Tạt vào quán ăn, gọi tô mì tôm, phục vụ bê ra bảo là miến. 2 tô giá 25 tệ, tương đương 80 nghìn đồng. Tô mì có mấy lát thịt bò, nhánh xà lách, không rau thơm, không hành, tiêu, ớt, chanh mà sẫm mùi dầu mỡ, mùi thuốc bắc. Phải như bên ta, bỏ ra từng ấy tiền ăn uống như thế bị mắng như chơi. Để ý, dân bên này không bao giờ ăn rau thơm, ớt, tỏi, chanh. Chợt thèm bát phở khói nghi ngút lấp xấp những hành, mùi vài lát ớt tươi bên mình.
- Ảnh bên : Giữa thiên đường cũng ấm lòng khi có hai từ Việt Nam. (Ảnh: Quốc Khánh)
Bấy giờ thì phố đã nhộn nhịp như nêm. Tất cả các cửa hàng đều mở toang như thể vừa bấm nút tự động. Khách đâu cứ như từ trên trời rơi xuống, dưới đất chui lên. Điều đặc biệt ở chỗ, thấy toàn dân châu Á, tìm được anh Tây mũi lõ mắt xanh quá khó.
Và, không phải ai cũng đến “thiên đường” này đây để mua sắm. Có người ngồi trên ghế đọc báo, có đôi bạn trẻ tán tỉnh nhau cười rúc rích. Rất nhiều người nối nhau vào tiệm bánh Quảng Châu. Có mấy cụ già thi nhau chụp ảnh bên chiếc đồng hồ nước có từ thời nhà Minh. Một khung cảnh yên bình, nhẹ nhàng, trái ngược với sự hối hả của một Quảng Châu thay đổi từng ngày ngoài kia. Đấy mới là ý nghĩa của phố đi bộ đích thực. Chợt cảm giác như được giải tỏa được mọi căng thẳng, thấy mình bình đẳng hơn giữa dòng người như mắc cửi.
Tôi ngó mắt quá lớp kính chịu lực để nhìn xuống tường thành cũ của thành Quảng Châu qua các thời kỳ. Nằm sâu dưới lòng đất khoảng 1,5m là những vết tích của một con đường cổ được lát bằng đá tuy thủ công nhưng sắc sảo. Bạn vừa bước ra từ một trung tâm mua sắm, đập ngay vào mắt “lối xưa xe ngựa” hẳn cũng bâng khuâng nhớ về một thời văn hóa Lĩnh Nam vàng son.
Những trung tâm mua sắm hiện đại hòa quyện cùng hồn xưa nét cũ, được hướng vào khuôn khổ an ninh cực tốt, phố xá sạch sẽ như trong nhà bạn, dịch vụ chuyên nghiệp, ai mà không quyến luyến khi rời nơi này. Tất nhiên, để rời được chốn này thì trong ví đã tốn không ít tiền.
Không khỏi liên tưởng về phố đi bộ ở ta: Hàng Đào - Hàng Ngang - Hàng Đường - Đồng Xuân. Chẳng hy vọng vào cao xa, chỉ cần phố đi bộ nhà ta bớt đi sự nhếch nhác, buôn bán chụp giật là mừng lắm rồi.
Phố đi bộ là mô hình không gian giao tiếp công cộng, được coi là một địa điểm đặc trưng của đô thị. Nó phản ánh không chỉ vấn đề quy hoạch và kiến trúc đô thị, mà còn liên quan đến xã hội học, bảo tồn di sản văn hoá, phát triển thương mại và du lịch. Không hài hòa được những yêu cầu đó, đặc biệt ý thức của người dân bản địa chẳng xem phố là của chung, thì dễ trở thành phố đi... quậy lắm!
Chào Beijing Lu, tôi vẫn còn trở lại bởi lòng đã bị thôi thúc vậy rồi.
NGỌC HÒA
Tin mới hơn:
- Đất và lòng người
- Một Hà Nội "chọc trời" trong mắt người nước ngoài
- Trăn trở việc bảo tồn di sản của Thăng Long - Hà Nội
- Tham nhũng đất đai
- Bãi biển Nha Trang bị xếp hạng “tồi nhất”: Thêm cơ hội để nhìn lại mình
Tin cũ hơn:
- Người dân tham gia vào quy hoạch đô thị… chỉ là hình thức
- Bất động sản "giáng" cú đòn vào đồng nội tệ?
- Chính quyền thiếu kiên quyết, dân thi nhau lấn chiếm đất
- Hà Nội dừng hàng loạt dự án: Chưa có tiêu chí... vẫn rà soát
- Thiên tai và tái nghèo