Tháng 7/2021, sự bùng phát dữ dội của dịch Covid-19 đã khiến hàng ngàn người nghèo ở vùng châu thổ Cửu Long, vùng cao Tây Nguyên và vùng duyên hải miền Trung đang ly hương làm ăn ở Sài Gòn và các khu công nghiệp miền Đông Nam bộ phải tháo chạy ngược về cố hương. Liệu có lối nào giúp họ thoát nghèo và an cư lạc nghiệp ở bản quán hay tại miền đất mới?
Cho dù tình hình kinh tế - xã hội trong những năm qua liên tục ổn định và tăng trưởng, nhưng số người dân ở vùng nông thôn, miền núi không có việc làm, nghèo đói vẫn tăng tương đối so với mặt bằng chung của xã hội.
Liệu có lối thoát nào cho nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương này? (Ảnh: P.N)
Không cần phải có nhiều con số thống kê hay biểu đồ so sánh, mà qua thực tế, ai cũng có thể nhìn thấy khoảng năm ba năm gần đây rất nhiều người dân từ các địa phương đến ngụ cư ở Sài Gòn ngày càng tăng, bao gồm những người đang làm việc ở các nhà máy công nghiệp; tại các vựa gạo, vựa trái cây, vựa rau củ, vựa cá ở các chợ đầu mối hay bến xe miền Đông, miền Tây, ga xe lửa, bến tàu, bến cảng... và cả những người ngược xuôi mưu sinh trên đường phố.
Họ làm tất cả mọi công việc miễn sao kiếm được tiền để sinh sống. Họ sống trong các khu nhà trọ rẻ tiền, khu ổ chuột nghèo nàn. Khá hơn và may mắn hơn thì làm nhân viên trong các cơ sở dịch vụ hay giúp việc trong các gia đình trung lưu. Nói không sợ quá đáng rằng, sự giàu có và năng lực đóng góp của Sài Gòn vào nguồn ngân sách của đất nước không thể có được mức cao nhất nước như hiện nay nếu không có những người nhập cư này.
Chính sự bao dung, hào sảng và truyền thống, tập quán chia sẻ của dân Sài Gòn, cũng vốn là những lưu dân miền Nam, đã tạo ra sự tồn tại và nương tựa cho nhóm người nghèo này. Gần như không thể có nạn đói ở Sài Gòn, nơi mà những người gần như chạm đáy ngưỡng nghèo của thế giới với chuẩn số tiền kiếm được mỗi ngày chỉ 1-2 đô la (tương đương 50.000 đồng/ngày), vẫn có thể sống với những bữa cơm xã hội 2.000 đồng, nước uống miễn phí dọc vỉa hè, ngủ một đêm trong phòng trọ tập thể chỉ 10.000 đồng.
Vất vả, nghèo khổ, thiếu ăn, ô nhiễm, kẹt xe, ngập úng, bất bình đẳng xã hội... không hề làm những người nhập cư này chùn bước. Họ vẫn bám trụ, chấp nhận sống và làm việc, tích cóp cho bản thân và gia đình ở bên họ hay đang chờ đợi ở quê nhà.
(Ảnh: P.N)
Thế nhưng, dịch Covid-19 tràn đến đã làm đảo lộn mọi thứ. Lúc đầu, chỉ đóng cửa các nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), các cửa hàng cắt tóc, gội đầu,... rồi dừng triệt để hoạt động vui chơi, tụ tập đông người tại công viên và các địa điểm công cộng.
Cuối cùng là thực hiện Chỉ thị 15, Chỉ thị 16, đỉnh điểm là áp dụng mức cao hơn Chỉ thị 16 với việc hàng loạt khu dân cư, nhà xưởng bị phong tỏa, hạn chế ra đường sau 18 giờ,... Đến đây thì sự hoảng loạn mới lan rộng trong nhóm người nghèo nhập cư, khi mọi thứ gần như phải bất động.
Lúc đầu việc mua lương thực và tiếp tế thực phẩm còn thông suốt nhưng sau vài tuần thì sự căng thẳng gia tăng, ngay cả những nhóm thiện nguyện cũng bị hạn chế khiến các nguồn cung cấp cũng cạn dần. Ban đầu chỉ vài ca lây nhiễm mỗi ngày, sau cứ tăng dần từ hai con số; rồi ba, bốn con số và dao động xấp xỉ 4.000 ca mỗi ngày đi kèm với mức tử vong tăng lên thì sự hoảng loạn đã bùng phát, nhất là điều kiện kiếm sống, ăn ở, sinh hoạt bị đe dọa đã tạo một làn sóng “hồi hương” thật bi thảm. Những đoàn người lũ lượt dùng đủ mọi phương tiện kéo nhau về quê, có cả người đi xe đạp, thậm chí đi bộ. Trên đường về, có nơi họ được đón tiếp, nhưng cũng có địa phương thì quyết ngăn chặn.
