Ashui.com

Thursday
Apr 25th
Home Tương tác Góc nhìn Hồ Tây, Quảng An và Hà Nội ngày nay

Hồ Tây, Quảng An và Hà Nội ngày nay

Viết email In

Từ một hồ tự nhiên, hồ Tây đang biến thành một hồ đô thị, theo nghĩa là đồng thời xảy ra sự suy giảm đa dạng sinh học, đô thị hóa cảnh quan, suy giảm chất lượng nước. Nói cách khác, hồ đang dần chỉ còn là một vũng nước lớn, được bao bọc bởi bê tông của đô thị...  

Hồ Tây

…Anh đi mười năm trở lại
Làng hoa biến mất như đùa!
Ví thử hồ sen cạn nốt
Làm gì cho thấy ngày xưa?…

(Bằng Việt, Tác phẩm chọn lọc, NXB Hội Nhà văn, 2010)

Mấy câu thơ của Bằng Việt trong bài Sen Hồ Tây sáng tác năm 1995 chợt cho ta một cái nhìn rất thời đại về những biến dạng cảnh quan văn hóa của thắng cảnh Hồ Tây.

Hồ Tây là thắng cảnh lớn nhất, nổi bật nhất và cũng lâu đời nhất của nội đô Hà Nội. Một mặt nước lớn trên 500 ha xâu chuỗi biết bao cảnh quan thiên nhiên và văn hóa của những làng hoa cây cảnh, làng nghề, với rất nhiều di tích đình đền chùa nổi tiếng gắn với lịch sử nghìn năm của Thủ đô. Trong quá khứ, nhiều địa điểm ven hồ từng là nơi vui chơi, thưởng ngoạn của vua chúa, quan lại, giới văn sĩ và cả thị dân; đồng thời cũng từng là nguồn sinh kế của bao thế hệ cư dân ven đô Hà Nội.


Hồ Tây nhìn từ trên cao.
(Ảnh: Thành Đạt /TTXVN)

Ngày nay, khi dân cư ngày càng tập trung đông đúc, khu vực quanh Hồ Tây gồm các phường Bưởi, Thụy Khuê, Yên Phụ, Tứ Liên, Nhật Tân, Quảng An, Xuân La và Phú Thượng dần mất nét ven đô mà thay đổi theo chiều hướng đô thị hóa, với mật độ xây dựng cao, phố xá dày đặc, xuất hiện nhiều nhà cao tầng. Thậm chí nó còn được coi như hồ trung tâm nội đô, giống như vai trò của hồ Hoàn Kiếm đối với Hà Nội thời Pháp thuộc trước kia.

Từ một hồ tự nhiên, hồ Tây đang biến thành một hồ đô thị, theo nghĩa là đồng thời xảy ra sự suy giảm đa dạng sinh học, đô thị hóa cảnh quan, suy giảm chất lượng nước. Nói cách khác, hồ đang dần chỉ còn là một vũng nước lớn, được bao bọc bởi bê tông của đô thị, bị từng bước xóa nhòa biết bao giá trị lịch sử, sinh thái, nhân văn vốn có từ ngàn xưa.


Bản đồ Hà Nội năm 1873.


Bản đồ hiện trạng khu vực Tây Nam hồ Tây, năm 1928 (bên trái) và Trích bản đồ quy hoạch Hà Nội năm 1943.

Những hình ảnh trích một số bản đồ Hà Nội các năm 1873, 1891, 1928, 1943, 1995, 2010, 2014 cho thấy một quá trình chuyển hóa từ không gian nông nghiệp sang nông thôn, ven đô, rồi đô thị. Trong đó, mặt nước hồ không ngừng bị thu hẹp, các kết nối tự nhiên với sông Hồng môi trường nông nghiệp dần biến mất.


Bản đồ quy hoạch quận Tây Hồ năm 2014.
(Nguồn: bandovietnam.com.vn/ban-do-quan-tay-ho)


Bản đồ quy hoạch sử dụng đất quận Tây Hồ đến năm 2030.


Quảng An

Khu vực phường Quảng An có thể coi là một cụm bán đảo lớn nhất tại trung tâm hồ Tây. Mũi đất vươn xa nhất của nó được đánh dấu bởi phủ Tây Hồ, một công trình có lai lịch từ thế kỷ 17. Hình thế dạng quạt của cụm bán đảo này tạo cho chu vi của hồ Tây dáng nét như “trâu vàng”, “xác cáo” trong truyền thuyết.


Bản đồ Hà Nội năm 1891.


Bản đồ quy hoạch Hà Nội năm 1943.

Bán đảo Quảng An đứng ở trọng tâm của hồ, như một khán đài chính để thưởng ngoạn toàn cảnh hồ Tây, đồng thời là nơi đón tầm nhìn của toàn bộ cung đường đối diện bên kia hồ. Đó là một đoạn bố cục quan trọng trong bức tranh toàn cảnh, nên mỗi sự biến đổi của nó đều sẽ ảnh hưởng to lớn đến toàn cảnh.

Với những đầm sen, chùa, Phủ Tây Hồ và làng hoa cây cảnh, Quảng An có những giá trị về di sản cảnh quan văn hóa đặc trưng, cần được nhận diện, bảo tồn. Đó là kiểu cảnh quan nhỏ, thuần Việt, mà người ta cảm nhận thông qua lộ trình tiến tới mặt hồ chậm rãi, khuất khúc.

Kiểu cảnh quan đó khác với kiểu cảnh quan Phương Tây, với những trục xanh lớn, thẳng, trực giao.


Cảnh quan vườn cung điện Versailles, Pháp. Bố cục với các trục thẳng, giao nhau thành các hình kỷ hà, bố trí điểm nhấn tại các vị trí án ngữ tầm nhìn. (Nguồn: http://hotcore.info/babki/versaile-formal-garden-plan.htm)

 

Hà Nội ngày nay

Đến Paris, London, Vienna, Stockholm, Attena, Rome… ta đều dễ dàng nhìn thấy những di sản lâu đời được gìn giữ, cùng tồn tại bên những phát triển sau này. Những cảnh quan văn hoá xa xưa truyền lại cho mỗi thị dân một ý niệm sâu sắc hơn về nơi chốn họ thuộc về. Thật may mắn cho những thành phố đó, vì không bị những đứt gãy lịch sử văn hoá như các thành phố của Việt Nam. Song, nếu như có sự đứt gãy, thì thế hệ ngày nay cần nỗ lực hết sức để hàn gắn lại cây cầu nối giữa quá khứ và tương lai.


Bản đồ khu vực đô thị trung tâm trong QHC Hà Nội đến 2030, phê duyệt năm 2010.

Có lẽ nên nhìn nhận rằng từ xưa đến nay, Hồ Tây vẫn luôn là không gian mở lớn của Hà Nội, là nơi để người Hà Nội thưởng ngoạn, vui chơi, giải trí, tái tạo sức lao động, làm mát đô thị, giữ lại chút cân bằng sinh thái. Giá trị thưởng ngoạn đó có được nhờ chất lượng cảnh quan, môi trường, lịch sử, văn hóa, lối sống… được trân trọng, gìn giữ, lưu truyền. Việc tăng mật độ xây dựng, tầng cao làm biến đổi những giá trị cốt lõi của thắng cảnh này, tuy có thể nâng cao giá trị kinh tế cục bộ, song sẽ làm nhiều giá trị một đi không trở lại.

Bảo tồn khu vực hồ Tây và phụ cận cần trở thành một chủ đề trọng tâm trong quy hoạch, quy chế của thành phố Hà Nội, điều mà hiện nay chưa được làm đúng với tầm quan trọng của di sản hy hữu này.

Cấu trúc không gian của khu nội đô lịch sử thành phố Hà Nội đã và sẽ không lấy hồ Tây làm không gian mở trung tâm. Thế mạnh và sự độc đáo của không gian hồ Tây là ở chỗ, đó không gian xanh lớn và duy nhất nằm kề khu trung tâm đô thị sầm uất, đang ngày càng ngột ngạt vì thiếu những mảng xanh. Bảo tồn giá trị cảnh quan văn hóa hồ Tây cần trở thành một chủ đề được nghiên cứu kỹ lưỡng, làm tiền đề cho quy hoạch. Cần nhận diện giá trị cảnh quan văn hoá và xác định các khống chế cần thiết đối với không gian xây dựng ven hồ. Những thiết chế bảo tồn cảnh quan là công cụ quan trọng để xác định liệu kiến trúc mới, nếu được xây dựng trong phạm vi này, cần phải ứng xử thế nào cho hài hòa và không làm lu mờ giá trị di sản.

Muốn làm được vậy, cần xác định vùng lõi (có thể là khu vực mặt nước hồ Tây), và vùng đệm bao quanh để có các chính sách phù hợp. Vai trò của vùng lõi là trực tiếp bảo vệ, bảo tồn, phục hồi các giá trị sinh cảnh. Vùng đệm là nơi có thể đan xen phát triển mới (được kiểm soát nghiêm ngặt) với bảo tồn các cấu trúc sinh thái, nhân văn, lịch sử của không gian nông nghiệp, nông thôn hiện còn.

Với vùng đệm, có thể xác định chí ít là một đường riềm dày khoảng 100-200m quanh mép nước hồ Tây, được coi như một công viên mà trong đó có người ở. Trong vùng đệm, những phát triển mới, những cải tạo đô thị cần được kiểm soát sao cho:

  • Mật độ xây dựng cần giảm dần khi đến càng sát mặt hồ, mật độ cây xanh và chất lượng sinh thái tăng dần khi càng tiến sát mặt hồ.
  • Các phố nhìn ra hồ được đặc biệt chú ý về thiết kế cảnh quan và chống việc có chướng ngại tầm nhìn.
  • Không gian mở quanh các di tích lịch sử được tạo dựng hoặc kiểm soát sao cho hình ảnh di tích trở thành đối tượng cảnh quan chính.
  • Tuyến đường quanh hồ cần được thiết kế để trở thành tuyến giao thông chậm, xanh, xâu chuỗi các giá trị nổi bật của cảnh quan văn hóa…


Hồ Tây. (Ảnh: Báo Nhân Dân)

Và còn rất nhiều điều cần được để tâm khi quản lý phát triển khu vực nhạy cảm này. Vì thế, bảo tồn khu vực hồ Tây và phụ cận cần trở thành một chủ đề trọng tâm trong quy hoạch, quy chế của thành phố Hà Nội, điều mà hiện nay chưa được làm đúng với tầm quan trọng của di sản hy hữu này.

Ths.KTS. Nguyễn Xuân Anh (Chuyên gia quy hoạch Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia)

(Người Đô Thị)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo