Vancouver (Canada) hiện đã là một trong những thành phố xanh trên thế giới, đây là một ví dụ điển hình về quy hoạch đô thị đáng để nhiều quốc gia trên thế giới học tập.
Nằm ở bờ biển Thái Bình Dương của tỉnh British Columbia, Vancouver là thành phố lớn thứ ba và cũng là hải cảng quan trọng nhất của Canađa. Đây cũng là thành phố lý tưởng nhất để sống trên thế giới theo đánh giá của Tạp chí Econmomist (Anh) dựa trên các tiêu chí như cơ sở hạ tầng, hàng hóa, dịch vụ, mức độ an toàn…
So với các thành phố khác có cùng quy mô, Vancouver được đánh giá cao trong việc kiểm soát lượng khí thải CO2 và duy trì chất lượng không khí, một phần nhờ sự quan tâm của thành phố trong việc thúc đẩy năng lượng xanh và ưu tiên phát triển thủy điện. Vancouver cam kết giảm lượng phát thải 33% vào năm 2020.
Trong năm 2008, Vancouver có lượng phát thải CO2 là 4,6 tấn/người - mức thấp nhất ở Bắc Mỹ và mức thấp thứ ba so với các thành phố phát triển trên toàn thế giới. Đến năm 2020, mục tiêu Vancouver trở thành "thành phố xanh nhất thế giới" bằng cách thực hiện nhiều sáng kiến bền vững.
Trong khi các thành phố khác đang tiếp tục mở rộng các con đường và gia tăng lượng xe cộ, Vancouver vẫn kiên trì theo đuổi cuộc sống đô thị bền vững. Trong đó, phải kể đến sự thay đổi trên đảo Granville, một bán đảo thân thiện dành cho người đi bộ, nơi có các chợ cộng đồng và các hoạt động nghệ thuật lớn.
Nhiều khu phố khác ở Vancouver cũng rất thân thiện với môi trường, với nhiều tuyến đường xe đạp như Đại lộ số 10 phía Tây. Người dân thường xuyên sử dụng xe đạp, xe máy điện và xe đạp một bánh. Có 2 giải pháp chính làm cho Vancouver trở thành một thành phố ngày càng bền vững hơn, bao gồm: ứng dụng các chương trình/dự án hướng tới bảo vệ môi trường và thực hiện các sáng kiến Vanguard để năm 2020 để trở thành một mô hình điển hình cho tất cả các thành phố khác trên thế giới.
Thực tiễn phát triển bền vững tốt nhất của Vancouver gồm: Các dải cây xanh được phối kết và sử dụng theo hành lang; Trạm trung chuyển Surrey; Trạm xử lý nước cống tràn; Tiết kiệm gas tại các nhà máy xử lý nước thải.
Các dải cây xanh được phối kết và sử dụng theo hành lang là một sáng kiến vươn tới bền vững cho các khu giải trí, bảo vệ môi trường sống, giao thông công cộng và các tiện nghi khác. Các đường ống nước, đường điện, đường cho xe đạp và đường đi bộ được kết hợp với dải cây xanh nối liền các không gian trống cho con người.
Việc xây dựng các thiết bị quản lý chất thải là bộ phận quan trọng nhất của dự án, với trách nhiệm quản lý chất thải. Những chương trình này đã tái chế phần lớn rác thải xây dựng, hơn 80% được tái chế và 15% được sử dụng lại làm chất đốt. Phần lớn cây xanh tự nhiên được chăm sóc và trồng lại, số còn lại được dùng làm lớp bảo vệ cho cây mới trồng.
Để quản lý vệ sinh nước cống tràn do rò rỉ hoặc nước mưa khi có mưa bão, chính quyền vùng Vancouver đã có sáng kiến xây dựng trạm thu gom nước tràn, đây là hệ thống đầu tiên ở Bắc Mỹ. Hệ thống hoạt động tự động nhằm thu nước cống tràn vào trạm thu khi mưa bão, sau đó đẩy ngược trở lại trạm bơm. Nét đặc biệt của thiết kế bền vững còn là việc sử dụng vật liệu bền vững, một khối lượng lớn bê tông trộn được tái chế và việc sử dụng cây xanh tự nhiên để chống trôi cho đất mặt.
Vùng đông nam False Creek là một vùng dân cư đặc biệt tại Vancouver. Năm 1991, Hội đồng thành phố Vancouver chấp nhận thách thức trong việc chuyển đổi một khu công nghiệp ở đông nam False Creek thành một cộng đồng bền vững. Khu vực này đã thực hiện nhiều thay đổi lớn trong 20 năm qua, chủ yếu là liên quan đến xã hội và môi trường.
Đó là sự chuyển đổi hướng tới sự công bằng xã hội, năng động, sinh thái và thịnh vượng, thúc đẩy sự tương tác xã hội giữa các công dân. Thương mại và dịch vụ được nằm trong khoảng cách ngắn sao cho người dân có thể đi bộ đến đó từ khu dân cư và từ nhà đi đến khu làm việc có thể đi bằng giao thông công cộng. Hệ thống giao thông công cộng của khu vực được kết nối với tất cả các khu dân cư lân cận với không gian mở, công viên, đường phố và các con đường thiết kế cho người đi bộ, người đi xe đạp và giao thông công cộng. Từ quan điểm phát triển bền vững xã hội, ở đây đã đầu tư vào sự phát triển nhà ở giá cả phải chăng theo tỷ lệ bền vững cao nhất thế giới. Tất cả các tòa nhà được xây dựng trên vùng đất này cần ít nhất một chứng nhận LEED bạc và họ đang hướng tới mức LEED vàng.
Tái phát triển của khu vực đông nam Creek có thể coi là một dự án thí điểm tiên phong về việc triển khai các sáng kiến bền vững. Đó là thực tế khá quan trọng để hình thành Vancouver như ngày nay bởi vì phát triển bền vững đã được hình thành trong đầu những năm 90. Tuy nhiên, Vancouver gần đây đã thông qua một kế hoạch đầy tham vọng và hướng tới kế hoạch hành động Thành phố Xanh: Kế hoạch hành động năm 2020.
Kế hoạch này được chia thành 10 mục tiêu để đạt được tính bền vững như: kinh tế xanh, đối phó với BĐKH, công trình xanh, giao thông xanh, ZERO chất thải, tận dụng tối đa thiên nhiên, tôn trọng môi trường, nước sạch, không khí trong lành và sử dụng thực phẩm địa phương.
Để có một nền kinh tế xanh, Vancouver nhằm mục đích tăng gấp đôi số lượng việc làm xanh vào năm 2020 và tăng gấp đôi số lượng của các công ty tích cực tham gia vào các sáng kiến xanh vào năm 2020 so với năm 2011. Để làm như vậy, thành phố có kế hoạch phát triển việc làm xanh và có kế hoạch thành lập Vùng doanh nghiệp Xanh - khu vực có mật độ cao của các ngành công nghiệp xanh. Một nửa số việc làm mới dự kiến sẽ diễn ra trong lĩnh vực công trình xanh.
Vancouver có mục đích trở thành một thành phố tiên phong trong công trình xanh. Để làm được điều đó, chính phủ yêu cầu tất cả các tòa nhà sẽ tuân theo những quy định mới rất khắc nghiệt. Ngoài ra, Vancouver muốn loại bỏ sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và đang đặt mục tiêu trở thành tiên phong trên thế giới trong chính sách khí hậu. Vancouver đã giảm phát thải khí nhà kính từ năm 90 và đang hướng tới để giảm bớt khoảng 33% vào năm 2020.
Muốn chủ động trong lĩnh vực giao xanh, Vancouver đặt 2 mục tiêu chính là hướng tới 50% dân số đi bộ, đi xe đạp hoặc giao thông công cộng và giảm sử dụng xe cơ giới 20%. Để làm như vậy, thành phố sẽ cải thiện chất lượng và sự an toàn của cơ sở hạ tầng cho cả người đi bộ và người đi xe đạp. Thành phố sẽ hỗ trợ giao thông công cộng và giao thông hoạt động trong đô thị để đảm bảo sự tiện lợi cho người sử dụng. Bên cạnh đó, còn có sáng kiến chất thải bằng 0 đầy tham vọng vào năm 2020. Thành phố sẽ phát triển các chương trình giáo dục về tầm quan trọng của việc giảm chất thải và những biện pháp để hướng tới mục tiêu.
Như vậy, Vancouver là một thành phố tiên phong cho các thành phố bền vững và không ngừng phấn đấu để ngày càng hoàn thiện hơn nữa, xứng đáng là ví dụ điển hình cho toàn thế giới học tập.
- Tài liệu tham khảo: Vancouver Green City; Most Sustainable City
Khánh Phương
(Báo Xây dựng)
- Cháy chung cư tại Anh: Khi tương phản giàu nghèo bộc lộ
- Cận cảnh 19 dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ làm thay đổi thế giới
- Giải pháp cho một thế giới khát nước
- Bên trong Apple Park - sản phẩm lớn nhất, tuyệt vời nhất và cuối cùng của Steve Jobs
- Các mô hình đô thị mới ở Đông Nam Á
- Công cuộc lấp biển mở đất của Singapore
- Những thành phố "chưa ra đời" ở Trung Quốc
- Kỹ thuật xây dựng xanh cổ xưa giúp giảm khủng hoảng nhà ở
- 6 dự án xây dựng lớn nhất châu Á trong năm 2017
- Kinh nghiệm từ Thâm Quyến