Tại Anh, kể từ năm ngoái, nhiều người dân đã tìm đến xe đạp như một phương án cho việc vừa có thể hoạt động thể chất, lại vừa đảm bảo khoảng cách với những người tham gia giao thông khác. Cơn sốt “xe đạp” tại Anh đến nay vẫn chưa ngừng lại và được dự báo sẽ còn tiếp tục.
Trong suốt hơn 1 năm vừa qua, dịch COVID-19 ảnh hưởng xấu tới kinh tế của nhiều quốc gia, nhưng ở một khía cạnh khác, nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh cũng chứng kiến sự thay đổi đáng kể, và lĩnh vực kinh doanh xe đạp tại Anh là một ví dụ. Kể từ khi COVID-19 bùng phát, những hoạt động thể chất, nâng cao sức khỏe được nhiều người dân quan tâm hơn. Chính phủ Anh cũng khuyến nghị đi xe đạp như một hình thức tập thể dục hàng ngày, lại vừa giúp hạn chế sử dụng phương tiện công cộng, tránh tiếp xúc gần với người khác.
Số lượng người dùng xe đạp tại Anh đã tăng mạnh kể từ khi bùng phát đại dịch COVID-19. (Ảnh: Bike Europe)
Theo một nghiên cứu của Halford, dịch vụ sửa chữa, bán lẻ phụ tùng xe đạp của Anh, doanh số bán xe đạp đã tăng 193% so với thời điểm trước đại dịch. Số lượng người thường xuyên đạp xe cũng tăng tới 40%. 33% người được hỏi có kế hoạch sử dụng xe đạp nhiều hơn kể cả khi hết dịch bệnh; 37% có dự định mua xe đạp riêng cho mình và người thân sử dụng. Bản thân Halford cũng ghi nhận doanh số bán xe đạp cho trẻ em tăng 65% trong 12 tháng qua.
Thậm chí tại London, xe đạp đã trở thành “cơn sốt” khi người người, nhà nhà đều mua xe đạp hay sử dụng các dịch vụ liên quan như bảo dưỡng, sửa chữa.
Eamon Henshall, chủ một cửa hàng xe đạp chia sẻ: “Từ gần một năm trở lại đây, cửa hàng chúng tôi luôn đông khách, bất kể là ngày trong tuần hay cuối tuần. Khách đông tới nỗi chúng tôi không thể xếp lịch hẹn mà cứ ai tới trước thì phục vụ người đó. Có những ngày khách hàng phải xếp hàng chờ bên ngoài để tới lượt.”
Theo tờ Guardian, có những thời điểm thị trường “khát” xe đạp tới mức những lô hàng mới được bán hết chỉ sau vài ngày cập bến. Ông Peter Lazarus, giám đốc một dịch vụ bán lẻ xe đạp tại Anh mô tả khách hàng như “những con cá hổ đang đói”, sẵn sàng xâu xé nhau để “săn” cho được một chiếc xe đạp ưng ý.
Mặc dù nguyên nhân thực trạng này một phần đến từ việc hàng hóa trên thế giới đang bị kẹt tại nhiều nơi do ngành vận tải biển gặp khó khăn, nhưng không thể phủ nhận rằng nhu cầu đi xe đạp của người Anh đang tăng cao. Các dịch vụ như sửa chữa, bảo dưỡng xe đạp cũng được hưởng lợi khi nhiều người đem những chiếc xe đạp trong kho lâu ngày ra sử dụng, hoặc chọn mua xe đạp cũ.
Anh Hanry Lammers, thợ sửa xe chia sẻ: “Một người khách của tôi cho biết chiếc xe đạp của ông ấy mua từ năm 1980 nhưng chưa hề sử dụng một lần nào. Mãi tới gần đây ông ấy mới đem chiếc xe tới đây sửa chữa, tân trang lại để sử dụng”.
Xuất phát từ những mối lo ngại việc sử dụng phương tiện công cộng trong thời kỳ dịch bệnh, cơn sốt “xe đạp” ban đầu được cho chỉ là nhất thời và sẽ nhanh chóng chìm xuống. Nhưng hiện nhiều chuyên gia lại dự đoán rằng, con sốt này chí ít sẽ không dừng lại cho đến hết năm 2021, và có thể sẽ tiếp tục kéo dài.
Để duy trì thói quen đạp xe của người dân, các chuyên gia cho rằng hạ tầng giao thông cần được đầu tư thêm. (Ảnh: FT)
Tuy nhiên, số lượng người đi xe đạp gia tăng đồng nghĩa với việc hạ tầng giao thông cũng cần phát triển theo để đáp ứng nhu cầu của người tham gia giao thông.
Theo nghiên cứu từ Đại học Tổng hợp Glasgow, dù xe đạp đã trở nên phổ biến hơn, nhưng các chuyên gia cho rằng hạ tầng vẫn chưa đủ để đáp ứng, chưa kể việc người đi xe đạp vẫn phải chịu rủi ro tai nạn cao. Tom Bogdanowicz từ văn phòng Phát triển và Chính sách cấp cao, Chiến dịch Xe đạp Anh chia sẻ:
“Sự ủng hộ, khuyến khích các chính sách về xe đạp đã có, nhưng chưa đủ để người dân cảm thấy được khuyến khích và an toàn để sử dụng thường xuyên. Để đạt điều đó, chính phủ cần đầu tư nhiều hơn vào xây dựng hạ tầng giao thông, cũng như cải thiện độ an toàn cho người đi xe đạp”.
Còn tại Việt Nam, trước áp lực giao thông đang ngày một lớn thì việc phát triển xe đạp công cộng đang được xem là giải pháp hiệu quả và văn minh để kết nối với các tuyến xe buýt, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng. Tuy nhiên, việc thiếu hạ tầng cho xe đạp đã phần nào ngăn cản người dân sử dụng thường xuyên hơn loại phương tiện này, cũng như khiến dịch vụ xe đạp công cộng khó phát triển.
Do vậy, trong quá trình quy hoạch, phát triển hệ thống giao thông công cộng, cần tính toán tới việc sử dụng xe đạp công cộng. Đây sẽ trở thành giải pháp kết nối giao thông, giảm phương tiện cơ giới cá nhân, mang lại nhiều ý nghĩa cho hệ thống giao thông đô thị ở Thủ đô và các đô thị lớn trong cả nước.
Huy Văn
(VOV Giao thông)
- Mô hình "mang chợ ra phố" khi giãn cách
- Khi cuộc sống bỗng chốc "thu nhỏ" lại vừa bằng một khu phố
- "Xanh hóa" cảng biển Việt Nam
- Kho báu bên sông Hồng
- Giải pháp nào cho “chuồng cọp”?
- Từ sân golf Đak Đoa - phải chăng muốn phát triển thì phải hy sinh rừng?
- Vùng xám động lực trong các dự án đầu tư công
- Làm thế nào để vùng đất "Chín Rồng" lấy lại vị thế?
- Mỗi di sản kiến trúc là một chứng nhân lịch sử
- Phát triển chân giá trị “biển bạc” của đô thị biển