Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tương tác Góc nhìn Nén đến đâu thì đủ

Nén đến đâu thì đủ

Viết email In

Sáng ngày 7/7/2022, tại kỳ họp của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, cho biết dự án tại số 148 Giảng Võ đã có chủ trương mới: chuyển đổi làm trung tâm dịch vụ thương mại, dịch vụ, văn hóa.

Trước đó, vào năm 2016, UBND thành phố đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu đất 6,8 héc ta, số 148 Giảng Võ, với quy mô 10 tòa chung cư cao 50 tầng (tại Quyết định 3560). Cùng thời gian này, UBND thành phố cũng phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư dự án (tại Quyết định số 4205). Ngày 7/3/2019, UBND thành phố đã có Quyết định 1441 thu hồi Quyết định 4205 về chủ trương đầu tư dự án.

Khi nghe về quyết định mới này giới quy hoạch và kiến trúc sư cho rằng đây là một quyết định dũng cảm, bởi như thế Hà Nội sẽ mất hàng ngàn căn hộ thương mại, đồng nghĩa với việc ngân sách không thu được một khoản rất lớn. Nhưng đây là một quyết định phải làm!

Còn nhớ vào đầu năm 2000, giới quy hoạch và kiến trúc sư của TPHCM rất hứng khởi với mô hình đô thị nén. Tức là trên một diện tích nhỏ, nếu làm nhà phố thì có thể được vài chục hộ, nhưng nếu nén vào nhà cao tầng thì sẽ chứa được hàng ngàn hộ, đất còn lại làm công trình công cộng, và nếu mô hình nén này mà triển khai ở 14 quận nội thành cũ thì TPHCM sẽ có một diện mạo khác và tất nhiên mang lại lợi ích rất lớn cho nhiều phía (chính quyền, chủ đầu tư, người dân và các ngành sản xuất liên quan). Trong lúc hào hứng đó thì vị lãnh đạo cao nhất của TPHCM buông một câu đại ý rằng nén vừa thôi, nén quá sẽ gây ra hiệu ứng ngược, hậu quả sẽ rất nặng nề. Và bây giờ thì lời tiên đoán của ông ta bắt đầu được chứng minh.

Nén con người và tổ chức vật chất ở các thành phố lớn là điều cần thiết trong tình cảnh “đất chật, người đông”, nhưng nén như thế nào, nén ở đâu và trong điều kiện đảm bảo ra sao thì cần phải tính toán nếu không sẽ gây ra thảm họa về môi trường, nhân học và an ninh trật tự.

Cách nay 15 năm, mỗi khi đề cập đến phát triển, các vị lãnh đạo Hà Nội thường lấy TPHCM làm ví dụ về kẹt xe, ngập nước, nhưng nay không cần so sánh ở đâu nữa vì Hà Nội kẹt xe không kém gì TPHCM, thậm chí có những nơi trầm trọng hơn, cho dù mức đầu tư cho giao thông và cơ sở hạ tầng kỹ thuật nhiều gấp mấy lần TPHCM; còn ngập nước thì có vẻ như lâu hơn và rộng hơn TPHCM.

Người Hà Nội mỗi khi có việc phải di chuyển về hướng Tây Nam đều kinh hoàng về mức độ kẹt xe ở trục giao thông trên đường Lê Văn Lương. Chỉ một đoạn có 1 ki lô mét mà các nhà chức trách đã cho nén 40 tòa nhà chung cư cao từ 25 tầng trở lên. Số người cư trú trong 40 tòa nhà này lên đến hàng trăm ngàn người, nếu tính cả người đến là khách, người làm dịch vụ thì số lượng còn nhiều hơn nữa, bởi ở đây ngoài các chung cư còn có các trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn.

Một điều kỳ lạ là những tòa nhà này đều nằm sát mặt đường, khoảng lùi rất hẹp chỉ chừng 7-10 mét. Nếu tính trong phạm vi bán kính 100 mét thì số cao ốc còn nhiều hơn thế nữa, chưa kể còn một số ô đất trống đã được phê duyệt thiết kế đang đợi xây dựng tiếp.

Trên địa bàn thành phố Hà Nội còn nhiều địa điểm khác được nén chặt như vậy. Đó là một trong các lý do chính yếu mà UBND thành phố Hà Nội hủy các quyết định xây nhà cao tầng ở khu vực trung tâm.

Ở TPHCM tình trạng cũng không khá hơn. Tính ra thì số địa điểm được nén nhiều hơn Hà Nội. Một vài địa điểm cần nhắc đến đó là đường Nguyễn Hữu Thọ, tuyến nối huyện Nhà Bè và quận 7 đến trung tâm dài khoảng 4 ki lô mét với “đặc sản” tắc đường và ô nhiễm, bởi có tất thảy 25 chung cư cao tầng, thấp nhất 30 tầng, cao nhất 50 tầng đang “gánh” hàng chục ngàn căn hộ chung cư.

Một nơi khác là khu vực ven sông Sài Gòn (Ba Son và Tân Cảng). Có thể nói đây là khu vực có mật độ nén cao nhất TPHCM về mật độ dân cư và các khối vật thể xây dựng như các tòa nhà cao tầng, cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Nhìn từ trong ra, hay bên Thủ Thiêm vào thì rõ ràng đây là một bức tường thành đồ sộ kéo dài dọc bờ sông Sài Gòn. Nó được nén chặt và đông đặc đến mức hầu như gió sông không len vào sâu khu dân cư gần nhất ở phía trong.

Tương tự như thế, xung quanh sân bay Tân Sân Nhất – quanh các con đường Phổ Quang, Hồng Hà với bán kính chừng 700 mét – người ta đếm được tám chung cư từ 25 tầng trở lên, nếu kể cả các cao ốc văn phòng thì nhiều hơn 10 cái, trong khi đường chỉ dành cho hai làn xe cho nên khu vực này dường như lúc nào cũng kẹt cứng.

Việc nén quá nhiều nhà cao tầng vào trung tâm không chỉ sai lầm về nhận thức, trình độ quy hoạch mà có cả những tiêu cực trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch.

Gần đây nhất, kết luận thanh tra số 39 của Thanh tra Bộ Xây dựng, ngày 17/5/2022, đã chỉ ra một loạt sai phạm diễn ra trên trục đường Lê Văn Lương (Hà Nội), cho thấy nhiều dự án được điều chỉnh quy hoạch trái phép từ bốn đến sáu lần theo hướng tăng mật độ, hệ số sử dụng đất, số tầng và chức năng công trình.

Có thể thấy từ thành phố Hà Nội, TPHCM đến hầu hết các thành phố của Việt Nam như Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Dương, nhiều dự án được cấp phép thấp tầng với ít chức năng nhưng sau vài ba lần điều chỉnh thành ra những tòa nhà chọc trời với rất nhiều chức năng khác nhau, mà thêm tầng, thêm chức năng là thêm cơ hội hái rất tiền.

Trước tình hình này, việc Hà Nội thay đổi hướng phát triển, giãn bớt các chung cư cao tầng, các cao ốc tập trung đông người ra khỏi vành đai 3 là điều hợp lý cho dù đã là muộn. Nén con người và tổ chức vật chất ở các thành phố lớn là điều cần thiết trong tình cảnh “đất chật, người đông”, “người đẻ chứ đất không đẻ”, nhưng nén như thế nào, nén ở đâu và trong điều kiện đảm bảo ra sao thì cần phải tính toán nếu không sẽ gây ra thảm họa về môi trường, nhân học và an ninh trật tự. Thực tế cho thấy giá căn hộ chung cư ở trục đường Lê Văn Lương đang giảm và không dễ bán, nhiều người đang tháo chạy khỏi chung cư cho thấy hệ quả của việc nén ẩu.

Minh Nguyễn

(KTSG Online)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo