Ashui.com

Wednesday
Nov 06th
Home Chuyên mục Kiến trúc Kiến trúc xanh và những vấn đề đang tồn tại ở Việt Nam

Kiến trúc xanh và những vấn đề đang tồn tại ở Việt Nam

Tôi đã ngồi viết bài tham luận này bằng tay trong một buổi trưa oi nóng vì cúp điện ở Hà nội. Tất nhiên, thư ký của tôi sẽ đánh máy lại khi văn phòng có điện. Việc năng lượng dần cạn kiệt đang đánh thẳng vào công việc và cuộc sống hàng ngày của mỗi chúng ta. Và kiến trúc xanh sẽ là một giải pháp thiết thực và cấp bách.

Không như mọi người vẫn hình dung về một hình ảnh các khu nghỉ mát sang trọng rợp bóng cây hay các toà nhà hi-tech cực kú hiện đại, kiến trúc xanh mang đến cái lợi trực tiếp: giá điện ngày càng cao và nếu tuân thủ thiết kế theo mô hình xanh, hoá đơn tiền điện sẽ giảm rất nhiều. Chi phí y tế cũng sẽ giảm nếu thiết kế xanh, môi trường ở và làm việc sẽ giảm thiểu bụi bặm và các hoá chất độc hại.

Tuy nhiên, trong thực tế tại Việt Nam, việc triển khai nhân rộng mô hình “kiến trúc xanh” vẫn còn kém hiệu quả. Chúng ta hãy bước đầu đi tìm một vài nguyên nhân để từ đó có thể đề ra biện pháp quảng bá, khuyến khích và nhân rộng mô hình này.
xanh5.jpg xanh4.jpg

Về vật liệu xây dựng

Đây là một trong những “vướng mắc” hiện nay trong việc nhân rộng mô hình kiến trúc xanh. Một điều hiển nhiên không thể chối bỏ là: vật liệu xây dựng cho mô hình kiến trúc xanh thường có giá thành ban đầu cao vì phải đáp ứng được một số yêu cầu đặc biệt: Ví dụ như kính 2 lớp để giảm bức xạ nhiệt, tổ chức và tận dụng sự lưu chuyển năng lượng trong ngôi nhà; sử dụng cảm ứng để điều chỉnh ánh sáng đèn thích hợp, làm tường 2 lớp để ổn định và cách nhiệt…

Chúng ta đã biết, năng lượng được coi là mối quan tâm hàng đầu trong thiết kế nhà ở “kiến trúc xanh” ở hai khía cạnh. Thứ nhất, năng lượng tiêu hao để tạo ra sản phẩm sẽ phải được chọn ở mức thấp nhất. Ví dụ, một bức tường gạch có thể được đem so với bức tường kính xem cần bao nhiêu năng lượng (than, điện…), bao nhiêu vật liệu khai thác từ thiên nhiên để tạo ra bức tường gạch và kính đó. Cái nào tiêu dùng ít năng lượng hơn sẽ được chọn. Đây là vấn đề xuất phát từ ý thức của con người nhằm làm giảm tác động lên môi trường. Với xu hướng đó, trên thế giới người ta ngày càng dùng nhiều bê tông nhẹ chịu lực cao, gia tăng sử dụng các vật liệu mới. Công nghệ vật liệu mới cũng cho phép sử dụng kết cấu mới có kích cỡ nhỏ, ít chiếm chỗ hơn kết cấu bê tông cốt thép kiểu cũ. Điều này cho phép dành nhiều không gian hơn cho nhu cầu ở và sinh hoạt, khoảng trống, mảng xanh trong nhà... Và tất nhiên, suất đầu tư ban đầu sẽ lớn hơn hẳn với nhà thông thường cùng loại.

