Theo chuyên gia, kiểm soát việc thuê các căn hộ chia nhỏ chỉ là bước đầu tiên, không phải giải pháp lâu dài cho vấn đề nhà ở sâu rộng của Hong Kong (Trung Quốc).
Khủng hoảng nhà ở từ lâu đã là vấn đề cấp bách đối với Hong Kong - một trong những thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới, theo SCMP.
Trong bối cảnh thiếu nhà ở giá rẻ, thời gian chờ đợi để được thuê nhà ở công cộng trung bình là 5,8 năm. Do đó, nhiều hộ gia đình có thu nhập thấp không còn lựa chọn nào khác ngoài việc sống trong các căn hộ chia nhỏ (SDU) với điều kiện sống tồi tàn và giá thuê cao.
Bức ảnh chụp tháng 5/2020 cho thấy tòa nhà dân cư mới và cũ ở khu New Territories, Hong Kong. (Ảnh: AFP)
Giải pháp ngắn hạn
Chính quyền Hong Kong đã ban hành Dự luật Chủ nhà và Người thuê 2021 (hợp nhất, sửa đổi) để bảo vệ lợi ích của người thuê SDU, đồng thời áp đặt quyền kiểm soát đối với các đơn vị SDU. Việc sửa đổi có thể được thông qua và công bố vào đầu năm 2022.
Dự luật là hành động táo bạo nhằm bảo vệ quyền lợi của ít nhất 226.000 người thuộc các gia đình có thu nhập thấp đang sống trong khoảng 110.000 SDU khỏi bị thiệt thòi hoặc buộc phải chuyển đi vì tiền thuê tăng mạnh. Đó chỉ là bước đầu tiên, không phải là giải pháp lâu dài cho vấn đề nhà ở sâu rộng của thành phố.
Dự luật được kỳ vọng cung cấp mạng lưới an toàn cho những người thuê SDU với thời hạn bảo đảm 4 năm. Với hợp đồng thuê đầu tiên được cố định trong thời hạn 2 năm, tiền thuê chỉ có thể giảm xuống và không tăng lên. Ngoài ra, người thuê SDU có thể chấm dứt hợp đồng thuê nhà bằng cách thông báo trước một tháng trong vòng 12 tháng đầu tiên.
Đồng thời, chủ nhà không được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng trong thời gian đó. Họ cũng không được yêu cầu người thuê SDU trả bất kỳ khoản tiền nào ngoài tiền thuê, đặt cọc, hoàn trả phí tiện ích hoặc bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, một số kẽ hở tiềm ẩn trong các biện pháp bảo vệ việc thuê nhà này có thể bị chủ nhà lợi dụng. Ví dụ, tiền thuê ban đầu có thể được tăng lên đáng kể để đạt được lợi nhuận mục tiêu của họ trong thời gian thuê được đảm bảo.
Bên cạnh đó, các điều khoản thuê nhà có thể được thương lượng lại sau khi kết thúc thời hạn bảo đảm 4 năm mà không có bất kỳ giới hạn nào về số lượng gia tăng. Do đó, người thuê SDU sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi việc tăng giá thuê tùy ý do chủ nhà áp đặt.
Bên trong căn hộ chia nhỏ ở Hong Kong chỉ đủ cho một người sinh hoạt. (Ảnh: Benny Lam /Photography of China)
Cần bổ sung
Về nguyên tắc, dự luật là chính sách phúc lợi xã hội nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người thuê SDU với tư cách là người tiêu dùng. Nó tập trung vào việc xử lý trước những bất ổn tài chính của người thuê SDU, thay vì cải thiện điều kiện sống của họ.
Do đó, dự luật không phải là chính sách về nhà ở vì hầu hết vấn đề cơ bản như an toàn cháy nổ, vệ sinh và môi trường sống vẫn chưa được giải quyết.
Với những hạn chế của dự luật, ông Alnwick Chan, giám đốc điều hành các dịch vụ chuyên nghiệp của Công ty tư vấn bất động sản Knight Frank, đề nghị đưa các điều khoản bổ sung vào hợp đồng thuê nhà tiêu chuẩn để đảm bảo việc tuân thủ các quy định liên quan đến an toàn cháy nổ, vệ sinh công cộng và tòa nhà.
Các điều khoản này phải đảm bảo rằng điều kiện sống của những SDU sẽ được nâng lên thành tiêu chuẩn có thể sống được. Bất kỳ SDU nào không đáp ứng tiêu chuẩn sẽ bị cấm, có thể sau một thời gian gia hạn.
“Chúng tôi cũng khuyến nghị rằng nên tiến hành rà soát để xem xét hiệu lực của pháp lệnh, khi được sửa đổi, đặc biệt là sau thời hạn ấn định 2 năm đầu tiên khi hợp đồng thuê được gia hạn”, ông nói.
Dự luật chưa thể giải quyết hầu hết vấn đề cơ bản như an toàn cháy nổ, vệ sinh và môi trường sống cho cư dân trong các SDU. (Ảnh: Lam Yik Fei /The New York Times)
Giá thuê các SDU tăng vọt ở Hong Kong được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố khác nhau, đặc biệt là việc thiếu nhà ở giá rẻ. Mặc dù dự luật đóng vai trò như biện pháp ngăn chặn ngắn hạn, ông Alnwick Chan đề xuất rằng các biện pháp dài hạn như tăng nguồn cung nhà ở chuyển tiếp và trợ cấp cũng nên được thực hiện để thực sự giải quyết tận gốc cuộc khủng hoảng nhà ở.
Hiện tại, theo ông Chan, nguồn cung nhà ở chuyển tiếp chủ yếu do khu vực công thúc đẩy, với sự tham gia hạn chế của khu vực tư nhân. Do đó, ông đề xuất rằng các biện pháp khuyến khích tài chính, như trợ cấp chi phí vốn và các phương án rút lui, nên được xây dựng để thu hút sự tham gia rộng rãi hơn của khu vực tư nhân.
Ngoài ra, theo vị giám đốc, nên rút ngắn thời gian phê duyệt quy hoạch đối với các ứng dụng liên quan đến nhà ở chuyển tiếp và nhà ở trợ cấp để tăng tốc hơn nữa nguồn cung.
“Chúng tôi hiểu rằng mọi chính sách đều có hạn chế. Chúng tôi tin rằng cả chính quyền và các tổ chức phi lợi nhuận sẽ nỗ lực để cung cấp hướng dẫn đầy đủ cho những người thuê SDU về các quyền và lợi ích của họ theo luật, đồng thời ngăn chặn mọi kẽ hở có thể bị lợi dụng”, ông nói.
Thiên Nhi
(Zing.vn)
- Những tòa nhà chọc trời bằng bùn giữa lòng Yemen
- Thành phố mang lại ánh sáng cho người khiếm thị ở Đức
- Bỉ sẽ xây dựng đường cao tốc dành cho xe đạp
- Giá nhà ở toàn cầu tăng vọt
- Ain Dubai - Vòng quay lớn nhất thế giới được xây dựng thế nào?
- Lorong Buangkok - Làng quê cuối cùng còn sót lại giữa lòng Singapore
- Lagos - thành phố đông dân nhất châu Phi có nguy cơ bị nhấn chìm
- Cách sống chung với lũ của người dân Bangladesh
- EVA Studio thiết kế cải tạo cầu thang công cộng ở Tripoli để gắn kết cộng đồng
- Những khoảng xanh hiện đại và ấn tượng trên thế giới