Ashui.com

Monday
Jan 06th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Ngăn ngừa tội phạm qua thiết kế kiến trúc

Ngăn ngừa tội phạm qua thiết kế kiến trúc

Viết email In

Kiến trúc sư Oscar Newman cho rằng kiến trúc của ngôi nhà có thể giúp ngăn ngừa tội phạm.

Ông Oscar Newman, Viện Quy hoạch và Nhà ở, Đại học New York, so sánh hai khu nhà cùng thuộc quận Brooklyn, thành phố New York là tòa Van Dyke Homes và tòa Brownsville Homes. Hai khu đối diện nhau và có nhiều điểm tương đồng về số hộ nhận trợ cấp chính phủ, số gia đình ly hôn, thu nhập trung bình, và mật độ dân cư. Tuy nhiên, người dân tòa nhà Van Dyke bị trấn lột và đột nhập nhiều hơn.


Dải kim loại hình răng cưa trên thành vườn hoa ngăn người ngồi lên trên.
(Ảnh: The New York Times)

Ông Newman lý giải, tòa nhà Brownsville Homes có 6 tầng, mỗi hành lang chỉ có 3-4 hộ gia đình nên có cảm giác khá riêng tư. Ngược lại, Van Dyke Homes là tập hợp vài tòa nhà 14 tầng với thiết kế hành lang dài, hàng ngày nhiều người qua lại.

Thiết kế của Brownsville Homes cho phép cư dân biết rõ ai là người lạ mặt, còn Van Dyke khiến họ xa lạ với nhau. Cảnh sát cũng gặp khó khăn hơn khi đi tuần tại tòa nhà Van Dyke.

Với kết luận trên, kiến trúc sư cho rằng đặc điểm kiến trúc có thể ảnh hưởng tới an ninh của khu dân cư. Dựa vào đó, từ thập niên 1970, ông bắt đầu xây dựng lý thuyết về ngăn ngừa tội phạm thông qua thiết kế kiến trúc (gọi tắt là CPTED). Hiện, CPTED được áp dụng vào trên nhiều thành phố trên thế giới, theo The Conservation.

CPTED có một số nguyên tắc chủ yếu sau:

Giám sát tự nhiên: Vì tội phạm thường gây án tại nơi có thể dễ ẩn náu hoặc trốn thoát, nếu tăng tầm nhìn của chủ nhà và người qua đường cũng có thể khiến chúng cảm thấy như đang bị quan sát, bóc mẽ.

Với nguyên tắc này, chủ nhà cần đảm bảo khu vực xung quanh được chiếu sáng, đặc biệt nên để lối vào luôn sáng đèn, có tầm nhìn thông thoáng từ cả trong lẫn ngoài. Xung quanh nhà hoặc tòa nhà không nên có bụi cây và hàng rào cao có thể tạo ra điểm mù hoặc nơi ẩn trốn. Cửa sổ nên hướng ra vỉa hè hoặc bãi đỗ xe.

Kiểm soát nơi ra vào: Để kiểm soát dòng người qua lại, toà nhà có thể chỉ tạo một lối ra vào và giới hạn đường đi của khách thông qua cách sắp xếp rào chắn, chiếu sáng...

Bảo trì: Nếu được vệ sinh, tu bổ thường xuyên, toà nhà sẽ gửi đi thông điệp gia chủ hay người dân nơi đó rất quan tâm và để ý tới xung quanh, từ đó dễ khiến kẻ xấu e ngại.

Nguyên tắc này liên quan tới lý thuyết tội phạm học "cửa sổ vỡ" - học thuyết cho rằng kẻ xấu có xu hướng tiếp tục phá hoại nếu người dân không sớm sửa khung cửa sổ vỡ đầu tiên của một tòa nhà vì đây là dấu hiệu cho thấy không ai quan tâm, là "lời mời gọi" tội phạm.

Một số nghiên cứu cho thấy CPTED nếu được áp dụng hợp lý có thể mang lại thành công. Ví dụ, nghiên cứu năm 2000 tại Mỹ cho kết quả số vụ cướp tài sản đã giảm từ 30 xuống 84% sau khi áp dụng.

Tương tự, tại Anh, một số nghiên cứu cho thấy tội phạm giảm mạnh sau khi chính quyền ứng dụng nguyên tắc CPTED. Ví dụ, xây nhà đối diện nhau, dùng hàng rào có khe hở, sắp đặt cây cối để chủ nhà có tầm nhìn tối đa. Tội phạm ăn trộm tại cửa hàng bán lẻ cũng giảm sau khi độ cao quầy hàng được giảm để nhân viên quan sát dễ dàng hơn.

Dù ban đầu được đúc kết từ kiến trúc nhà, chung cư, CPTED cũng có thể được áp dụng cho khu vực công cộng. Ví dụ, để ngăn ngừa hành vi lảng vảng, ngủ nơi công cộng, và trượt ván, thành phố New York đã cho lắp dải kim loại hình răng cưa trên vỉa hè và hàng rào.


Chiếc ghế ở khu Camden, thành phố London (Anh) có thiết kế ngăn việc ngồi lâu.
(Ảnh: Indesignlive)

Khu Camden, thành phố London còn chuyển sang dùng loại ghế đá có bề mặt nghiêng để chống ngồi lâu và nằm ngủ.

Tuy nhiên, một số người cho rằng các biện pháp này là không cần thiết và chỉ để gây khó khăn cho lớp người dễ bị tổn thương (ví dụ người vô gia cư); khiến người dân không còn muốn sử dụng không gian công cộng và nếu làm sai cách sẽ làm tăng tội phạm, giảm chất lượng cuộc sống.

Quốc Đạt

(VnExpress /Theo The Conservation, New York Times, The Guardian)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...