Các nền kinh tế mới nổi tăng trưởng nhanh ở châu Á đang phải vật lộn với bài toán hóc búa do chính sự bùng nổ này mang lại: những dòng người dân nông thôn đổ xô đến các thành phố và cuối cùng rất nhiều người trong số họ lại phải sống trong những khu ổ chuột.
Theo dữ liệu khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB), có khoảng 55% dân số đô thị sống trong các khu ổ chuột ở Campuchia, 43% ở Mông Cổ, 41% ở Myanmar, và 38% ở Philippines. Tỉ lệ này là hơn 20% ở Việt Nam, Trung Quốc và Indonesia, những nước nằm trong số các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Trên một số phương diện, những quốc gia này đã trở thành nạn nhân của chính sự thành công của nó trong bối cảnh đô thị hóa xảy ra một cách ồ ạt, nơi mà việc di cư lên thành thị đang vượt quá khả năng cung cấp cơ sở hạ tầng và dịch vụ cần thiết của chính phủ. Tại những nơi như Manila và Jakarta, những nhà ở bất hợp pháp hoặc không được quy hoạch đã bùng phát và mọc lên như nấm để cung cấp nhaf ở cho hàng triệu người lao động làm giàu cho nền kinh tế.
Khu ổ chuột tại Cebu, Philippines (Ảnh: Bloomberg)
“Những khu ổ chuột mọc lên là bằng chứng cho thấy nền kinh tế đang phát triển và cơ hội thường tập trung ở các thành phố,” Makiko Watanabe, một chuyên gia cao cấp về đô thị của World Bank cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại Manila. “Nhưng các chính phủ không thể theo kịp để cung cấp đầy đủ nhà ở. Cần phải cải thiện chính sách sử dụng đất và làm cho giá nhà đất trở nên phải chăng hơn.”
Các nước đang phát triển có thể nhìn sang thành công của các quốc gia như Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản, những quốc gia cũng phải vật lộn với những khu ổ chuột trong quá khứ, Watanabe cho biết. Tại Singapore, chính phủ đã biến thành phố này từ một thị trấn phần lớn là nông thôn với những khu dân xâm chiếm nhà ở thành một thành phố quốc tế hiện đại như hiện nay bằng cách xây dựng những khu nhà giá rẻ.
“Nếu có ý chí chính trị, điều đó có thể thực hiện được,” Watanabe nói.
Một chiến lược khác là tăng cường các trung tâm đô thị bên ngoài các thành phố thủ đô chính bằng cách xây dựng trường học, bệnh viện, đường cao tốc và sân bay nhằm khuyến khích đầu tư, bà cho biết. Từ Bắc Kinh đến Bangkok, chính phủ đang cố gắng đối phó để đảo ngược sức hút của các thành phố thủ đô đã thu hút phần lớn lượng người lao động và đầu tư. Tại Phlippines, điều này đồng nghĩa với việc phân bổ một phần của cải tập trung ở Manila, một khu đô thị với khoảng 22 triệu người, chiếm hơn một phần ba nền kinh tế đất nước.
“Nếu bạn thành công trong việc xây dựng các trung tâm kinh tế khu vực, bạn có thể phân tán được dân số,” Watanabe cho biết.
Cần phải thay đổi quan điểm rằng cư dân khu ổ chuột là gánh nặng cho chính phủ và cho xã hội, Watanabe nhấn mạnh.
“Họ là người lao động làm rất nhiều công việc cần thiết ở thành phố, họ tạo ra rất nhiều cơ hội kinh tế nhưng họ không được quan tâm một cách đúng đắn vì họ nằm trong những lĩnh vực kinh tế phi chính thức,” bà nói thêm. “Nhưng thực tế thì họ chính là xương sống của nền kinh tế.”
Cẩm Anh
(DĐDN /Theo Bloomberg)
- 6 dự án xây dựng lớn nhất châu Á trong năm 2017
- Kinh nghiệm từ Thâm Quyến
- Đô thị thông minh nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương
- Kinh nghiệm phát triển nhà ở xã hội trên thế giới
- Những thành phố ma khổng lồ ở Trung Quốc
- Các nhà hàng đạt chứng nhận Công trình xanh LEED của Mỹ
- Đèn giao thông trên vỉa hè ở Hà Lan
- Amsterdam - Kinh nghiệm phát triển bền vững
- Hệ thống tàu điện, xe lửa trên đường phố châu Âu
- Transjakarta - hệ thống xe buýt nhanh hiệu quả của Indonesia