Ashui.com

Thursday
Oct 31st
Home Tương tác Góc nhìn Hà Nội trong mắt chuyên gia nước ngoài

Hà Nội trong mắt chuyên gia nước ngoài

Viết email In

Hà Nội cần giải pháp gì tạo đột phá để phát triển bền vững sau cột mốc 1.000 năm là câu hỏi được chúng tôi đặt ra với nhiều học giả, chuyên gia trong và ngoài nước. 

Giáo sư William S.Logan (ĐH  Deakin, Melbourne, Úc - ảnh bên), là người đã nghiên cứu về Hà Nội từ hơn 20 năm nay. Cuốn sách Hà Nội, tiểu sử một thành phố của ông mới được dịch sang tiếng Việt. Ông nói:

- Hà Nội là một thành phố tuyệt vời và cũng là một thành phố rất đặc biệt ở châu Á. Đó cũng là lý do vì sao du khách quốc tế tìm đến đây. Nhưng nếu Hà Nội cũng phát triển trở thành một đô thị hiện đại kiểu như một số thành phố trong khu vực thì tôi chắc rằng Hà Nội sẽ không có gì để hấp dẫn khách du lịch nữa. Điều mà tôi thấy đáng quan ngại nhất là xu hướng biến Hà Nội trở thành một siêu đô thị. Điều đó sẽ dẫn đến sự quá tải cho Hà Nội về nhiều mặt, môi trường sống có thể sẽ trở nên tồi tệ trong một tương lai gần.

* Nếu được mời tư vấn cho việc phát triển Hà Nội, ông sẽ đưa ra các lời khuyên như thế nào?
 
- Tôi cho rằng chính quyền sẽ phải suy nghĩ rất nghiêm túc và rõ ràng về những lợi thế của Hà Nội so với các địa phương khác. Các chiến lược phát triển thành phố cần phải dựa trên những đặc điểm đó. Cần lưu ý, phát triển Hà Nội không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn có những yếu tố khác cần phải dựa vào như: xã hội, văn hóa... Khi một đô thị ở các nước đang phát triển bắt đầu phình ra người ta sẽ thường quan tâm đến việc làm thế nào để kiếm được nhiều tiền thay vì chú ý đến môi trường sống của mình. Và đó sẽ là sự khởi đầu cho những thảm họa.

Quan điểm cá nhân của tôi cho rằng điều làm nên sự khác biệt của Hà Nội là sự pha trộn, đan xen giữa những nét cổ kính của một đô thị nghìn tuổi với những yếu tố hiện đại. Hệ thống hồ nước và cây xanh của Hà Nội làm cho thủ đô các bạn đẹp và giá trị hơn nhiều thành phố khác ở châu Á. Giữ gìn những giá trị như vậy của Hà Nội là điều cần nhìn nhận một cách hết sức nghiêm túc.

Điều mà tôi thấy mừng là hiện nay các tòa nhà cao tầng hầu hết chỉ được xây dựng ngoài khu phố cổ, đó là một cách tiếp cận tốt. Hà Nội vẫn sẽ được hiện đại hóa, phát triển, có những tòa nhà hiện đại cùng lúc vẫn giữ được những không gian lịch sử của thành phố.

20 năm trước khi tôi tới Hà Nội, thủ đô của các bạn chưa hiện đại nhưng khá đẹp, thanh bình. Hà Nội  bây giờ giàu có hơn, hiện đại hơn nhưng cũng ô nhiễm và ồn ào hơn. Tôi cũng gặp nhiều người từng sống ở Hà Nội nhưng nay đã chuyển tới các đô thị khác nhỏ hơn nhưng trong lành, ít hối hả và cuộc sống cũng ít áp lực hơn. Đó cũng là một hiện tượng đáng suy nghĩ.  

Trường Sơn (thực hiện) 

"Mấu chốt của một thành phố sống tốt là môi trường xã hội tốt, và theo tôi, Hà Nội là một trong những thành phố của VN có môi trường xã hội khá tốt. Nhưng tôi cũng thấy vấn đề của các bạn hiện nay là các không gian công cộng, các công viên đang bị đe dọa và tư nhân hóa.

Hà Nội phải tự lựa chọn mô hình cho mình, và muốn thế, các nhà làm quy hoạch phải trả lời trước câu hỏi: Xây dựng thành phố cho ai, vì ai? Tôi đơn cử như việc xung quanh Hà Nội đang xây dựng rất nhiều thành phố vệ tinh, các thành phố ấy dành bao nhiêu khu nhà ở cho người thu nhập thấp, bao nhiêu không gian công cộng, những khu vực cho người dân sở tại...? Khuyến cáo của tôi là muốn xây dựng Hà Nội thành thành phố sống tốt, nhà quản lý phải đáp ứng được các tiêu chuẩn như có nhiều không gian mở, không gian công cộng, quy mô về con người, giữ gìn được văn hóa địa phương, được xây dựng bởi chính người dân chứ không phải các tập đoàn nước ngoài.

Bởi lẽ, xây dựng các thành phố công cộng hoàn toàn không phải mối quan tâm của các nhà đầu tư, vì họ không được sinh lợi gì từ việc làm đường hay công viên
" - Giáo sư Michael Douglass (ảnh bên), Trung tâm Nghiên cứu toàn cầu hóa, Khoa quy hoạch vùng và đô thị, ĐH tổng hợp Hawaii, Mỹ.

Nguyên Phong 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo