Từ ngày đô thị phát triển nhanh, các khu công nghiệp mọc lên nhiều, khiến cho làng quê đã buồn lại càng buồn thêm, nhiều làng chỉ còn lại người già, người tật nguyền và trẻ con.
Đi từ đầu làng đến cuối làng tịnh không gặp một nam thanh nữ tú nào, nhìn cảnh thấy sao mà buồn quá đỗi.
Quạnh quẽ
Như nhiều dòng họ khác trong làng ở xứ trung du Bắc bộ, từ đường họ Nguyễn nhà tôi to lắm, những năm gian hai chái, hoành phi câu đối sơn son thếp vàng, lư hương chạm rồng, cặp hạc chầu bằng đồng... không thiếu món nào. Nhà có bảy đứa con, đứa nào cũng cán bộ nhà nước, xe lớn xe bé đủ cả, nhưng chả đứa nào ở lại quê lo hương khói cho các cụ. Đứa Hà Nội, đứa Sài Gòn, đứa thì định cư nước ngoài, mỗi năm về được một tẹo, thắp được nén nhang rồi lại quày quả đi biền biệt. Có vài chục đứa cháu, nhưng quê hương đối với chúng sao mà xa vời vợi, cho dù tính khoảng cách thì vẫn còn gần hơn nhiều so với Hạ Long, Đồ Sơn. Bởi vậy mà từ đường to mà có phần lạnh. Thực ra chuyện như vậy không chỉ nhà tôi mà nhiều nhà khác trong xã cũng vậy cả. Khi con trai nhổ giò, con gái ngực chũm cau là tìm mọi cách bươn về Hà Nội, đi Sài Gòn hay vào khu công nghiệp nào đó kiếm ăn. Chuyện này ngó rộng ra nữa thì chả cứ ở làng tôi mà khắp miền Bắc, miền Trung ở đâu cũng diễn ra cảnh tương tự, vì thế mà có nghề mới là nghề trông coi từ đường thuê. Vài ba ngày đảo qua một lần quét lá rụng ngoài sân, lau chùi sơ sịa bàn thờ, thắp nén nhang cho ấm nhà, trông coi ba bốn cái từ đường như vậy là có khối anh kiếm được bạc triệu, thế kể như ấm thân.
Làng quê Bắc bộ bây giờ khác xưa lắm, do qui hoạch kiểu mới mà dăm bảy con đường trục cắt dọc, ngang qua xã, ai cũng muốn có măt tiền cho nên lũy tre bao quanh làng không còn nữa. Lúc trước mỗi làng chỉ có một còn đường trục to nhất và duy nhất chạy xuyên từ đầu làng đến cuối làng cho nên đầu làng mới có cổng làng, có cây đa, giếng nước đầy tình tứ. Nay tứ bề có đường vào làng nên chẳng còn biết đâu là đầu đâu là cuối làng nữa. Lần lần những biểu tượng làng quê không còn. Mai này chúng chỉ còn trong tâm tưởng của người định cư ở nước ngoài lâu lắm lắm không về quê, hay họa chăng chỉ còn trong cao dao, cổ tích.
Ở Việt Nam có một vài kiểu nhà được coi là kiến trúc truyền thống tiêu biểu nhất và được ghi vào trong từ điển kiến trúc như nhà rường miền Trung, nhà sắp đọi Nam bộ, còn Bắc bộ có loại nhà một gian hai chái, ba gian hai chái, có hàng hiên rộng gần bằng lòng nhà làm nơi tiếp khách thân tình, nhà bao giờ cũng nằm ở giữa, trước sân gạch sau vườn cây và được vây quanh bằng hàng rào dâm bụt, xương rồng. Đô thị hóa như vết dầu loang, lan tới đâu là loại nhà này tự dưng biến mất, bây giờ ở nông thôn nhà nào cũng hình ống, đổ mái bằng, tường xi măng chường sát mặt đường cho ra dáng văn minh.
