Một lượng vốn khổng lồ (khoảng 190 tỷ USD) đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô sẽ được huy động trong 10 năm tới nhằm cụ thể hoá Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bản Quy hoạch tổng thể này sẽ là cơ sở để Hà Nội xây dựng một Thủ đô văn minh, hiện đại, xứng tầm quốc tế. Tuy vậy, việc thực hiện quy hoạch đang đặt ra những thách thức không nhỏ, bởi Hà Nội sẽ phải cùng một lúc thực hiện nhiều mục tiêu lớn, với khối lượng công việc khổng lồ.
Chưa nói đến đặc thù là một trung tâm chính trị, văn hóa của cả nước, chỉ nói riêng phát triển kinh tế, bản Quy hoạch kỳ vọng đưa Hà Nội sớm trở thành một trung tâm kinh tế đầu tàu của cả nước, trong đó sẽ tập trung đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao. Bản Quy hoạch còn tập trung xây dựng nội thành Hà Nội là trung tâm thị trường hàng hóa bán buôn; khuyến khích phát triển các loại hình dịch vụ như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm…
Chưa hết, trong bản Quy hoạch, Hà Nội sẽ khuyến khích phát triển công nghiệp phụ trợ, các ngành công nghiệp chủ lực như cơ khí, điện tử với hàng chục cụm, khu công nghiệp lớn… Hà Nội cũng tập trung phát triển nhanh một số ngành, sản phẩm công nghiệp có tính chất dẫn đường như công nghệ thông tin, công nghệ chế tạo khuôn mẫu…
Như vậy, nếu Hà Nội cùng một lúc đặt tham vọng quá lớn, đặt quá nhiều mục tiêu, nhiệm vụ mà chưa tính toán đến lợi thế cạnh tranh, chưa ưu tiên phát triển ngành kinh tế mũi nhọn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội thì nhiều khả năng, đó sẽ là một "điệp vụ bất khả thi".
Ở đây, cũng cần nhìn lại mục tiêu cơ bản của bản Quy hoạch là xây dựng một Hà Nội đẹp, văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước, đảm bảo là trung tâm chính trị, văn hóa, khoa học, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống… Vì vậy, cần định hướng phát triển kinh tế của Hà Nội không phải hướng theo số lượng, đa ngành và lĩnh vực nào cũng là lĩnh vực mũi nhọn, mà cần thiết lựa chọn một số ngành kinh tế phù hợp với điều kiện, đặc thù của Thủ đô.
Từ trước tới nay, người dân Thủ đô đã nghe quá nhiều chuyện liên quan tới quy hoạch xây dựng Hà Nội, như quy hoạch xây dựng đường trên cao và cầu vượt, chuyện "bóc rồi lại lát" vỉa hè, "ngăn rồi mở" ngã tư, chuyện chưa mưa đã ngập… Thực trạng đó cho thấy, công tác quy hoạch của Hà Nội thời gian qua chưa có tầm nhìn xa, chưa đồng bộ, chưa mang tính kế thừa…
Xây dựng một Thủ đô Hà Nội hiện đại, văn minh, xứng tầm quốc tế là mong mỏi của không chỉ riêng người dân Hà Nội, mà còn là kỳ vọng của người dân cả nước. Hy vọng rằng, Hà Nội sẽ thực hiện triệt để, đồng bộ quy hoạch tổng thế đã được phê duyệt, tránh để xảy ra tình trạng quy hoạch treo cục bộ như một số địa phương trong thời gian qua.
Hữu Tuấn
- Gầm cầu: đẹp và xấu
- Phát triển đô thị Hà Nội: Báo động sự mất cân đối
- Phố cổ Hà Nội không phải chỉ có kiến trúc cổ
- Quần thể di tích cổ giữa rừng bị đe dọa
- Cùng với dự án giãn dân phố cổ Hà Nội, cần có ngay giải pháp bảo tồn
- Từ Angkor Wat nghĩ về Việt Nam
- Làng sạch bóng tre
- Hà Nội: Khó di dời hàng nghìn hộ dân khỏi phố cổ
- Không thể né tránh mãi vấn đề đất đai
- Phí dịch vụ chung cư: Đã đến lúc cần chế tài quản lý