Về mặt kiến trúc, Hà Nội được coi là một thủ đô đẹp. Trong đó, kiến trúc Pháp đóng một vai trò to lớn cạnh kiến trúc cổ thuần Việt và kiến trúc Trung Hoa. Một số công trình Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ trước như bảo tàng Lịch sử, Nhà hát lớn Hà Nội, phủ Toàn quyền (nay là phủ Chủ tịch), dinh Thống sứ (hay Bắc Bộ phủ), khách sạn Métropole Hà Nội hay viện Pasteur… vẫn được coi là những công trình tiêu biểu của Hà Nội hiện nay.
Khách sạn Métropole Hà Nội hơn trăm năm trước. Ảnh: TL
Người Pháp trong thời gian trăm năm trước đã biết sử dụng một cách khôn khéo khi pha trộn kiến trúc Đông – Tây. Vốn nổi tiếng với tư duy duy lý, bố cục chặt chẽ, chức năng rõ ràng xuyên suốt qua các công trình kiến trúc, họ rất nhạy cảm khi thấu hiểu vẻ đẹp phương Tây khác với vẻ đẹp phương Đông. Đến Việt Nam, họ vẫn mang tính chất không gian hợp lý, duy lý nhưng vẫn tìm những hình ảnh mang dáng dấp phương Đông. Bảo tàng Lịch sử là một ví dụ: do một kiến trúc sư người Pháp thiết kế, nhưng ta có thể bắt gặp ở đây những mái ngói, con sơn, hoa văn trang trí… Xu hướng đó rất nên tiếp tục. Vì nó tạo nên hình ảnh đặc thù, dân tộc, truyền thống của người Việt.
Người ta hay nói kiến trúc tại Hà Nội, đa số người dân thích bắt chước làm theo nhà Pháp cổ. Tại vì những công trình kiến trúc trên dưới trăm năm tuổi đó đã là một hình ảnh đẹp, trong khi nhắc đến kiến trúc hiện đại người ta chưa thấy những hình ảnh thay thế. Những điều đó rồi sẽ thay đổi theo thời gian… Đây là nỗi khắc khoải không phải của riêng cá nhân mỗi người mà là sự lo lắng và quan tâm của tất cả những ai yêu quý Hà Nội, trong đó có tôi. Bởi vì sự gìn giữ và bảo tồn luôn phải là một công tác thường xuyên và liên tục. Khi mà Hà Nội đang được sở hữu tới hàng trăm công trình kiến trúc Pháp cổ thì tôi cho rằng khối lượng công việc bảo tồn là rất lớn và cần thiết.
- Ảnh bên : Khách sạn Sofitel Metropole (ngày nay) - phố Ngô Quyền
Ngoài những công trình lớn như phủ Chủ tịch, Nhà hát lớn, ngân hàng Quốc gia, bảo tàng Lịch sử, bảo tàng Cách mạng thì khu Ba Đình với những biệt thự theo phong cách châu Âu đến nay vẫn được chăm chút giữ hầu như nguyên vẹn. Tuy nhiên, ở một số khu vực phố Tây khởi đầu từ Bờ Hồ đến Nhà hát lớn hay dọc các tuyến phố Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Phan Chu Trinh, Ngô Quyền… thì từ năm 1994 khi tôi lần đầu đặt chân tới, đi dọc vỉa hè nhìn vào, đã thấy nhà cửa lụp xụp, cơi nới và lấp ló. Thế nên thời điểm đang tôn tạo Nhà hát lớn, một nhà báo Pháp hỏi tôi “Làm thế nào để Hà Nội đẹp?” – tôi đã nói: “Muốn Hà Nội đẹp thì chỉ đập bớt chứ không xây!”
Ở khu vực phố cổ của Hà Nội, việc bảo tồn về mặt kiến trúc cũng không phải là vấn đề đơn giản, bởi những vướng mắc cần giải quyết trong vấn đề hạ tầng, dân cư… Một điều gây ấn tượng mạnh mẽ khi tôi lần đầu đến Hà Nội là tại khu phố cổ đông đúc, đôi khi bừa bãi, đôi khi hỗn độn; phố vừa là nơi sinh hoạt vừa là chợ, hàng hoá bày kín vỉa hè không theo một trật tự nào… nhưng đó là cái chất riêng của phố cổ, không thể nói là đẹp, nhưng nếu thay đổi thì sẽ có một vẻ đẹp khác chứ không phải là vẻ đẹp hiện có.
Một điều nữa, nếu giữ kiến trúc mặt tiền của khu phố cổ Hà Nội, thì rất khó do Hà Nội chỉ có những ngôi nhà cổ, đền, chùa rải rác trong các khu phố cổ chứ không có một khu phố cổ thực sự như ở các nước, do vậy chỉ có thể bảo tồn riêng lẻ từng công trình. Khác với phố Tây, với những hình ảnh liên tục về một không gian kiến trúc…
Tôi cho rằng, với một thủ đô ngàn năm tuổi như Hà Nội, không tránh khỏi sự giao thoa của các nền văn hoá, các hình thức kiến trúc khác nhau và không nên nghĩ rằng cần phải chọn lấy một hình thức kiến trúc nhất định, đặc biệt cho riêng nó. Điều này không khả thi vì mỗi thời đại cho người ta một hình ảnh về một nền kiến trúc khác nhau. Không thể định hình hay áp đặt một phong thái nào cũng như không thể lấy mô hình ở khu vực trung tâm Hà Nội hiện nay để nhân lên cho Hà Nội đã được mở rộng gấp nhiều lần về mặt địa lý, không gian.
Điều đó có nghĩa, có những khu phố cần bảo tồn như những viên ngọc quý cần tồn tại cùng thời gian, và những khu phố mới mang tính hiện đại… Vấn đề là không việc gì phải sợ hãi cho diện mạo Hà Nội trong tương lai vì có làm như trên mới tạo được sự phong phú về phong cách cho một thành phố. Điều quan trọng là phải quy hoạch được cái gì, ở đâu, như thế nào.
KTS Hồ Thiệu Trị
KTS Hồ Thiệu Trị được biết đến với nhiều giải thưởng uy tín về kiến trúc tại Pháp. Trở về Việt Nam năm 1995, sau khi cải tạo, nâng cấp thành công Nhà hát lớn Hà Nội, ông đã chủ trì nhiều phương án kiến trúc mang tâm huyết nghề nghiệp và tình yêu đối với thủ đô. Tình yêu đó cũng là lý do để ông chia sẻ những suy ngẫm khi nhắc đến “phố Tây” và xa hơn nữa, là những vết tích của văn hoá phương Tây trong đời sống của Hà Nội và phong cách người thủ đô. >> |
>>
- Tư duy sai về nhà cho người thu nhập thấp
- Dự án của người nghèo
- Xót xa biệt thự hoang Đà Lạt
- Để Hà Nội “đẹp và duy nhất”
- Hà Nội sẽ ra sao ngày sau?
- Tôn tạo di tích thành nhà Mạc ở Tuyên Quang: vi phạm Luật Di sản
- Minh bạch hóa thị trường bất động sản
- Biến di tích 400 tuổi thành... 1 ngày tuổi!
- Ngõ nhỏ phố nhỏ mai này
- Quy hoạch đợi quy hoạch chi tiết