Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tương tác Góc nhìn Để giữ vị thế, vùng Đông Nam bộ cần tái cấu trúc mô hình tăng trưởng

Để giữ vị thế, vùng Đông Nam bộ cần tái cấu trúc mô hình tăng trưởng

Viết email In

Là vùng kinh tế năng động, dẫn dắt tăng trưởng GDP cả nước nhiều năm qua nên tăng trưởng của vùng Đông Nam bộ trong 7 tháng 2024 thấp hơn bình quân chung cả nước đã gây nhiều sự chú ý.

Để tìm lại đà tăng trưởng cao, theo các chuyên gia, vùng cần nhanh chóng chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo không gian mới để thu hút dòng đầu tư chất lượng. Ngoài ra, các địa phương cần hành động quyết liệt khắc phục điểm nghẽn về nhân lực, hạ tầng…


TPHCM và các địa phương khác vùng Đông Nam bộ cần đẩy mạnh liên kết. (Ảnh: H.P)

Tăng trưởng thấp do chậm chuyển đổi

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong 7 tháng đầu qua, tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam bộ (ĐNB) dù khá nhưng chỉ đạt 5,58%, thấp hơn mức bình quân chung cả nước (6,32%). Mức tăng trưởng của vùng chỉ cao hơn Tây Nguyên (3,86%).

Điều này làm vùng giảm tỉ trọng trong cơ cấu kinh tế cả nước. Đơn cử vai trò đầu mối xuất khẩu lớn nhất cả nước giảm dần, tỉ trọng kim ngạch chiếm 31% tổng giá trị xuất khẩu cả nước, sau Đồng bằng sông Hồng (gần 35%). Tương tự, chỉ số đóng góp vào ngân sách của vùng là trên 38%, Đồng bằng sông Hồng là gần 43%.

Trao đổi với KTSG Online, các chuyên gia kinh tế không bất ngờ về kết quả trên bởi tăng trưởng kinh tế vùng vẫn dựa vào lao động ít kỹ năng, thâm dụng vào năng lượng, tài nguyên và vốn…

Trong khi đó, sự hình thành các trung tâm công nghiệp mới ở khu vực phía Bắc gắn với ngành điện tử, công nghệ… của các tập đoàn nước ngoài đã vượt lên dẫn đầu xuất khẩu, đóng góp lớn cho ngân sách.

“Công nghiệp hóa vùng ĐNB sớm dẫn đến bất lợi hiện nay khi mà nhiều dự án đầu tư đã hơn 20 năm hoạt động, không còn phù hợp xu thế phát triển. Chủ các dự án này dù rót thêm vốn nhưng chỉ mang tính thay thế, bổ sung trên nền tảng dây chuyền cũ, quy trình kinh doanh truyền thống… nên khó có thể tăng trưởng đột phá”, TS. kinh tế Huỳnh Thanh Điền nói.

Mô hình tăng trưởng chậm chuyển đổi, các động lực tăng trưởng của vùng đang chậm lại cũng được TS. Võ Trí Thành chỉ rõ về giá trị gia tăng sản phẩm tạo ra thấp. Đáng chú ý là mức tăng năng suất lao động cũng thấp, mất tính chất của vùng động lực.

Điều này cũng được Giáo sư Nguyễn Trọng Hoài dẫn chứng trước đây khi tỉ lệ lao động có kỹ năng của vùng chỉ xấp xỉ mức trung bình cả nước. Tỉ lệ chi hoạt động R&D (nghiên cứu -phát triển) trên GRDP (Tổng sản phẩm trong địa phương) của vùng còn ở mức thấp…

Tương tự, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, nhiều doanh nghiệp vùng Đông Nam bộ chưa chuyển đổi kịp thời với xu hướng cách mạng công nghệ số, kinh tế số… để phát triển.

Một thời gian dài vùng chủ yếu phát triển theo chiều rộng. Việc chuyển sang phát triển theo chiều sâu đã được các địa phương trong vùng thực hiện nhưng giá trị tạo ra chưa đủ lớn để tạo nên sự phát triển mang tính đột phá.

Nền kinh tế của các địa phương ĐNB có độ mở cao nhưng hệ thống giao thông liên kết chưa đồng bộ, đặc biệt là tại TPHCM khiến chi phí logistics bị đội lên, dẫn đến sức cạnh tranh càng suy giảm.

“Giải phóng nguồn lực” để vùng ĐNB bật tăng

Các chuyên gia cho rằng vùng ĐNB đang trong giai đoạn bão hòa và dần suy thoái. Muốn vùng phát triển đột phá thì cần phải tái cấu trúc lại, tạo ra những không gian mới, để có dư địa cho vùng tăng trưởng bền vững hơn.

Đơn cử như các khu công nghiệp (KCN) đã phát triển mấy chục năm nay, theo TS. kinh tế Huỳnh Thanh Điền, các địa phương trong vùng cần phải quy hoạch lại theo hướng kinh tế tuần hoàn, sản xuất ứng dụng công nghệ mới… cho phù hợp với xu thế phát triển.

Trường hợp những doanh nghiệp đang hoạt động tại các KCN này sắp hết thời gian hoạt động mà không chuyển đổi theo định hướng quy hoạch của địa phương thì không gia hạn thời gian hoạt động. Thay vào đó là thu hút các dự án mới có công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao.

Đơn cử như như TPHCM, cần tập trung thu hút các dự án chất lượng cao, công nghệ mới như công nghệ số, chíp bán dẫn… để mang lại giá trị gia tăng cao. Việc chuyển đổi xanh, phát triển bền vững cũng cần thúc đẩy doanh nghiệp nhanh chóng thực hiện, bởi không đáp ứng thì sẽ khó đưa hàng hóa vào những thị trường khó tính sắp tới.

“Cần phải có quy hoạch cụ thể, làm nhanh và có định hướng rõ ràng để doanh nghiệp, nhà đầu tư dựa vào đó mà triển khai thực hiện”, ông Điền nói.

Cũng cho rằng thế hệ công nghiệp trong vùng hiện không còn phù hợp khi sử dụng nhiều lao động, đất đai…, ông Võ Trí Thành cho rằng cần thu hút các nhà đầu tư chiến lược ở lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn… Cùng với đó là phải nâng cao năng lực của bộ máy hành chính và sự quyết liệt hành động của chính quyền địa phương.

Mặt khác, việc đẩy mạnh liên kết vùng cần phát huy hơn nữa, nhất là hạ tầng giao thông, cần giải bài toán vốn.

Các chuyên gia đề xuất thiết lập cơ chế phối hợp tập trung vốn giữa Trung ương với địa phương và giữa các địa phương. Cùng với đó là tăng cường cơ chế huy động vốn tư nhân và xây dựng mô hình hoạt động cho Quỹ phát triển hạ tầng vùng.

Các ý kiến cho rằng, cần áp dụng một số điểm trong Nghị quyết 98 của Quốc hội cho phép TPHCM áp cho cả vùng này. Ngân sách của địa phương này có thể đầu tư qua địa phương khác đối với những công trình hạ tầng đi qua các địa phương đó.

Cụ thể Nghị quyết 98 của Quốc hội cho phép TPHCM thí điểm mô hình TOD (phát triển đô thị dọc theo các tuyến giao thông lớn). Nghị quyết 98 cho phép thí điểm TOD để phát triển đô thị dọc theo tuyến Vành đai 3 nhưng tuyến đường này cũng liên quan đến các tỉnh lân cận.

Do đó, các chuyên gia cho rằng các mô hình TOD, BOT cho các đường hiện hữu, hợp tác công tư PPP… có trong cơ chế đặc thù để phát triển TPHCM thì cũng nên áp dụng cho cả Bình Dương, Đồng Nai. Mặt khác, việc phát triển hạ tầng vùng cần chọn lựa công trình trọng điểm thực hiện, không đầu tư dàn trải dẫn đến chậm đưa vào khai thác.

Chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ vào cuối tuần qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng bày tỏ sự quan ngại về mức tăng trưởng kinh tế vùng thấp hơn mức bình quân cả nước.

Trước những vấn đề vướng mắc, Thủ tướng nhấn mạnh phải vận dụng sáng tạo trong điều kiện hiện nay để giải quyết, xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài.

Để nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thực hiện Quy hoạch vùng trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành và 6 địa phương cần chủ động, tích cực hoàn thành có chất lượng các nhiệm vụ được giao; nắm chắc tình hình phản ứng chính sách kịp thời.

Cùng với đó, tích cực triển khai công tác quy hoạch. Rà soát các điểm nghẽn, vướng mắc về pháp lý trong thực tiễn để cùng các bộ ngành Trung ương đề xuất sửa đổi một số luật.

Thủ tướng lưu ý phải đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực trong xã hội. Đồng thời, tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, chip bán dẫn, AI…).

Lê Hoàng

(KTSG Online)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo