Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Tương tác Góc nhìn Đà Lạt thời đèn xanh, đèn đỏ

Đà Lạt thời đèn xanh, đèn đỏ

Viết email In

Một Đà Lạt thư nhàn, để sống chậm và tận hưởng thiên nhiên có lẽ chỉ còn trong thơ nhạc và hoài niệm của nhiều người. Điều đó tương phản với hình ảnh các dịp lễ hội và ngày cuối tuần, những con đường lớn nhỏ từ trung tâm ra ngoại ô thành phố này đông đúc, chật chội, kẹt xe kéo dài hàng giờ. Sự nêm chặt của các công trình cao tầng, nhà cửa càng làm cho không gian sống trở nên bức bối, nặng nề.

Du khách cũng dần thấy việc đi nghỉ dưỡng Đà Lạt chẳng khác nào những cuộc hành xác.

Một thành phố được phát triển từ trạm nghỉ dưỡng, và sau đó trở thành một trung tâm của giáo dục - chiều hướng phát triển chức năng đô thị ngày hôm qua cho thấy Đà Lạt gần với phẩm chất của một nơi chốn thư nhàn, học tập, nghiên cứu.


Hình ảnh thư nhàn hiếm hoi trên các con đường trung tâm vào cao điểm mùa du lịch.

Trong khoảng thập niên 1960-1970, khi thành phố này trở thành một đặc khu giáo dục, thì chức năng du lịch nghỉ dưỡng cũng dần dần bị lấn át. Người ta nghĩ đến chuyện cho con cái đến đó để có một điều kiện học hành hay nghiên cứu, sáng tạo nhiều hơn là chỉ đơn thuần để nghỉ mát (một phần cũng bởi điều kiện chiến tranh).

Nhiều tài liệu thời của chính quyền miền Nam Việt Nam đã cho thấy rằng, các khách sạn lưu trú hạng sang trong thành phố liên tục báo lỗ, thậm chí, hãng bay lớn nhất của miền Nam là Air Vietnam đã từng mở đường bay sang Bangkok với một chương trình quảng bá rầm rộ nhưng nhanh chóng hủy bỏ vì không có khách du lịch ngoại quốc.

Bù lại, hệ thống các trường, viện, phân khoa đại học và nghiên cứu danh tiếng, như Viện Đại học Đà Lạt, Grand Lycée Yersin, d’Adran, Giáo Hoàng Học Viện, Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử Đà Lạt... làm nên giá trị Đà Lạt trong tư cách là một đặc khu giáo dục và tri thức.

Có ý kiến cho rằng, Đà Lạt là Đà Lạt của Sài Gòn. Điều khó nghe ấy xem ra lại có cơ sở bởi từ thuở khai sinh, thành phố này được lập ra như một chốn nghỉ ngơi cho binh lính, sĩ quan và người Pháp ở Đông Dương, mà cụ thể là miền Nam.

Những nhà sáng lập thành phố này cho rằng đây chính là nơi chốn mô phỏng châu Âu. Khung cảnh của nó giúp họ nguôi ngoai nỗi nhớ nhà và phục hồi sức khỏe trước sự đe dọa của những căn bệnh nhiệt đới. Người ta làm việc ở đồng bằng nhưng nghỉ dưỡng ở trên núi cao. Cách nghĩ “bù đắp”, “phục hồi sinh lực” hay “chữa lành” từ những người Pháp thời thuộc địa cũng khá giống với cách nghĩ của dân Sài Gòn hay các đô thị miền Nam về sau này.

Đà Lạt là một mơ ước, một nơi đem lại sự cân bằng cho tinh thần đối với người Sài Gòn. Bởi đơn giản, người Sài Gòn tìm thấy ở Đà Lạt những gì không có ở đô thị công nghiệp, hiện đại nơi mình đang sinh sống. Sài Gòn đông đúc, ồn ào, vội vã thì Đà Lạt vắng vẻ, tĩnh lặng, chậm rãi. Sài Gòn cuồng nhiệt, bon chen, sôi động thì Đà Lạt bình thản, từ tốn và trầm lắng. Nhìn trên phương diện du lịch, thì với điều kiện tự nhiên tuyệt vời và đời sống nhân văn hiền hòa, Đà Lạt mang ý nghĩa “chữa lành” nhiều hơn là một chốn chỉ để khám phá những điều lạ.


Được hưởng lợi từ du lịch, nhưng người dân Đà Lạt cũng phải chịu hy sinh nhưng thứ khác, như sự yên tĩnh, trầm lắng vốn có.

Không lạ gì khi nhiều văn nhân thi sĩ gọi Đà Lạt là chốn “thiên đường”. Nhưng vì là “thiên đường” thì ai cũng muốn tìm đến. Khi đời sống kinh tế dịch vụ phát triển, chức năng thành phố chuyển hướng hoàn toàn chú trọng vào du lịch, thì Đà Lạt biến mình thành món quà mà có thể mua được bằng nhiều mức giá.

Cả thành phố “hiến mình” cho du lịch, lệ thuộc gần như hoàn toàn vào du lịch. Người dân hưởng lợi từ du lịch nhưng cũng hy sinh các giá trị khác: nhịp sống bình thường chậm rãi, sự tĩnh lặng yên ả, môi trường trong lành và sự thông thoáng... Du lịch phát triển ồ ạt đã khuấy loãng và làm tan biến những gì thuộc về bản sắc Đà Lạt là điều mà các chuyên gia về môi trường, văn hóa, di sản luôn cảnh báo. Nhưng như một cỗ xe đang trong gia tốc lớn, Đà Lạt không thể khác được, phải lao về phía trước với một quán tính khó kiểm soát.

Vì thế, niềm tự hào về “một thành phố không đèn xanh đèn đỏ” - biểu trưng cho đời sống chậm rãi, thư nhàn - đã trở nên “vô duyên” khi đó lại là nguyên nhân gây nên tình trạng kẹt xe trầm trọng, khó kiểm soát giao thông. Nhưng để dứt bỏ niềm tự hào đó thôi, Đà Lạt cũng nhắc lên để xuống nhiều năm vì nhiều lý do trong đó có vấn đề đặc thù địa hình đồi dốc.

Thế rồi gần đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đã phải ký quyết định ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp đối với các dự án chống ùn tắc tại các nút giao thông trên địa bàn thành phố Đà Lạt, theo đó, có 7 nút giao thông được mở rộng và lắp đặt hệ thống đèn xanh đèn đỏ.

Chưa biết những nỗ lực và sự quyết liệt này có tháo gỡ được vấn đề kẹt xe nội thành Đà Lạt vào những khoảng thời gian cao điểm du lịch hay không, tới mức độ nào. Nhưng rõ ràng, nó xuất phát từ yêu cầu cấp bách của thực tiễn và có tư duy thực tế.

Tìm lại hình ảnh thư nhàn hôm qua có lẽ là điều không thể, nhưng chí ít, điều căn bản nhất của một thành phố du lịch là lưu thông thuận lợi trong trật tự và văn minh thì hy vọng không quá khó thực hiện ở Đà Lạt.

Nguyễn An Nam

(KTSG Online)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo