Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Tương tác Góc nhìn Cân bằng giữa rủi ro và cơ hội

Cân bằng giữa rủi ro và cơ hội

Viết email In

Dù chưa thống kê đầy đủ, nhưng các bằng chứng mới nhất cho thấy một xu hướng đáng lo ngại là, rủi ro thiên nhiên vốn đã rất nguy hiểm, lại đang trở nên ngày càng nặng nề bởi tốc độ đô thị hóa nhanh, phát triển kinh tế và biến đổi khí hậu.

Hiện nay, nước ta đang hình thành hệ thống các đô thị ven biển, có tiềm năng phát triển bền vững về du lịch và kinh tế tạo thành trục liên kết Bắc - Nam, với TP Đà Nẵng là trung tâm cùng các đô thị lớn như Huế, Hội An, Tam Kỳ, Quãng Ngãi, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang.


(Ảnh minh họa: Internet)

Theo xu thế chung, khu vực ven biển sẽ là tâm điểm cho sự phát triển trong tương lai với sự gia tăng dân số, mở rộng các ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch và đô thị hóa. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 80 khu lấn biển tại 19 tỉnh, thành phố ven biển. Nhiều dự án lấn biển quy mô lớn đã và đang được thực hiện tại Hải Phòng, Quảng Ninh, TP.HCM, Kiên Giang...

Ở Khánh Hòa, ngoài TP Nha Trang là đô thị trung tâm, 2 khu vực được chọn làm đô thị vệ tinh là Bắc bán đảo Cam Ranh với 45 dự án và thị xã Ninh Hòa với các khu đô thị ven biển thuộc các phường Ninh Thủy, Ninh Diêm, Ninh Hải. Ngoài ra, các khu vực ven biển khác như Cam Ranh, Vạn Ninh, Cam Lâm đang có tốc độ đô thị hóa cao cũng sẽ trở thành các đô thị vệ tinh.

Sau hơn 35 năm đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế, các đô thị biển nước ta, nhất là các đô thị biển miền Trung đã có nhiều thay đổi về diện mạo kiến trúc theo hướng văn minh, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch nghỉ dưỡng và kinh tế biển.

Tuy nhiên, một số đô thị có tốc độ đô thị hóa nhanh mất kiểm soát, dẫn đến sự xuất hiện dày đặc các dự án khách sạn cao tầng sang trọng, khu du lịch nghỉ dưỡng resort, sân golf… hiện đại, tiện nghi ở các khu vực ven biển có bãi biển rộng, đẹp, chiếm lĩnh thô bạo không gian và cảnh quan thiên nhiên, lấn át di sản kiến trúc truyền thống, ảnh hưởng đến cuộc sống và hoạt động kinh tế của cư dân địa phương, gây khiếu kiện kéo dài làm mất an ninh xã hội và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan môi trường sinh thái ven biển.

Đô thị hóa nhanh đã có những ảnh hưởng đáng kể đến sự cân bằng sinh thái: Tài nguyên đất bị tận dụng khai thác để xây dựng đô thị, làm giảm diện tích cây xanh và mặt nước, gây ra úng ngập; nhu cầu nước phục vụ sinh hoạt, dịch vụ, sản xuất ngày càng tăng làm suy thoái nguồn tài nguyên nước... Tình trạng trên hiện vẫn xảy ra ở một số dự án kinh doanh bất động sản, vi phạm các quy định pháp luật về quy hoạch, xây dựng, kiến trúc và bảo vệ tài nguyên - môi trường biển.

Điều này trùng với đánh giá của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, “đô thị hóa nhanh chóng, tăng trưởng kinh tế và biến đổi khí hậu cũng đồng nghĩa với việc gia tăng rủi ro thiên tai trong tương lai". Ngày càng có nhiều dự án phát triển mới ở các khu vực ven biển trong những vùng có nguy cơ ngập lụt cao vì những nơi an toàn không còn đất trống. Toàn bộ các khu dân cư được xây dựng trên những cồn cát dễ bị xói lở. Ở một số nơi, bờ biển đã lấn vào đất liền tới 300 m, buộc hàng trăm hộ gia đình phải di dời và thay đổi sinh kế. Mặc dù những hiểm họa tự nhiên đã là nghiêm trọng, nhưng biến đổi khí hậu và áp lực của con người lên các hệ sinh thái tự nhiên càng làm gia tăng những nguy cơ này.

Tuy nhiên, bất chấp các rủi ro về thiên tai, khu vực ven biển lại là nơi có nhiều ngành kinh tế phát triển mạnh, tạo công ăn việc làm cho một cộng đồng có quy mô dân số ngày càng tăng và đang trên đà đô thị hóa nhanh.

Là nơi sinh sống của một nửa dân số cả nước, khu vực ven biển của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, tạo ra nhiều cơ hội việc làm về du lịch, nông nghiệp, công nghiệp và nhiều ngành khác, giúp duy trì sinh kế thịnh vượng, giảm tỷ lệ nghèo và tiếp tục thu hút nhiều người đến các khu vực này. Nếu có thể quản lý được rủi ro tự nhiên ngày càng tăng, vùng này có thể tiếp tục đóng vai trò là động lực mạnh mẽ thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Rõ ràng, những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến phát triển đô thị ở Việt Nam là tiềm tàng. Bởi thế, ngay từ bây giờ, các cấp chính quyền cần phải hành động ngay; các cơ quan nghiên cứu cần đưa ra những giải pháp, tư vấn khoa học để xây dựng các đô thị theo hướng thích ứng với sự biến đổi của khí hậu ngay trong tương lai gần.

Ngọc Lý

(Báo Xây dựng)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo