Anh bạn sống ngay trong phố cổ Pezenas, miền Nam nước Pháp, khoe đã đến Hội An, Hà Nội rồi và thắc mắc, các phố cổ ở Việt Nam vẫn còn lẫn lộn kim cổ quá!
Ngay từ bên ngoài chiếc cổng vòm được xây bằng những phiến đá ong từ thế kỷ XIV, một anh chàng người Pháp, đầu đội chiếc mũ kiểu các chàng cao bồi miền Tây nước Mỹ, biết chúng tôi đến từ Việt Nam, cứ níu lấy và say sưa giới thiệu về Việt Nam. Chúng tôi buông vài câu xã giao và vội chào để tản bộ qua chiếc cổng vòm vào phố cổ, bắt đầu chuyến khám phá của mình. Nhưng anh bạn mới quen vẫn chưa chịu buông. “Tôi đã đến Việt Nam 2 lần rồi đấy, đất nước các bạn có nhiều xe gắn máy quá”, anh ta nói. “Mà này, phố cổ Hội An của các bạn cũng đẹp, tôi thích, nhưng thiếu tiện nghi”, anh lại gọi giật khi chúng tôi đã đi cách xa anh gần chục mét. “Đồ ăn Việt Nam ngon lắm!”…
Ảnh phải: Tác giả với những người Pháp gốc Việt tình cờ gặp ở Pezenas
Những con phố nhỏ hẹp quanh co. Những cửa tiệm bán nước hoa, xà bông cục, kẹo bánh được làm thủ công. Những phiến đá ong nham nhám mát dịu. Và sự nồng nhiệt chất phác của người làm du lịch tại đây. Tất cả đã gây cho tôi cảm giác là lạ, tò mò và thích thú về cá tính, không gian một thành phố cổ tuyệt đẹp ở miền Nam nước Pháp: Pezenas thuộc tỉnh Herault.
Phố cổ Pezenas được hình thành từ thế kỷ thứ X, khi một số ngôi làng thời trung cổ của vùng này bắt đầu phát triển mạnh về kinh tế. Nơi đây được coi là trung tâm thương mại sầm uất của vùng và hằng năm luôn có những lễ hội hoành tráng. Đến cuối thế kỷ XV, Pezenas trở thành thủ phủ của vùng Languedoc. Lịch sử đổi thay, ngày nay Pezenas được biết đến như phố cổ du lịch còn lưu giữ những làng nghề thủ công, phục vụ du khách.
Nhà viết kịch vĩ đại nhất thế kỷ XVII Molière (Pháp) đã đến đây sống một thời gian trong 13 năm viết và lưu diễn về các tỉnh lẻ của ông. Mollière được biết đến như nhà thơ, nhà viết kịch, là người sáng tạo ra thể loại kịch cổ điển và được coi như nhà hài kịch vĩ đại nhất của thế kỷ XVII. Những kiệt tác nổi tiếng của ông như: Anh chàng ghét đời, Lão hà tiện, Trưởng giả học làm sang…
Tản bộ qua những con phố nhỏ uốn lượn quanh co, bất chợt chúng tôi nhìn thấy một ngôi nhà cổ treo bảng hiệu: “Nhà của ông chủ tiệm hớt tóc cho nhà viết kịch vĩ đại Molière”. Bên cạnh nhà lưu niệm này còn có cửa tiệm bán áo quần với những bộ đồ biểu diễn hài thời Trung cổ.
Tạm dừng chân trước quảng trường Molière, tận hưởng không khí se lạnh khi trời đang về chiều. Nếu trên đường đến Pezenas, ngang qua bờ biển Sète, chúng tôi chứng kiến từng đoàn xe hơi từ miền Bắc nước Pháp, thậm chí từ Anh, Đức, đổ về biển Địa Trung Hải để hưởng cái nắng, cái gió của biển và núi mùa hè của vùng đất này thì tại Pezenas, không gian yên ắng, như đang chậm rãi trôi. Nằm kẹp giữa 2 dòng lưu chuyển không khí từ biển Địa Trung Hải lên và từ vùng núi xuống, nên không khí ở Pezenas mát mẻ quanh năm, nhiệt độ không quá 14 độ C và hoa cỏ xanh tươi cả 4 mùa.
Pezenas cũng níu chân khách lạ bởi khung cảnh quyến rũ, kiến trúc cách điệu và các loài hoa được điểm xuyết trên mỗi ngõ xóm, nóc nhà, ô cửa sổ, bậc cửa… dân dã và dễ thương. Trên những con đường lát đá nhỏ nhắn, uốn lượn quanh co đẹp như một cung đàn nhiều cung bậc được xây dựng từ thế kỷ XIV, chúng tôi tình cờ gặp 4 ông bà người Pháp có quê ngoại và nội ở Việt Nam từ thế kỷ XIX. Họ vui mừng ra mặt khi biết chúng tôi là những cô gái đến từ Việt Nam. Bà Paul vuốt tóc tôi và hỏi đi hỏi lại: “Có phải cháu đến từ xứ An Nam mít không? Bà ngoại của tôi ở đó và chắc là chết rồi”. Một cách dùng từ quả thật bất ngờ đối với thế hệ chúng tôi. Chúng tôi chỉ biết đến cụm từ “An Nam mít” qua sách vở. Đây là cách gọi miệt thị của người Pháp đối với xứ họ đô hộ. Những người Pháp có dính dáng gốc Việt này tỏ ra hết sức cảm tình và tò mò về quê ngoại, quê nội của họ. Tôi vui vẻ giải thích ngắn gọn cho họ về một xứ sở ở bên kia Thái Bình Dương, song thật khó để họ có thể hình dung.
Trò chuyện rôm rả, câu được câu mất, cuối cùng là tấm hình chụp chung ngồi trên bậc cửa ngôi nhà ven đường và những lời hứa gửi hình cho nhau… Chúng tôi tạm biệt họ để tiếp tục chuyến khám phá phố cổ mà mỗi góc phố, con đường như đang kể lại lịch sử của hàng trăm năm trước đó. Một số lâu đài kiến trúc thời Phục hưng đã được cải tạo thành những khách sạn lưu giữ nét văn hóa cổ tuyệt đẹp. Có thể đó là một cầu thang với tay vịn có hoa văn thời Phục hưng của khách sạn Lacoste hay ban công hẹn hò của Romeo và Juliet ngày trước tại khách sạn Carion Nizas.
Thành phố Pezenas có gần 10.000 dân với ngân sách chi cho bảo tồn hằng năm lên đến hàng triệu euro. Năm 2006, thành phố này quyết định chi đến 17,3 triệu euro để đầu tư tôn tạo và cải tạo hệ thống rút nước, xử lý nước thải và nước sinh hoạt của các làng nghề chuyên mổ heo, bò, sản xuất nước hoa... Trong đó, 10,6 triệu euro để đầu tư quản lý tôn tạo di tích cổ.
Một người bán hàng bên đường cho biết để tu sửa một cánh cửa ở nhà ông thợ hớt tóc cho Molière, họ đã “xét nghiệm” bệnh của cánh cửa, cân nhắc nên thay hay sửa, xử lý mối mọt như thế nào. Tôi sực nhớ từng đọc một bài báo vào năm 2007-2008, Cục Di sản đã thí điểm đưa công nghệ sinh học trị giá 200 triệu đồng vào xử lý mối mọt và thành công tại Hội An. Thế nhưng, đến năm 2010, Bộ Văn hóa Thông tin và Du lịch lại có công văn đề nghị tỉnh Quảng Nam tiếp tục triển khai chương trình bằng kinh phí của địa phương, Bộ chỉ hỗ trợ một phần. Và khó khăn lớn nhất của dự án này, theo một vị quản lý văn hóa tại Quảng Nam, lại là kinh phí.
Sống bằng nghề thủ công và nghệ thuật hội họa, điêu khắc, Pezenas là trung tâm buôn bán đồ cổ lớn của Pháp. Thế nhưng, tuyệt đối không thấy ở đây việc chèo kéo khách hoặc trưng bảng biển phô trương. Khi chúng tôi bước vào một cửa hàng lưu niệm, dù chỉ mua một món hàng trị giá chỉ 50 cent (14.000 đồng), hay cả 100 euro (2,7 triệu đồng), đều nhận được sự niềm nở, ân cần và thân thiện như nhau.
Pezenas đủ nhỏ để thân thiện nhưng cũng đủ lớn để tổ chức các hoạt động thương mại văn hóa cho cả vùng. Đây là nét tương đồng với Hội An. Tuy nhiên, nét khác biệt ở đây là Pezenas có những khách sạn sang trọng cổ kính, giá phòng có thể lên hàng ngàn euro với cơ sở vật chất được đầu tư hiện đại như rạp chiếu phim 3D, hồ bơi ngoài trời hiện đại và đặc biệt là trung tâm thể thao, nơi thu hút nhiều sự kiện thể thao lớn của châu Âu. Chính những yếu tố hiện đại, tiện nghi được lồng một cách tinh tế trong không gian cổ kính của Pezenas đã hấp dẫn du khách. Chỉ riêng điều đó không thôi cũng đủ phải ngả mũ trước tư duy cấp tiến trong việc bảo tồn văn hóa của vùng đất này.
Nguyên Nga
- Hợp tác công-tư trong lĩnh vực nhà ở, công trình công cộng tại Liên bang Nga
- Nhà ổ chuột tiền tỷ ở Mumbai
- Paris - thành phố được sinh viên thế giới ưa chuộng nhất
- Nền văn minh Maya có thể đã bị tiêu diệt do hạn hán
- Ấn Độ xây dựng thành phố thông minh ở Kochi
- Hé lộ siêu dự án tòa tháp Azerbaijan cao nhất thế giới
- Những thành phố phục hồi trì trệ nhất thế giới
- Nét văn hóa đặc sắc đón mừng Năm Mới ở Nhật Bản
- Khoảng tối New York trong mắt nhiếp ảnh gia kỳ dị Weegee
- Đường cao tốc đi xuyên qua tòa nhà Gate Tower ở Osaka