Bộ Xây dựng vừa đề xuất Chính phủ cho phép lập Quỹ Tiết kiệm nhà ở, với mục đích giải bài toán về chỗ ở cho hàng triệu người lao động. Theo đề xuất của Bộ, Quỹ Tiết kiệm nhà ở sẽ được xây dựng giống như hình thức bảo hiểm xã hội và mức đóng góp dự kiến từ 1 - 2% tổng tiền lương hằng tháng của người lao động.
Hiện nay, người lao động hưởng lương đang phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp, ngoài ra còn phải đóng thuế thu nhập cá nhân, chưa kể bao nhiêu khoản đóng góp khác ít nhiều cũng tròm trèm 10% lương trở lên, hoặc tương đương với một vài ngày lương. Trong tình hình lạm phát, tăng lương không theo kịp tăng giá này thì những khoản đóng góp trên là không nhẹ nhàng chút nào với người lao động.
Theo Bộ Xây dựng, với hơn 9 triệu người lao động đang hưởng lương hiện nay, chỉ cần góp 1% số lương mỗi tháng, hằng năm quỹ sẽ có không dưới 10.000 tỷ đồng, góp phần đáng kể để cải thiện chỗ ở cho người dân. Bài tính thoạt nghe rất đơn giản, nhưng sự thật không phải như vậy. Đối với một bộ phận cán bộ, công chức, lương chỉ là một phần nhỏ của thu nhập, 1% lương đúng là không đáng, nhưng nếu áp bài toán này cho người lao động làm trong các doanh nghiệp thì khác hẳn, khi mà lương là thu nhập chính của họ.
Đó là chưa kể người lao động còn phải đóng lệ phí cầu đường qua xăng dầu, đi đường, qua cầu đã phải nộp phí rất nhiều. Sức dân thì có hạn mà nhu cầu thì bao la, lấy đâu ra mà đóng góp nhiều như vậy?
Nhà ở cho mọi người là nhu cầu rất cần thiết, nhưng có chắc mọi việc có tốt đẹp giống như Bộ Xây dựng tính toán không, khi mà hiệu quả của bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế rồi bảo hiểm thất nghiệp như thế nào thì ai cũng đã thấy.
Lại nhớ bài học về tiết kiệm có câu: “Một đồng tuy nhỏ, nhưng là một phần của một triệu. Một triệu tuy lớn, nhưng cũng chỉ là một triệu đồng một đồng mà thôi”. Người ta chỉ nhìn thấy một vế của câu này (mỗi người đóng góp một đồng, hay 1% thì sẽ thành khoản lớn), mà không hiểu hết vế thứ 2: Cái một triệu còm cõi của người lao động, nếu ai cũng cấu vào đó thì rồi người lao động cũng chẳng còn được mấy đồng đâu!
MRKEN
>>
- Hà Nội xây dựng đề án phát triển công nghệ: giải quyết “bài toán đô thị”
- Phố cổ... bị treo
- Bảo tồn di tích ô Quan Chưởng: Người dân náo nức, giới nghiên cứu thờ ơ
- Diện mạo mới ở phía Đông Sài Gòn
- Làng biệt thự cổ kêu cứu
- Nhiều khu đô thị mới vô tư xả thải
- Cần Thơ thiếu vắng công viên...
- Người dân thành phố đối mặt với nghèo phi truyền thống
- Lao đao trung tâm thương mại thay chợ dân sinh
- Đà Lạt: tiêu điều tổng hành dinh "Hoàng triều cương thổ"
Lời bình
tin bình luận RSS của chủ đề này