Nhiều tuyến đường Hà Nội dự kiến xây dựng cầu vượt, hầm ngầm như Lê Văn Lương, Giải Phóng, Hoàng Quốc Việt… đang có lưu lượng giao thông lớn, thường xuyên xảy ra ùn tắc.
Dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao giữa đường Hoàng Quốc Việt - đường Nguyễn Văn Huyên có tổng mức đầu tư 560 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố Hà Nội; trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng 305 tỷ, chi phí xây dựng 183 tỷ và các chi phí khác.
Cầu vượt được xây dựng có chiều dài 278m, rộng 16m, dầm hộp thép, liên hợp bản bê tông cốt thép và giải phóng mặt bằng để mở rộng đường Nguyễn Văn Huyên lên 50m theo quy hoạch. Đồng thời, thi công đồng bộ hệ thống cây xanh, chiếu sáng hai bên tuyến đường.
Đây là công trình giao thông trọng điểm của thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 được Hội đồng nhân dân bổ sung vào danh mục công trình trọng điểm theo Nghị Quyết số 15/NQ - HĐND ngày 4/12/2017. Dự án được khởi công xây dựng vào ngày 8/10 vừa qua, dự kiến hoàn thành trong năm 2020.
Cầu vượt nút giao giữa đường Hoàng Quốc Việt - đường Nguyễn Văn Huyên sau khi lưu thông sẽ giảm ách tắc giao thông, kết nối giao thông, phân luồng phương tiện cho đường vành đai 2, vành đai 3. Từ đó, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông theo quy hoạch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các quận Cầu Giấy, Tây Hồ, Từ Liêm và thành phố.
Dự án xây dựng hầm chui theo hướng đường vành đai 2,5 nối đường Đầm Hồng - Giáp Bát (chui ngầm qua đường Giải Phóng) với đường Kim Đồng, tổng đầu tư cho các hạng mục công trình dự kiến hơn 670 tỉ đồng từ ngân sách thành phố. Thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2019-2020.
Cửa hầm được bắt đầu ở đoạn giữa phố Kim Đồng, đi ngầm qua đường Giải Phóng và ga Giáp Bát để kết nối với đường Đầm Hồng - Giáp Bát (tuyến vành đai 2,5) đang thi công. Cửa hầm phía bên kia cách tường rào ga Giáp Bát khoảng 400 m.
Tổng chiều dài của công trình là 730 m (gồm: 110 m đường dẫn cửa hầm phía Đầm Hồng, 520 m hầm (190 m + 140 m + 190 m) và 100 m đường dẫn cửa hầm phía Kim Đồng.
Ngoài ra, dự án còn xây dựng các trụ nổi chờ cho tuyến đường sắt đô thị số 4 dự kiến đi trên cao; xây đường hai bên hầm, nút giao trên mặt bằng với đường Giải Phóng; xây các công trình hạ tầng kỹ thuật và phụ trợ khác...
Trước đó, TP Hà Nội đã xây dựng hầm chui Kim Liên, hầm chui nút giao Trung Hòa - đại Lộ Thăng Long và hầm chui nút giao Nguyễn Trãi để giảm ùn tắc giao thông.
Dự án hầm chui qua nút giao Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến đã được Hà Nội đưa vào danh mục 52 công trình kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020. Theo ước tính, sẽ cần khoảng từ 500 - 600 tỷ đồng đầu tư cho dự án.
Năm 2016, hầm chui Lê Văn Lương - Vành Đai 3 cũng đã được đưa vào danh mục 8 dự án giao thông cấp bách của Hà Nội, được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặc thù, giao thầu để đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, thời điểm đó, dự án vẫn được xác định sẽ do Bộ GTVT thực hiện đầu tư. Đến nay, do không bố trí được nguồn vốn, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Hà Nội đầu tư, xây dựng hầm chui qua dự án bằng nguồn vốn của TP. Lãnh đạo UBND TP Hà Nội cũng đã thống nhất nội dung này.
Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh ngân sách khó khăn hiện nay, TP có thể kêu gọi đầu tư dự án theo hình thức hợp tác công tư - PPP, loại hợp đồng BT. Vì đây là một trong những công trình cấp thiết nhất hiện nay của Hà Nội, nhằm “giải cứu” tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng ở nút giao này.
Đỗ Quân - Trọng Trinh
(Dân Trí)
- Hiểu về “homestay”
- Sự tàn phá của du lịch bầy đàn
- Khủng hoảng nước sạch: Lỗi quy trình hay lỗi con người?
- Xử lý khủng hoảng “nước nhiễm dầu”
- Thành phố không ký ức
- Giãn dân nội đô Hà Nội: 5 đô thị vệ tinh gần như bất động
- Ba yếu tố di sản cần thiết cho Hội An
- Chung cư, biệt thự ồ ạt mọc lên tại khu nhà giàu bị ngập Thảo Điền
- Trường Chinh - con đường khổ ải của người Hà Nội
- Nỗi lo âu từ một đám cháy