Ashui.com

Tuesday
Jan 21st
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Đô thị sống tốt của Copenhagen

Đô thị sống tốt của Copenhagen

Viết email In

Với mục tiêu đầy tham vọng là phải tạo điều kiện phát triển kinh tế và cơ hội tăng trưởng trong khi vẫn phải hạn chế tối đa hậu quả tiêu cực về môi trường, Copenhagen, Đan Mạch, được xem là thành phố tiên phong về phát triển đô thị bền vững. Copenhagen đã luôn luôn tính trước những khía cạnh của phát triển bền vững, trong đó việc sử dụng xe đạp là một phần của văn hóa Copenhagen.  

Quy hoạch Finger 

Trong bối cảnh chung của phát triển đô thị, Đan Mạch chứng minh về một mô hình phát triển tập trung. Quy hoạch tổng thể với tên gọi là “Finger” (tạm dịch là quy hoạch theo hình ngón tay) vào năm 1947 được lấy cảm hứng từ quy hoạch Greater London. Quy hoạch Finger biểu thị năm ngón tay đóng vai trò như là hành lang phát triển đô thị dọc theo các tuyến đường sắt để tạo ra sự trung chuyển nhanh đến khu trung tâm của Copenhagen. Quy hoạch này tập trung phát triển nhà ở, tạo công ăn việc làm, các dịch vụ công cộng, tập trung xung quanh trung tâm giao thông, chất lượng cao và các dịch vụ đường sắt nội đô. Đây là quy hoạch để tạo ra dạng đô thị nén có mật độ cao, cho phép Copenhagen phát triển theo hướng 5 dòng xuyên tâm của hành lang vệ tinh phục vụ giao thông công cộng chứ không phải theo đa hướng mở rộng ngoại thành. Hơn nữa, quy hoạch Finger đề xuất không gian giải trí ở mỗi phần giữa các khu. 

Quy hoạch Finger giao thông công cộng 

Trong những năm 90, giao thông công cộng phát triển dựa trên sự hợp tác giữa chính quyền quốc gia và khu vực và đặc biệt chú trọng đầu tư vào hạ tầng giao thông mới. Đó là việc đầu tư phát triển đường sắt vùng và ngoại ô, nâng cao chất lượng của hệ thống đường bộ, đồng thời có sự kết hợp đường cao tốc và đường hầm giữa Copenhagen và Nam Thụy Điển. Đã có nhiều khoản đầu tư lớn trong nghiên cứu, giáo dục và văn hóa. 

Copenhagen là một thành phố (TP) tiên phong trong việc công nhận các giá trị xã hội của đường dành cho người đi bộ bắt đầu từ năm 1962. Trong đó, một loạt các tuyến phố chính được dành độc quyền cho người đi bộ và xu hướng này tiếp tục được thịnh hành trong 30 năm tiếp theo. Copenhagen luôn tự hào là TP có tỷ lệ dùng xe đạp cao nhất và quả thật Copenhagen có một mạng lưới dành cho người đi xe đạp hết sức tinh tế, có thể xem là tốt nhất châu Âu trong những năm 80. Tại đây, có khoảng 35% các cuộc di chuyển được thực hiện bằng xe đạp và hiện có khoảng 90% dân số của Copenhagen sở hữu xe đạp. Hơn nữa, các sáng kiến như "làn sóng xanh" ưu tiên cho người đi xe đạp, hệ thống đèn giao thông tại hầu hết các giao điểm luôn ưu tiên vì lợi ích của người đi xe đạp. Ngoài ra, hệ thống giao thông công cộng cũng thiết kế dành cho chỗ để xe đạp, ví dụ trên con tàu và bãi đỗ xe trong ga tàu điện ngầm luôn có chỗ dành cho xe đạp, những nơi này còn được ưu tiên dọn vệ sinh tốt, tạo sự thuận tiện và cảm giác đề cao cho người sử dụng xe đạp. Copenhagen vì thế không phải ngẫu nhiên dành được tỷ lệ cao nhất về sử dụng xe đạp.

Thành phố có “văn hóa xe đạp” 

Copenhagen đã đầu tư 20 - 25% ngân sách cho đường bộ vào cơ sở hạ tầng dành cho xe đạp. TP có hàng ngàn con đường nhỏ với những thảm cây xanh vô cùng đẹp mắt, tạo cho người đi xe đạp sự thú vị đồng thời an toàn tuyệt đối. Có khoảng 35.000 điểm đỗ không gian dành cho xe đạp dọc theo đường bộ, tăng sự tiện lợi và giảm những rắc rối của việc đậu xe. Trong khi đó, chính sách loại bỏ bãi đậu xe ôtô của TP từ 2 - 3% mỗi năm được thực hiện trong nhiều thập kỷ. 

Như vậy, Copenhagen đại diện cho một chính sách quy hoạch đô thị bền vững và thông minh. Cũng giống như các TP ở Bắc Mỹ, Copenhagen cũng đã trải qua những "cuộc xâm lăng xe hơi" những năm 50, tuy nhiên họ đã thấy trước những vấn đề nghiêm trọng của nó và rất nhanh chóng chuyển sang thực hiện các chính sách giảm thiểu sử dụng xe hơi tràn ngập. Bài học kinh nghiệm từ Copenhagen chính là sức mạnh của quy hoạch TP sống tốt và bài học này có thể được áp dụng bất cứ nơi nào, bao gồm cả Việt Nam. Thay đổi quy hoạch cho giao thông công cộng trong TP cần phải xem là giải pháp ưu tiên được đặt ra từ các nhà hoạch định chính sách đô thị. 

Khánh Phương 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...