Chỉ riêng số tiền cho việc chiếu sáng công cộng, mỗi năm TPHCM phải tốn đến khoảng 180 tỉ đồng, một con số khá cao trong bối cảnh thành phố và cả nước đang nỗ lực sử dụng điện năng tiết kiệm để giảm tải và giảm chi phí.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Tất Thành Cang đã cho biết con số trên tại sự kiện “LED-Kỷ nguyên chiếu sáng mới” do Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang tổ chức ngày 31/10, tại TPHCM.
Theo ông Cang, số tiền chi hàng năm cho chiếu sáng công cộng như trên là khá lớn. Chính vì vậy, các đơn vị liên quan cần phải kiểm tra, kiểm soát công tác chiếu sáng, tìm kiếm, ứng dụng các công nghệ mới trong vận hành chiếu sáng để tiết kiệm điện. Ngoài những tuyết đường lớn, theo ông Cang các ngõ hẻm cũng cần thay đổi các thiết bị chiếu sáng công cộng để giảm chi phí và giảm tải.
Khách tham quan triển lãm bóng đèn LED trong sự kiện “LED - Kỷ nguyên chiếu sáng mới” (Ảnh: Quốc Hùng)
Trước đó, theo Trung tâm tiết kiệm năng lượng TPHCM, các thành phố lớn của Việt Nam hiện chủ yếu dùng đèn thủy ngân cao áp hoặc sodium cao áp cho hệ thống chiếu sáng công cộng. Loại đèn này tiêu thụ nhiều điện năng, hiệu suất chiếu sáng chưa cao, tuổi thọ trung bình chỉ đạt 6.000 - 18.000 giờ, chất lượng và hiệu quả sử dụng còn rất thấp.
Riêng TPHCM, hiện nay hệ thống chiếu sáng tiêu thụ hơn 162 triệu kWh điện/năm, trong đó chiếu sáng công cộng chiếm khoảng 90 triệu kWh/năm. Trong số 102.500 bóng đèn chiếu sáng công cộng hiện đang sử dụng, đèn cao áp HPS 400W chiếm 2,4%, đèn HPS 250W chiếm 39% và đèn HPS 100-150W chiếm 58,5%.
Để giảm chi phí này, theo tính toán của Trung tâm tiết kiệm năng lượng TPHCM, hiện nay xu hướng chung của thế giới là sử dụng đèn LED để thay thế cho các loại đèn cao áp trong chiếu sáng công cộng. Với giải pháp thay thế toàn bộ hệ thống đèn trên bằng đèn LED công suất 65-200W, TPHCM sẽ có tiềm năng tiết kiệm được trên 55 triệu kWh/năm, tương đương khoảng 88 tỉ đồng/năm và điều đáng chú ý khác là có thể giảm được 31 tấn phát thải CO2 vào môi trường mỗi năm.
Không chỉ thế, chi phí cho bảo trì, bảo dưỡng hệ thống chiếu sáng giảm đáng kể, tiết kiệm ngân sách cho thành phố.
Tại sự kiện trên, TS Lê Hải Hưng, thuộc Phòng thí nghiệm vật lý và kỹ thuật ánh sáng của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cũng cho rằng đèn LED hiện nay được xem là kỷ nguyên chiếu sáng mới mà chưa có công nghệ chiếu sáng khác thay thế vì loại đèn này có hiệu quả kinh tế cao như tiết kiệm chi phí năng lượng; tiết kiệm chi phí bảo trì thay thế; tuổi thọ cao; giảm thiểu tác hại tới môi trường…
Tại hội thảo trên, các chuyên gia cũng nêu ra nhược điểm của việc sử dụng đèn LED, đó là giá thành đầu tư ban đầu cao hơn so với đèn thông thường nhiều.
Tại sự kiện, Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang cũng đã trao gói tài trợ “Cùng Điện Quang bảo vệ đôi mắt trẻ thơ”, là chương trình phối hợp với Bộ Giáo dục Đào tạo tài trợ mô hình chiếu sáng chuẩn cho các lớp học mẫu giáo trên toàn quốc với tổng giá trị tài trợ là 7 tỉ đồng. "LED-kỷ nguyên chiếu sáng mới" là chuỗi sự kiện sẽ lần lượt diễn ra tại 3 thành phố lớn gồm TPHCM, Hà Nội và Đà Nẵng vào các ngày 31/10, 14/11 và 21/11/2015 nhằm mục đích thay đổi thói quen của người tiêu dùng, hướng đến việc sử dụng các sản phẩm chiếu sáng công nghệ cao. |
Hùng Lê
(TBKTSG)
- Kohler ra mắt nhãn hiệu Jacob Delafon
- Kohler và triết lý kinh doanh bền vững
- Ra mắt phần mềm tư vấn thiết kế chiếu sáng đầu tiên tại Việt Nam
- Hitachi ra mắt mẫu thang máy không phòng máy mới cho thị trường Châu Á và Trung Đông
- Hitachi trúng thầu thang máy và thang cuốn cho các nhà ga ngầm của dự án Tuyến đường sắt đô thị số 1 ở TPHCM
- Cải tiến chất lượng dịch vụ của các resort cao cấp: cần bắt đầu từ những chi tiết kỹ thuật nhỏ
- Greenvity đặt cược vào thị trường Việt với thiết bị chiếu sáng và an ninh
- Làm sao để giảm chi phí về năng lượng cho các cơ sở y tế?
- Thang máy gia đình Cibes đến Việt Nam
- Zencelo A: Sự lựa chọn mới cho ngôi nhà mơ ước