Tôi tự cho mình là người may mắn bởi trong vòng chục năm qua, bản thân đã đến chục vườn quốc gia, khu bảo tồn để công tác, du lịch. Trong đó, có những vườn quốc gia, tôi đến nhiều lần do ưa thích. Không phải ai cũng như vậy, vì theo Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam, tỷ lệ người dân đến các vườn quốc gia năm ngoái chỉ khoảng 3% dân số, tức hơn 3 triệu người.
Trung tâm này cho rằng lượng người dân Việt Nam đến với vườn quốc gia, khu bảo tồn còn thấp nếu so sánh với nhiều nước trên thế giới, chẳng hạn như ở Mỹ, bình quân mỗi người dân sẽ đến thăm vườn quốc gia ít nhất 1 lần/năm.
Hồi đầu tháng 7 năm nay, Diễn đàn hợp tác công – tư trong việc phát triển giá trị đa dụng hệ sinh thái rừng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đã khởi động sáng kiến thí điểm “Hộ chiếu vườn quốc gia”. Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ví von việc xây dựng cuốn hộ chiếu này như một cách mang rừng về gần đô thị hơn, trong bối cảnh mà còn quá nhiều người Việt Nam xa lạ với rừng.
Hộ chiếu vườn quốc gia ở Mỹ (Ảnh: Adventurous Way /Ashui.com)
Thực ra không phải chỉ ở Việt Nam mới có nhiều người xa lạ với rừng mà nhiều nước trên thế giới cũng tương tự, vì vậy mà hộ chiếu vườn quốc gia ra đời. Mỹ là quốc gia đi tiên phong, đã có cách nay gần 40 năm, rồi tới Ấn Độ, ở khu vực ASEAN thì có Thái Lan đã thực hiện 5 năm nay.
Đặc điểm chung của hộ chiếu vườn quốc gia ở các nước là bản giấy (có bản điện tử là app trên điện thoại nhưng thường du khách thích bản giấy). Bản giấy có bìa chống thấm nước in hình ảnh mang tính biểu tượng nhất của rừng quốc gia đó, kích thước hộ chiếu ngang dọc 10*15 cm. Nội dung bên trong có giới thiệu chung các vườn quốc gia về diện tích, thời gian thành lập… Sau đó, có phần giới thiệu riêng đặc trưng cho mỗi vườn quốc gia ở từng trang, kèm theo khoảng không để đóng dấu khi du khách đến vườn quốc gia nào đó; có bản đồ các vườn quốc gia dạng gấp và nhiều thông tin khác.
Du khách có thể mua hộ chiếu qua mạng hoặc mua khi tới một vườn quốc gia cụ thể với giá thường khoảng 10 đô la Mỹ (tương đương 240.000 đồng Việt Nam); tổ chức cấp hộ chiếu đa phần là cơ quan quản lý các vườn quốc gia của chính phủ hay hiệp hội các vườn quốc gia. Ở Việt Nam, cơ quan quản lý trực tiếp các vườn quốc gia là Cục Lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cũng có Hiệp hội Các vườn quốc gia – khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam.
Khi đến vườn quốc gia, du khách xuất trình hộ chiếu tại trung tâm thông tin, nhân viên sẽ đóng dấu xác nhận hoặc cung cấp nhãn dán cho trang tương ứng. Du khách có thể sử dụng hộ chiếu để tham quan các điểm du lịch trong vườn quốc gia, có thể đóng dấu logo lên từng điểm tham quan trong vườn quốc gia đó nếu có trang sơ đồ tham quan các điểm/tuyến của vườn quốc gia.
Mỹ và Thái Lan là hai quốc gia áp dụng hộ chiếu vườn quốc gia có hiệu quả trong mục tiêu tăng cường ý thức bảo vệ môi trường, quảng bá văn hóa giáo dục cộng đồng, xúc tiến hoạt động du lịch, tạo nguồn thu bền vững cho các khu rừng đặc dụng.
Thí điểm “Hộ chiếu Vườn quốc gia” của Việt Nam cũng không khác là bao, tức khuyến khích người dân, du khách tăng cường khám phá, trải nghiệm và nuôi dưỡng ý thức bảo vệ, phát triển rừng, nhằm thực hiện mục tiêu phát triển giá trị đa dụng của rừng, hình thành cơ chế tài chính bền vững, tạo đà cho các vườn quốc gia thu hút sự quan tâm của cộng đồng.
Trong giai đoạn đầu, dự kiến hộ chiếu vườn quốc gia của Việt Nam được áp dụng tại 34 vườn quốc gia trong 167 vườn quốc gia, khu bảo tồn của cả nước. Khách du lịch trong nước và quốc tế có thể sở hữu hộ chiếu bằng hình thức bản giấy hoặc hộ chiếu điện tử, cùng chính sách khuyến khích như du khách trải nghiệm đủ 34 vườn quốc gia của Việt Nam trong thời hạn 5 năm sẽ có một chuyến du lịch tới hang Sơn Đoòng ở Quảng Bình.
Tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam hơn 42%, cao hơn mức bình quân của thế giới (31%) và diện tích rừng tự nhiên hơn 10 triệu héc ta. Cả nước hiện có khoảng 60 vườn quốc gia, khu bảo tồn đang tổ chức du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với rừng, mang về doanh thu hàng trăm tỉ đồng mỗi năm. Nhiều vườn quốc gia hiện là điểm đến hấp dẫn của du khách như Cúc Phương, Phong Nha – Kẻ Bàng, Bạch Mã, Núi Chúa, Cát Tiên, Mũi Cà Mau…
Bộ trưởng Lê Minh Hoan trong phần đầu bài viết từng hy vọng hộ chiếu vườn quốc gia của Việt Nam sẽ xây “chiếc cầu” nối con người đến với thiên nhiên, để mang rừng về gần đô thị hơn. Hy vọng sẽ có nhiều người Việt đến với rừng, không phải là con số 3 triệu mà là 5 triệu, 10 triệu người đến với rừng mỗi năm, để sau đó tự hào mở cuốn hộ chiếu ra khoe với bạn bè, con cháu những khu rừng, những thác nước mà mình đã đến, những trung tâm cứu hộ động vật hoang dã trong rừng mà mình đã ghé thăm.
Hồng Văn
(KTSG Online)
- Triển khai Luật Thủ đô năm 2024 vào cuộc sống: Tăng tính chủ động trong việc chỉnh trang đô thị
- PPP liệu có khởi sắc hơn?
- Nguồn lực đầu tư 10 năm không đổi, mô hình nào để ĐBSCL đi lên?
- Sử dụng đất kết hợp đa mục đích – liệu có khả thi?
- Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh: Kết hợp hài hòa giữa công nghiệp, dịch vụ và bảo tồn di sản văn hóa độc đáo
- Chuyện cái nhà vệ sinh ở điểm đến hàng đầu Đông Nam Á
- Thiếu nhà khiến lao động không mặn mà ở lại thành phố
- Bảo dưỡng cây xanh đô thị thế nào là hợp lý?
- Để giữ vị thế, vùng Đông Nam bộ cần tái cấu trúc mô hình tăng trưởng
- Quan trọng là quản lý thống nhất dữ liệu đất đai