Câu chuyện nước sạch, cho đến nay có thể coi là một cuộc khủng hoảng. Khủng hoảng về quản trị rủi ro, khủng hoảng về quản lý nhà nước và khủng hoảng cả về niềm tin của công chúng.
Câu chuyện nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu thải ồn ào những ngày qua. Người dân ở những khu vực bị ảnh hưởng phải chịu cảnh “mất nước”, chính quyền Hà Nội dù phản ứng chưa tốt vẫn được khen là “phản ứng nhanh”, còn Sông Đà thì nói mình là đối tượng bị thiệt hại.
Một vài ý kiến cho rằng: xã hội hóa hay tư nhân hóa dịch vụ cung cấp nước sạch đã gây ra tình trạng này. Lý lẽ của dạng ý kiến này có vẻ như nhắm vào việc “kêu ca” của người dân đối với cả những dịch vụ nhà nước độc quyền và những dịch vụ được xã hội hóa, tư nhân hóa. Và câu hỏi đặt ra là: vậy người dân muốn gì?
Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam lắp đặt hệ thống các tấm lọc dầu trên bề mặt và dưới lòng suối, hồ chứa để xử lý lượng dầu tồn dư trước khi nước từ hồ Đầm Bài dẫn vào khu xử lý nhà máy nước sông Đà.
Khủng hoảng quản trị rủi ro
Thì lẽ dĩ nhiên, người dân trong câu chuyện này chỉ muốn được cung cấp nước sạch ổn định, giá cả hợp lý. Vì thực ra mọi dịch vụ hướng đến người dân đều nhắm mục đích này. Mặt khác, dù là xã hội hóa hay tư nhân hóa các dịch vụ công, thì yêu cầu dứt khoát phải đặt lên hàng đầu chính là minh bạch, công khai và hợp lý. Bởi việc nhà nước phải nhúng tay vào một số lĩnh vực công cộng nằm trong hiện tượng gọi là "thất bại của thị trường". Cho tới nay, vẫn còn tranh cãi rất nhiều về giải pháp khắc phục.
Câu chuyện nước sạch, cho đến nay có thể coi là một cuộc khủng hoảng. Khủng hoảng về quản trị rủi ro, khủng hoảng về quản lý nhà nước và hệ quả của nó là khủng hoảng cả về niềm tin của công chúng.
Khủng hoảng về quản trị rủi ro thì rõ là thuộc về doanh nghiệp. Bởi cho rất có thể cho đến nay, các biện pháp bảo vệ nguồn nước vẫn chưa rõ ràng. Ngay cả khi nguồn nước có vấn đề, thì quá trình xử lý để ngăn chặn nước sạch bị… bẩn, cảnh báo người dân, triển khai phương án dự phòng… đều rất lúng túng. Dù các chung cư có những bể nước dự phòng, thì việc thiếu vắng những “phương án B” từ nhà cung cấp nước sạch rõ ràng càng làm cho tình hình trở nên rối hơn.
Mặt khác, phải thừa nhận các quy chuẩn về chất lượng nước là rất chi tiết, tiệm cận với những tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới. Chẳng hạn như thời hạn thử nghiệm các mẫu nước được quy định mỗi tháng một lần với các chỉ tiêu nhóm A và ba tháng một lần với những chỉ tiêu nhóm B. Nhưng điều đáng chú ý là chả có một cơ quan, đơn vị hay tổ chức độc lập nào đứng ra đảm nhiệm việc này. Tất thảy đều do đơn vị cấp nước đảm nhiệm.
Điều này dẫn đến một “khoảng trống” trong quản lý nhà nước đối với dịch vụ cung cấp nước sạch cho người dân. Hay nói đúng hơn, một cơ chế giám sát của nhà nước không được thiết kế và thực thi nghiêm minh. Việc buông lỏng này khiến cho nước sạch trở thành một “mối nguy” đối với sinh hoạt bình thường của người dân ở các đô thị.
Và cũng vì “sự cố” nước sạch này, một sự thật khác mới được lộ ra. Đó là khi các chung cư, nhân sự cố này, tẩy rửa các hầm chứa nước dự phòng, người ta mới thấy những cặn bã mà nước sạch bao năm nay tồn đọng. Chẳng cần phải kiểm nghiệm bằng mắt thường người dân cũng nhận thấy nước họ đang dùng… sạch đến mức nào. Khi báo chí nói về việc cung cấp nước sạch ở New York chẳng hạn thì vấn đề mới bật ra là: nước mà đa số dân chúng đang dùng chỉ có cái tên “nước sạch”.
Phải “phân vai” một cách chính danh
Trong cuộc khủng hoảng nước sạch này, cũng rất may cơ quan chức năng bắt đầu tìm ra kẻ đã đổ trộm chất thải vào nguồn nước. Nhưng thật ra, khi người ta tập trung vào làm rõ động cơ, mục đích của việc đổ trộm chất thải, thì một loại trách nhiệm khác đã được bỏ qua. Đó là trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp nước đối với người dân. Nói gì thì nói, dù là chủ quan hay khách quan, thì khi nguồn nước có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sinh hoạt và sức khỏe của người dân, thì đơn vị cung cấp nước không thể vô can. Rất có thể, những hợp đồng cung cấp nước từ trước tới nay không ràng buộc được trách nhiệm của đơn vị cung cấp nước. Nhưng cũng từ trước đến nay, có những thứ vượt trên cả hợp đồng hay luật lệ. Bởi với một dịch vụ ảnh hưởng mật thiết đến sức khỏe và sinh hoạt của người dân như dịch vụ cung cấp nước sạch, thì một cách nào đó, đạo đức kinh doanh vẫn là thành lũy cuối cùng ngăn chặn những tiêu cực.
Đương nhiên, đạo đức kinh doanh ấy cần phải có một cơ chế bảo đảm, đó là sự giám sát của nhà nước. Sự giám sát ấy không gì khác hơn là một cơ chế “thưởng phạt” phân minh để không một chủ thể nào dám lơ là với nhiệm vụ chủ yếu là phục vụ cộng đồng, phục vụ dân sinh. Kinh doanh thì đương nhiên phải có lợi nhuận.
Không phải bất kể một doanh nghiệp nào cũng chỉ quan tâm đến lợi nhuận. Nhưng sự thật là đã thiếu vắng một cơ chế giám sát, từ nhà nước lẫn tự thân doanh nghiệp, khi dịch vụ công được tư nhân hóa hay xã hội hóa.
Nếu không làm rõ được vai trò của từng chủ thể trong câu chuyện cung cấp các dịch vụ cho xã hội, nếu nhà nước tiếp tục buông lỏng phó mặc dịch vụ công cho tư nhân, nếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục cung cấp dịch vụ một cách thiếu chặt chẽ… thì đương nhiên, xã hội hóa sẽ là nơi để người ta ném vào đó những trách nhiệm mà lẽ ra họ phải gánh.
Đại Dương
(Diễn đàn Doanh nghiệp)
- Im lặng không là vàng...
- Bảo vệ di sản - Chẳng lẽ cứ đến hẹn lại khóc than?
- Chuyên gia Nhật: Loạt metro "lê thê" tiến độ do "Việt Nam làm quá nhiều cùng lúc"
- Hiểu về “homestay”
- Sự tàn phá của du lịch bầy đàn
- Thành phố không ký ức
- Giao thông "nghẹt thở" tại những ngã tư sắp xây dựng hầm, cầu vượt ở Hà Nội
- Giãn dân nội đô Hà Nội: 5 đô thị vệ tinh gần như bất động
- Ba yếu tố di sản cần thiết cho Hội An
- Chung cư, biệt thự ồ ạt mọc lên tại khu nhà giàu bị ngập Thảo Điền