Mất hồn
Xem ra công cuộc đô thị hóa không chỉ giáng những đòn chí tử vào thị dân mà còn xuống cả những làng xã truyền thống. Đám cưới, đám ma, làm nhà, giỗ chạp trước kia tự mình làm lấy, đám nào to có bà con chòm xóm xúm vô giúp mỗi người một tay. Nay tất tần tật khoán cho dịch vụ là xong hết, chả phải mó tay làm gì. Đến khóc cha mẹ cũng có những đội khóc thuê cực kỳ chuyên nghiệp. Muốn ai khóc ai cũng có bài đáp ngay tắp lự miễn là có tiền, càng lắm tiền càng ngân nga ai oán. Tiền ít thì lời ngắn nhưng cũng xướng đủ tên thứ bậc trong họ mạc. Ngày tết người dân cũng không còn xăng xái chạy qua thăm nhau như trước nữa, cũng chả còn mấy nhà mổ lợn, gói bánh chưng. Nhiều phong tục cổ truyền cứ nhạt dần, mà có tổ chức cũng chả có mấy ai tham gia. Nói là quê chứ bây giờ cái gì cũng có, nhiều trẻ con chăn trâu cũng có điện thoại di động bấm nhoay nhoáy. Hỏi có chơi đánh khăng, đánh bi, đánh đáo, pháo đất nữa không, chúng cười khì nói bác cứ như người giời, bây giờ chơi điện tử chứ ai còn chơi mấy cái đồ nhà quê ấy nữa.Có lần tôi sang Hàn Quốc, mấy vị giáo sư đưa đi thăm một làng truyền thống rộng lớn lắm, thấy chỗ này mấy bà mặc bộ đồ hanbok làm món kim chi “quốc hồn quốc túy”, chỗ kia mấy ông hí hoáy nặn bình bằng đất, chỗ khác nữa mấy cô mấy bà ủ men rượu Sochu, nhưng té ra là “làng giả” cả thôi, làng thật còn đâu nữa. Hàn Quốc đô thị hóa nhanh quá, chỗ nào cũng lên thành phố, hơn nửa dân số đổ về Seoul sinh sống. Vào cái thời cả nước giàu lên nhờ làm hàng gia công cho quân đội Mỹ thì chỗ nào cũng khu công nghiệp, khu chế xuất. Nhưng rồi đến thời công nghệ cao thì nhiều thành phố công nghiệp không có việc làm, lúc ấy mới ngã ngửa ra là không có tủ lạnh, máy giặt không chết ai nhưng không có lương thực, thực phẩm thì nguy to. Tất tần tật Hàn Quốc phải nhập từ nước ngoài, thịt bò từ Úc, lúa mì, trái cây từ Mỹ, thậm chí củ cải làm kim chi cũng nhập từ Trung Quốc. Để sửa chữa sai lầm, chính phủ Hàn Quốc tài trợ lớn, dụ dân quay trở về làm nông nghiệp, nhưng không ai muốn cả, xem ra khi đã là thị dân thì khó lòng mà trở về làm nông dân. Tình trạng này cũng đã diễn ra ở Nhật Bản, nhiều làng rất hoành tráng, nhưng bị bỏ hoang không có người ở. Hoàn toàn chính xác khi các nhà nghiên cứu nói rằng thế kỷ XXI là thế kỷ của đô thị, do vậy mà rất nhiều thứ sẽ chỉ còn thấy trong viện bảo tàng và những “làng giả cổ” mà thôi. Hôm nay, những ai chịu khó nhặt nhạnh những cái liềm, cối xay lúa, vại làm tương thì sẽ có cơ trở thành tỉ phú vào ngày mai.
Đã có lần tôi đứng xem một đám rước thành hoàng làng mà thấy xót xa, những người khiêng kiệu không ai còn trẻ. Lưng còng, tóc bạc giữ “nếp quê” còn được bao lâu nữa?
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa - Trưởng khoa Đô thị học và quản lý đô thị, Đại học Quốc gia TPHCM
- Phố cổ Hà Nội không phải chỉ có kiến trúc cổ
- Quần thể di tích cổ giữa rừng bị đe dọa
- Cùng với dự án giãn dân phố cổ Hà Nội, cần có ngay giải pháp bảo tồn
- Tầm nhìn quy hoạch Thủ đô
- Từ Angkor Wat nghĩ về Việt Nam
- Hà Nội: Khó di dời hàng nghìn hộ dân khỏi phố cổ
- Không thể né tránh mãi vấn đề đất đai
- Phí dịch vụ chung cư: Đã đến lúc cần chế tài quản lý
- Cấp phép xây dựng: Hết thời xin - cho
- TP.HCM: thêm nhiều tòa nhà vươn tầm cao