Ngày gần cuối cùng của tháng Bảy “cô hồn”, thời điểm vẫn được coi là xui xẻo theo dân gian, kho chứa của nhà máy Rạng Đông bốc cháy ở một trong những khu tập trung đông dân cư nhất của thủ đô Hà Nội. Đây không phải là một vụ cháy thông thường, bởi những hóa chất phát tán có nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và môi trường.
Các bên liên quan tiếp cận sự cố theo cách khác nhau.
Về phía doanh nghiệp, trong văn bản gửi đến UBND quận Thanh Xuân, Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đề cập trước tiên đến thiệt hại 150 tỉ đồng. Văn bản cũng nói rằng công ty đã gửi thông tin đến cho “tất cả cổ đông, khách hàng, và đối tác”, thế nhưng trên trang web chính thức không có mẩu tin nào đề cập đến vụ cháy. Các khách hàng thân thiết của Rạng Đông có thể tự kiểm chứng liệu gia đình mình có nhận được thông báo nào của công ty hay không.
Hiện trường vụ cháy phía bên trong nhà máy Rạng Đông. (Ảnh: TTXVN)
Nỗi lo phát tán hóa chất độc hại được doanh nghiệp trấn an ở cuối văn bản bằng thông tin rằng họ đã thay thế thủy ngân dạng lỏng bằng amalgam từ năm 2016. Chỉ có điều, doanh nghiệp không giải thích thêm amalgam cũng là một hỗn hợp chứa thủy ngân ở dạng rắn, và vẫn có nguy cơ tác động đến môi trường. Và dường như để khẳng định là không có tác hại nào từ hóa chất, công ty này còn yêu cầu người lao động đi làm ngay hôm sau, dẫu chưa có kết luận về nguy cơ ô nhiễm từ các tổ chức có thẩm quyền.
Một ngày sau vụ cháy, tức ngày 29/8/2019, UBND phường Hạ Đình đã đưa ra văn bản hướng dẫn vệ sinh và xử lý môi trường - mà theo ý kiến của nhiều chuyên gia môi trường là xác đáng - cho người dân ở khu vực xung quanh. Tuy nhiên, sự hăng hái của phường lại khiến cấp trên không hài lòng. Ngay sau đó, ngày 30/8, UBND quận Thanh Xuân thông báo UBND phường Hạ Đình đã phải thu hồi văn bản trên, đồng thời khẳng định “các chỉ số đều trong ngưỡng cho phép, an toàn với người dân”, trích dẫn từ kết quả test nhanh của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường. UBND phường Hạ Đình bị UBND quận Thanh Xuân kiểm điểm nghiêm khắc bởi “ra văn bản trái thẩm quyền”.
Nhưng, cũng ngay sau đó, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường lại cho rằng họ “chưa có một văn bản nào” trả lời kết quả quan trắc môi trường, bởi cần thời gian xét nghiệm cụ thể.
Còn ngày hôm sau, 31/8, Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra khuyến cáo gần tương tự như của UBND phường. Đại diện cho chính quyền đô thị - các lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội - thì vẫn chưa lên tiếng chính thức, gần một tuần sau sự cố.
Với người dân, tuy sự cố không gây thiệt hại về người, nhưng khiến hàng triệu người Hà Nội hoang mang, bởi nỗi lo nhiễm độc hóa chất. Sau khi khói và bụi từ đám cháy bao phủ khu vực lân cận, nhiều người có triệu chứng đau đầu và khó thở. Nhiều phóng viên tác nghiệp tại hiện trường vụ cháy cũng bị vạ lây, và phải vào viện kiểm tra vì nghi nhiễm độc. Tuy nhiên chỉ sau vài ngày, ngoại trừ một số gia đình đã sớm di tản, những người ở lại tiếp tục cuộc sống như thường nhật. Ai cũng lo về nguy cơ nhiễm độc, nhưng sự bất nhất về thông tin khiến cho mức độ đề phòng giảm đi. Rốt cuộc, họ vẫn phải tặc lưỡi mà sống.
Có quá nhiều vấn đề nhìn từ một vụ cháy. Trước tiên là khả năng ứng phó với thảm họa. Ngay đến việc quy định thẩm quyền phát ngôn và xử lý khủng hoảng còn chưa rạch ròi, thì ai dám chắc khủng hoảng sẽ được giải quyết theo phương án tối ưu nhất?
Thứ hai, vụ cháy làm lộ ra “con voi ở trong phòng”: những khu nhà xưởng, kho bãi tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe vẫn còn tồn tại ở trong khu dân cư. Đây là câu chuyện được nhắc đi nhắc lại từ rất lâu, nhưng dường như chính quyền các địa phương không mấy nỗ lực xử lý, từ những “kho bom di động” của các đầu mối thu mua phế liệu, cho đến các nhà máy có các hóa chất độc hại trong nội thành. Nhiều khu vực - như nhà máy Rạng Đông - tồn tại là do yếu tố lịch sử, nhưng để nhà dân và nhà máy sát cạnh nhau là lỗi của chính quyền: hoặc là quản lý lỏng lẻo để khu dân cư lấn chiếm dần vành đai an toàn, hoặc là không đảm bảo di dời được nhà xưởng theo quy định.
Thứ ba, điều dễ nhận thấy là các bên dường như chỉ quan tâm đến quyền lợi của mình, thay vì ưu tiên lợi ích của cộng đồng. Doanh nghiệp thì lo bị ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, còn chính quyền địa phương thì sợ bị liên đới trách nhiệm mà nhanh chóng “trấn an” người dân khi chưa tham vấn cẩn trọng các tổ chức chuyên môn. Họ có thể gặp may trong vụ cháy này, nhưng nếu một sự cố khác nghiêm trọng hơn xảy ra và cách xử lý vẫn mạo hiểm như vậy, thì hậu quả sẽ rất khôn lường. Khi nhà máy điện nguyên tử Chernobyl ở Liên Xô cũ mới phát nổ, người dân xung quanh ùa ra xem và sau đó vẫn sinh hoạt bình thường do thông tin bị giấu nhẹm với lý do “nhạy cảm”. Cuộc sống của hàng ngàn người có lẽ đã thay đổi vĩnh viễn bởi quyết định đó.
Rạng Đông tất nhiên không phải là Chernobyl, nhưng vụ cháy ở Thanh Xuân cũng phơi bày những bất cập tương tự trong xử lý khủng hoảng.
Nguyễn Khắc Giang
(TBKTSG)
- Giao thông "nghẹt thở" tại những ngã tư sắp xây dựng hầm, cầu vượt ở Hà Nội
- Giãn dân nội đô Hà Nội: 5 đô thị vệ tinh gần như bất động
- Ba yếu tố di sản cần thiết cho Hội An
- Chung cư, biệt thự ồ ạt mọc lên tại khu nhà giàu bị ngập Thảo Điền
- Trường Chinh - con đường khổ ải của người Hà Nội
- Taxi nên có màu gì?
- Được - mất với thương hiệu di sản thế giới
- Thấy thương thành phố này!
- Mặt tiền độc đáo của các chung cư cũ ở Sài Gòn
- Nhà đầu tư thích BT hơn khi đầu tư dự án cơ sở hạ tầng?