Hai dự án Thành phố thông minh tại Trịnh Châu đã bị chỉ trích vì không phát huy hiệu quả trong trận lụt tệ nhất thập kỷ.
Thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc hiện áp dụng thí điểm hai dự án thành phố thông minh. Chúng được quảng cáo rầm rộ và được kỳ vọng sẽ giúp các nhà quy hoạch quản lý đô thị và an toàn.
Tuy vậy, việc hệ thống này không phát huy được khả năng trong trận lũ lụt lịch sử xảy ra tuần trước là một trong những nguyên nhân khiến khu đô thị 10 triệu dân này rơi vào trạng thái bị động, gián tiếp gây thiệt mạng ít nhất 66 người. Trong đó, có 20 người ở các khu vực được trang bị nhiều công nghệ như tàu điện ngầm và hầm đường bộ.
Lũ lụt lịch sử tại Trịnh Châu khiến hàng chục người thiệt mạng. (Ảnh: Reuters)
Một trong những công nghệ được quan tâm trong dự án là hệ thống ngăn lũ lụt theo thời gian thực, được lắp đặt tại Trịnh Châu vào tháng 12 năm ngoái bởi công ty Công nghệ Hệ thống thông minh hàng không vũ trụ Thần Châu (ASSS) - một chi nhánh của Tập đoàn Khoa học và Công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc. Theo tuyên bố chính thức, hệ thống này được thiết kế để giúp chính quyền thành phố giám sát mực nước trong thời gian thực thông qua các cảm biến và công nghệ "phân tích thông minh", sau đó thông báo cho các bộ phận liên quan nếu có những nguy hiểm sắp xảy ra. Hệ thống cũng có quyền truy cập cơ sở dữ liệu từ một số văn phòng địa phương, bao gồm dữ liệu lớn về khí tượng thủy văn và các lĩnh vực liên quan.
Công nghệ còn lại là hệ thống giám sát đường hầm Jingguang, được lắp đặt như một phần thuộc sáng kiến của thành phố nhằm theo dõi an toàn của các đường hầm vào năm 2020. Hệ thống này được trang bị cảm biến và camera thông minh, có thể gửi cảnh báo tai nạn hoặc nguy hiểm sắp xảy ra cho người đang di chuyển qua smartphone. Dù vậy, có vẻ tuần trước, các tài xế đã không nhận được thông báo nào về nguy hiểm sắp xảy ra. Ít nhất 6 người đã thiệt mạng tại các hầm đường bộ.
Chính quyền thành phố Trịnh Châu cho biết đang điều tra về hai hệ thống smart city này. ASSS và Trung tâm Đường hầm Trịnh Châu, đơn vị chịu trách nhiệm vận hành đường hầm, chưa đưa ra bình luận.
Trên mạng xã hội Trung Quốc, nhiều ý kiến cho rằng các hệ thống smart city hiện nay chưa thể bảo vệ con người. Ge Wenyao, người đứng đầu một quỹ đầu tư tư nhân tại Thượng Hải, bình luận trên Weibo rằng các dự án thành phố thông minh Trịnh Châu là "lãng phí tiền bạc và hoàn toàn vô dụng". Bình luận nhanh chóng nhận hàng nghìn lượt thích.
Trong khi đó, các nhà phân tích đặt câu hỏi về bộ máy vận hành hệ thống smart city đằng sau. Một số chuyên gia cho rằng các quan chức địa phương đã phối hợp thiếu hiệu quả khi phối hợp với nhau, dẫn đến thông tin không đồng bộ và không được cảnh báo kịp thời.
Patrick Zhan, Giám đốc nghiên cứu của IDC, cho rằng nhiều dự án thành phố thông minh ở Trung Quốc "còn lâu mới có thể đối phó với thiên tai". Thay vào đó, những hệ thống này mới chỉ "đặt nền móng" cho thành phố thông minh bằng cách trang bị các thiết bị như camera, dữ liệu đám mây, trung tâm dữ liệu và nền tảng xử lý.
Một số chuyên gia khác đánh giá có thể năng lực công nghệ của các hệ thống smart city nêu trên có hạn. "Lượng mưa tuần trước quá lớn, có thể đã vượt quá công suất thiết kế của hệ thống", Carman Lee, Phó giáo sư tại Đại học Bách khoa Hong Kong nhận xét.
"Thành phố thông minh" đã trở thành cụm từ thông dụng những năm gần đây tại Trung Quốc, áp dụng cho tất cả mọi thứ từ giám sát người dân đến cơ sở hạ tầng đô thị, dịch vụ thành phố, giao thông vận tải và quản lý năng lượng. Chính quyền nước này cũng có những chính sách thúc đẩy với mong muốn sử dụng công nghệ mới cho số hóa việc quản lý thành phố và cải thiện mức sống của người dân.
Hiện nay, việc triển khai smart city chủ yếu là từ các "ông lớn" công nghệ Trung Quốc như Alibaba, Tencent, Baidu và Huawei. Theo một báo cáo từ Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc vào cuối 2019, hơn 500 thành phố ở Trung Quốc đã bắt tay thực hiện các loại dự án thành phố thông minh, nhưng chỉ có 8,4% trong đó đạt hiệu quả, còn hơn 43% trong giai đoạn sơ bộ.
Bảo Lâm
(VnExpress /theo SCMP)
- Cải tạo chung cư cũ theo hướng bảo tồn
- Chữa "bệnh" chậm cải tạo chung cư cũ
- Nghèo, di cư và dịch Covid - liệu có lối thoát?
- Từ "3 tại chỗ" nghĩ đến chính sách khuyến khích làm ký túc xá cho công nhân
- Đà Lạt thời đèn xanh, đèn đỏ
- Mô hình "mang chợ ra phố" khi giãn cách
- Khi cuộc sống bỗng chốc "thu nhỏ" lại vừa bằng một khu phố
- "Xanh hóa" cảng biển Việt Nam
- Kho báu bên sông Hồng
- Giải pháp nào cho “chuồng cọp”?