Vấn đề không dừng lại ở chỗ người di cư quay về mà đâu đó trong đoàn người lam lũ có thể mang những con virus đáng sợ kia, làm lây lan ra cộng đồng. Nhiều người về, hiện vẫn sống vất vưởng nơi quê nhà, gần như không có việc làm, không có nguồn sinh nhai, mà ở đó cũng đang có nguy nan dịch bệnh chực chờ.
Thiệt hại kinh tế cho đất nước và cả từng địa phương chắc chắn là một con số khổng lồ không thể có được những thống kê đầy đủ; và nếu dịch bệnh được khống chế thì khả năng phục hồi cũng không thể nhanh hơn. Tác động xã hội của dịch bệnh sẽ là những câu chuyện dài.
Những chương trình xóa đói giảm nghèo có nguy cơ phá sản và đẩy những nhóm người mới thoát nghèo quay trở về tình trạng cũ, thậm chí còn thê thảm hơn nếu như họ đã bán hết ruộng vườn hay tài sản cho cuộc di cư, mong đổi đời. Có thể họ sẽ cùng đường và đi tìm những gì còn sót lại của thiên nhiên, lên rừng xuống biển, càn quét mọi nơi để kiếm sống, tạo thêm sự suy giảm hệ sinh thái vốn đã rất mong manh.
Liệu có lối thoát nào cho nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương này? Có lẽ chưa có một nghiên cứu nào đánh giá khả năng chịu đựng của nền kinh tế và xã hội khi có những cơn sốc dịch bệnh như lần này. Không thể chờ đợi những kết quả báo cáo đầy đủ và cũng không còn nhiều giải pháp hồi phục hữu hiệu, nhưng vẫn phải quyết thực hiện.
Trước tiên, phải bằng mọi cách ưu tiên vaccin cho toàn dân, hoặc ít ra cũng đạt mức an toàn cho miễn dịch cộng đồng. Chính phủ cần phải đẩy mạnh thương lượng nguồn vaccin trên thế giới, đặc biệt là từ Mỹ và châu Âu; hỗ trợ các nghiên cứu tiến đến sự tự chủ vaccin lâu dài trong nước. Việc kiểm soát người từ nước ngoài nhập cảnh vẫn phải duy trì chặt chẽ.
Các hoạt động y tế cộng đồng cũng rất cần thiết, ngay cả khi dịch bệnh và số người nhiễm giảm đi. Nhà nước cần chấp nhận bội chi ngân sách để tăng các nguồn dự trữ quốc gia và hỗ trợ việc làm cho người dân. Các quyết sách này phải được triển khai đồng thời với những nới lỏng về chính sách thuế, miễn giảm nợ của người dân và hỗ trợ vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp để họ sớm phục hồi sản xuất và tạo việc làm trở lại.
Với tầm nhìn xa hơn, ngoài duy trì chính sách giãn cách xã hội trong các vùng dịch bệnh, cần phải xem xét lại các quy hoạch giãn cách dân cư kết hợp đưa các khu công nghiệp, nhà xưởng về vùng nông thôn thay vì tự phát tập trung nhiều ở Sài Gòn hay Bình Dương, Đồng Nai... là các nơi dịch bệnh dễ bùng phát và lây lan nhanh. Các dịch vụ mua bán, thanh toán, giải trí từ xa hay hội họp qua Internet cần phát huy và tận dụng, kể cả gia tăng tốc độ băng thông và giảm chi phí truy cập như một cách kéo giãn và cách ly xã hội, ngay cả khi dịch bệnh đã được kiểm soát.
Lê Anh Tuấn - Đại học Cần Thơ
(KTSG Online)
- Covid-19 có thức tỉnh được các nhà quản lý quy hoạch đô thị?
- Thành phố thông minh từ câu chuyện bóng đèn
- Evergrande – đừng nhìn thấy cây mà không thấy rừng
- Cải tạo chung cư cũ theo hướng bảo tồn
- Chữa "bệnh" chậm cải tạo chung cư cũ
- Từ "3 tại chỗ" nghĩ đến chính sách khuyến khích làm ký túc xá cho công nhân
- Đà Lạt thời đèn xanh, đèn đỏ
- Smart city "bó tay" trước lũ lụt lịch sử
- Mô hình "mang chợ ra phố" khi giãn cách
- Khi cuộc sống bỗng chốc "thu nhỏ" lại vừa bằng một khu phố