Ashui.com

Saturday
Apr 27th
Home Tương tác Góc nhìn Gia tài của đất mẹ thiên nhiên

Gia tài của đất mẹ thiên nhiên

Viết email In

Hành động vì môi trường là cách duy nhất để chúng ta có thể bảo vệ gia tài của đất mẹ thiên nhiên.

Câu tục ngữ “Để cho con một rương vàng không bằng một quyển sách” phản ảnh văn hóa của dân tộc Việt Nam trong việc thừa kế. Tuy nhiên, hiện nay câu nói này chỉ có giá trị tương đối. Ngày trước một gia đình được đánh giá qua nhiều đời nhưng nay, ngoài những giá trị căn bản, sự đánh giá còn dựa vào nhiều tiêu chuẩn khác. Thực tế chứng minh rằng những gia đình gìn giữ được sự phồn thịnh và danh tiếng lâu dài là những gia đình biết để lại cho con cháu học thức và đạo đức.

Đối với một quốc gia, vấn đề tương tự cũng được đặt ra. Sự phồn vinh kinh tế và sức mạnh quân sự đã không đủ để giúp cho Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn cũng như các nước Ả Rập bảo vệ cho nền văn minh của họ được tồn tại. Nếu không có nền văn hóa vững chắc dựa trên những giá trị đạo đức thì khi kinh tế suy yếu, quốc gia sẽ dễ bị suy vong. Dù bị những cuộc chiến tranh ở thế kỷ XX tàn phá kiệt quệ, châu Âu và Nhật vẫn bảo tồn được nền văn hóa của mình. Đó là nhờ họ đã xây dựng được một nền văn minh khá mạnh để bảo vệ chúng. Dân tộc Nhật đã truyền cho thế giới những tinh thần căn bản của xã hội như kỷ luật, tương thân tương trợ…, thể hiện qua trận động đất và sóng thần hồi tháng 3/2011. Một dân tộc được thừa hưởng những giá trị văn hóa như vậy sẽ luôn luôn là một dân tộc vững vàng trong mọi biến cố.

Gia tài thế giới

Tác giả bài viết đã có cơ hội đi nhiều nước trên thế giới trong khuôn khổ nghề nghiệp hay du lịch cùng gia đình. Mỗi chuyến đi đều để lại cho tác giả nhiều ấn tượng và kỷ niệm khó quên về phong cảnh thiên nhiên, ẩm thực cũng như con người, văn hóa và xã hội. Gia tài mà nhân loại thừa hưởng từ thiên nhiên và từ bao nhiêu thế hệ trước thật là vĩ đại và muôn màu muôn vẻ.

Ngoài những gia tài được các thế hệ trước để lại như các di tích lịch sử, công trình kiến trúc và các tuyệt tác âm nhạc, hội họa, văn chương…, thiên nhiên cũng cho chúng ta những bức tranh hùng vĩ như Grand Canyon ở Mỹ, thác Niagara ở Canada, vịnh Hạ Long ở Việt Nam… hay thơ mộng và huyền bí của những đêm mặt trời không ngủ ở Na Uy.

Không bao giờ tôi quên được màu đỏ hồng kỳ lạ của mặt trời ban đêm làm thay đổi cảnh sắc của thiên nhiên khiến chúng ta khó cảm nhận được ngày hay đêm. Tôi cảm thấy mình trở nên lạc lõng vì mất các điểm mốc của không gian và thời gian.

Tôi cũng không quên được phong cảnh thanh bình ở Hà Lan với hàng chục cối xay gió màu trắng nằm rải rác trên tấm thảm vàng của ruộng lúa mì, xuyên qua là con rạch có vài đứa bé và các cặp tình nhân đang đùa chơi dưới nước. Không gian êm đềm khiến tôi thấy tâm hồn mình thanh thản. Lúc đó tôi cảm thấy những làn gió nhẹ như người nhạc trưởng điều khiển những cánh quạt già quay chầm chậm, những cọng lúa hát rào rạt và những vạt áo bay phấp phới rất gợi tình của các cô gái Hà Lan đạp xe qua cầu giống như bức tranh của trường phái ấn tượng.

Để lại gì cho các thế hệ sau?

Thiên nhiên đã cho chúng ta những tuyệt tác, thế mà chúng ta đang phá hủy chúng. Nửa sau của thế kỷ XX, con người không còn tôn trọng môi sinh nữa, chỉ nghĩ đến phát triển kinh tế bằng mọi cách. Các loại phân bón hóa học, chất độc thải ra từ các nhà máy đã phá hủy sự quân bình của môi trường. Bao nhiêu dòng sông thơ mộng, nơi hò hẹn của nhiều thế hệ, đang trở thành những dòng nước độc tiêu hủy sự sống.

Là buồng phổi của trái đất, rừng cũng bị phá hủy nhằm phục vụ cho những ham muốn của con người. Sự tàn phá rừng là một trong những nguyên nhân chính gây biến đổi khí hậu và điều nguy hiểm là tình trạng chặt phá rừng bừa bãi ngày càng trở nên không thể kiểm soát được. Mỗi ngày thế giới mất 20.000 ha rừng, mỗi năm mất 7,3 triệu ha rừng. Lời cảnh báo này được đưa ra tại Hội thảo về Quản lý Bền vững và Hợp tác vì sự phát triển, được tổ chức tại Tây Ban Nha vào năm 2006. Tại Việt Nam, theo kết quả của Viện Điều tra và Quy hoạch rừng (1995), trong 20 năm từ 1975 đến 1995, diện tích rừng tự nhiên giảm 2,8 triệu ha. Nếu tiếp tục như thế này, con cháu chúng ta sẽ được thừa hưởng một quả đất không có màu xanh như các bức ảnh được chụp từ vệ tinh.

Trái đất cũng cho ta những nguồn năng lượng quý như dầu mỏ. Thế nhưng, việc khai thác bừa bãi đã khiến nguồn tài nguyên này ngày một cạn kiệt. Bên cạnh đó, việc sử dụng các loại nhiên liệu hóa thạch đã gây ra hiện tượng nhà kính góp phần làm cho trái đất ấm lên và dẫn đến hiện tượng băng tan ở Bắc cực, làm giảm đất sinh sống, trong khi dân số thế giới được dự báo sẽ tăng từ 7 đến 10 tỉ người vào cuối thế kỷ này.

Phí phạm cũng là nguồn gốc của nạn thiếu nước đang đe dọa nhiều quốc gia trên thế giới. Mức sống người dân càng tăng, số lượng trang thiết bị gia đình giúp việc sử dụng nước được dễ dàng càng nhiều thì nước càng bị lãng phí. Theo số liệu của Liên hiệp Quốc, người châu Âu hiện nay tiêu thụ nước sinh hoạt gấp 8 lần ông bà của họ. Tính trung bình, một người dân Sydney sử dụng 1.000 lít nước sạch mỗi ngày, một người Mỹ sử dụng 600 lít và một người châu Âu tiêu thụ từ 100 đến 200 lít. Tại một số quốc gia đang phát triển, mức tiêu thụ nước của mỗi người dân chỉ khoảng 20 lít mỗi ngày.

Thế giới bị đe dọa thiếu nước ngọt để con người sinh sống, trồng trọt và chăn nuôi. Hơn 1/3 dân số thế giới đang sống trong các khu vực mà nhu cầu về nước ngọt ngày càng trở nên cấp thiết. Đến năm 2025, con số này có thể sẽ tăng gấp đôi. Đây là dự báo đã được công bố trên Tạp chí Khoa học, số ra ngày 5/8/2011.

Nhân ngày Tết, tôi hy vọng tất cả mọi người, ở mọi tầng lớp xã hội, không phân biệt tuổi tác sẽ cùng tham gia vào việc bảo vệ môi sinh, bảo vệ trái đất và quê hương của mình. Tôi cũng mong những người có trách nhiệm trong mọi lĩnh vực sẽ làm tất cả để cho “phát triển bền vững” không chỉ là một khẩu hiệu mà còn là một nguyên tắc hành động.

Tôi xin dùng câu viết của một văn sĩ Thụy Điển để kết thúc bài này: “Nếu con người không có chỗ đứng cho thiên nhiên thì thiên nhiên cũng không có chỗ đứng cho con người”.

TS. Khương Quang Đồng 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo