du lịch của Mỹ Sơn. Thông qua “thương hiệu” này, không chỉ lượng du khách đến Mỹ Sơn gia tăng mà nơi đây còn thu hút nguồn lực hỗ trợ từ Chính phủ và các tổ chức quốc tế trong việc bảo tồn, trùng tu di tích và hoàn thiện hạ tầng, dịch vụ du lịch.
Với Hội An, những năm gần đây, ngành thương mại dịch vụ, du lịch luôn chiếm tỷ trọng trên 70% trong tổng cơ cấu kinh tế của thành phố. Thống kê cho thấy, từ năm 1999 đến nay, tốc độ phát triển du lịch bình quân đạt từ 15% - 20%. Riêng 5 năm gần đây (2013 - 2018), lượng khách đến Hội An đã tăng gần gấp 3 lần. Hội An tiếp tục khẳng định vị trí trên bản đồ du lịch như là điểm đến nổi trội của Việt Nam và thế giới với gần 30 danh hiệu tôn vinh.
Du lịch phát triển đã thúc đẩy nhiều hoạt động thương mại dịch vụ của thành phố phát triển, góp phần hình thành các cơ sở kinh tế, thu hút nguồn lực cộng đồng. Cùng với đó, không gian du lịch cũng được mở rộng ra vùng ngoại vi như Cù Lao Chàm, Cẩm An, Cẩm Thanh, Cẩm Kim, Thanh Hà…, góp phần bảo tồn làng quê, làng nghề, tạo sinh kế, thu nhập cho người dân địa phương. Đặc biệt, Hội An liên tục được UNESCO ghi nhận là một trong những nơi thực hiện tốt công tác bảo tồn các giá trị di sản văn hóa ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Áp lực đè lên di sản
Có thể khẳng định, vai trò của di sản trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhất là du lịch rất quan trọng. Tuy nhiên, di sản cũng đối diện nhiều thách thức và áp lực về môi trường, công tác bảo tồn, sự chuyển dịch dân cư... Chưa kể, sự lan tỏa vẫn chưa như kỳ vọng, khiến không gian di sản ngày càng quá tải, bức bí. Trong suốt thời gian dài, dường như du lịch Quảng Nam chỉ “ăn bám” vào di sản khiến bức tranh du lịch Quảng Nam có sự đối lập rõ nét giữa phía Đông (nơi tập trung các di sản) và miền núi phía Tây.
Điều đáng lo ngại nhất chính là tình trạng chuyển nhượng, cho thuê nhà trong phố cổ để phục vụ các hoạt động kinh doanh thương mại đang dần khiến không gian và nếp sống phố cổ bị thay đổi, biến dạng. Theo thống kê sơ bộ từ Trung tâm Quản lý và Bảo tồn di sản văn hóa Hội An, hiện có khoảng 200/1.069 ngôi nhà cổ trong phố cổ đã được chuyển nhượng hoặc cho người nơi khác đến thuê kinh doanh dịch vụ. Ngôi nhà ngày xưa với nhiều chức năng như thờ cúng, sinh hoạt gia đình… những điều tạo nên cái “hồn cốt” phố cổ thì bây giờ đã bị dẹp bỏ chỉ còn một chức năng bán hàng; nếp sống, nếp nhà đã không còn. Rồi nguy cơ cháy, nổ do hoạt động quá tải cũng luôn hiện hữu đe dọa phố cổ do các hoạt động thương mại dịch vụ.
Ông Trần Ánh, Bí thư Thành ủy Hội An, thừa nhận, áp lực từ du lịch lên phố cổ đang rất gay gắt, thể hiện rõ nét ở hạ tầng, giao thông, môi trường, xã hội. Lượng khách gia tăng và xu thế đô thị hóa kéo theo những biến động về cơ cấu dân cư, mật độ dân số, nghề nghiệp, môi trường sống, tâm lý xã hội, kể cả sức ép từ bảo tồn di tích, bảo vệ môi trường, nhu cầu về đất đai, nhà cửa, đi lại... tác động mạnh mẽ, liên tục đến những giá trị nhân văn, sinh thái, cảnh quan di sản.
Theo ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Nam, bảo tồn và phát triển luôn là một quá trình song hành. Bảo tồn tốt sẽ tạo điều kiện cho du lịch phát triển, ngược lại phát triển du lịch sẽ giúp thu hút được nhiều nguồn lực cho bảo tồn.
“Áp lực của du lịch đến di sản là điều khó tránh khỏi, vấn đề là chúng ta phải biết ứng xử với di sản sao cho hài hòa, khoa học để di sản luôn được bảo tồn bền vững nhưng kinh tế xã hội địa phương vẫn phát triển, người dân vẫn hưởng lợi được từ các hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ mà danh hiệu di sản mang lại. Khi đó, họ sẽ có trách nhiệm trong bảo tồn di sản. Câu chuyện 2 di sản Hội An, Mỹ Sơn đã và đang làm hiện nay, dù vẫn còn những tồn tại, nhưng tôi nghĩ, đây là cách đi phù hợp để cùng với ngành du lịch Quảng Nam phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2020”, ông Hồng nói.
Ngọc Phúc
(SGGP)
- Ba yếu tố di sản cần thiết cho Hội An
- Chung cư, biệt thự ồ ạt mọc lên tại khu nhà giàu bị ngập Thảo Điền
- Trường Chinh - con đường khổ ải của người Hà Nội
- Nỗi lo âu từ một đám cháy
- Taxi nên có màu gì?
- Thấy thương thành phố này!
- Mặt tiền độc đáo của các chung cư cũ ở Sài Gòn
- Nhà đầu tư thích BT hơn khi đầu tư dự án cơ sở hạ tầng?
- Xây niềm tin, nhìn từ chuyện minh bạch ngân sách
- Hà Nội với tầm nhìn trở thành Thủ đô sáng tạo của Đông Nam Á