Thứ hai, năng lượng tiêu hao để vận hành sử dụng toà nhà cũng sẽ được xem xét từ trong quá trình thiết kế. Đây là vấn đề phức tạp trong việc giải quyết. Các thiết bị tận dụng năng lượng trực tiếp từ thiên nhiên như nắng, gió… trước đây gặp trở ngại vì giá thành thường cao. Tuy nhiên hiện nay, việc ứng dụng đã khả thi hơn nhờ công nghệ có bước đột phá, giá thành giảm. Chẳng hạn như pin mặt trời trước đây chỉ có hiệu suất 25% (biến 25% năng lượng mặt trời chiếu xuống một đơn vị diện tích tấm pin thành năng lượng hữu ích) thì nay có thể đạt hiệu suất 60%. Đó cũng là một tín hiệu mừng cần ghi nhận.

Về khung thể chế và pháp lý

Viện Kiến trúc Mỹ hàng năm đều có bình chọn sản phẩm trao giải Top 10 công trình xanh. “Xanh” cũng là một tiêu chí lớn trong 10 công trình kiến trúc nổi bật của năm 2007 do tạp chí Time bình chọn. Tiến sĩ Matthias Krups, Chủ tịch tập đoàn thông tin xây dựng BCI và tạp chí kiến trúc FuturArc cho rằng: “Đây là trách nhiệm của kiến trúc sư ngay từ khi bắt đầu bản vẽ. Phải cẩn trọng giúp giảm chi phí cho công trình trong suốt vòng đời của nó, qua đó giảm ảnh hưởng đến môi trường”.

Tại Trung Quốc, Skidmore, Owings & Merrill đã thiết kế dự án tòa nhà chọc trời không tiêu hao năng lượng đầu tiên ở Trung Quốc, dự kiến hoàn thành vào năm 2009. Mang tên “toà tháp Châu Giang” với 71 tầng, đây sẽ là toà nhà sạch đầu tiên ở Trung Quốc, bởi chỉ sử dụng nguồn năng lượng dựa vào sức gió và ánh nắng mặt trời. Thiết kế mới của Skidmore, Owings & Merrill được coi là động thái có tính khích lệ trong bối cảnh Trung Quốc có khoảng 50% ô nhiễm là từ các toà nhà. Và hiện các nhà chức trách ở các thành phố lớn nước này đang dần xúc tiến việc phát triển tốt cho môi trường bằng việc loại các dự án không thoả mãn các tiêu chuẩn sạch và hỗ trợ tài chính cho các công nghệ mới thân thiện môi trường.

Thủ đô Seoul của Hàn Quốc cũng đã lập quỹ thưởng cho cá nhân, tập thể, công sở nào tận dụng diện tích mái nhà trồng thảm cỏ, cây xanh trên cao. Nhờ mức thưởng tăng theo diện tích “thảm xanh” tạo ra so với diện tích nhà xây mà thúc đẩy được tốc độ xã hội hóa tăng “diện tích xanh” để thay đổi vi khí hậu trong các tiểu khu đô thị, khắc phục ô nhiễm khói bụi, tăng ô xy tự nhiên. Các bể bơi lộ thiên cũng được xây ở mái bằng tòa nhà để tăng diện tích mặt nước, tận dụng đất trống giữa các nhà cao tầng để xây bể bơi, làm bồn phun nước, cải thiện vi khí hậu, tiết kiệm năng lượng cho các toà nhà.

Ở Việt Nam, ngày 3/9/2003 Chính phủ đã ban hành Nghị định 102/2003/NĐ-CP về việc "Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả" trong đó có đề cập đến vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các công trình xây dựng. Hưởng ứng Nghị định này Bộ Xây dựng đã có kế hoạch biên soạn Quy chuẩn xây dựng- Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng có hiệu quả và Quy chuẩn này đã được ban hành vào tháng 11/2005 (QCXDVN 05: 2005). Đây là văn bản pháp quy kỹ thuật quy định các yêu cầu kỹ thuật bắt buộc phải tuân thủ khi thiết kế và sử dụng các thiết bị như thiết bị chiếu sáng, điều hoà không khí, thiết bị đun nước nóng hoặc các thiết bị khác sử dụng nhiều năng lượng trong các công trình thương mại, trụ sở cơ quan hành chính Nhà nước, nhà ở cao tầng, khách sạn... Ngày 14/4/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 79/2006/QĐ-CP về việc Phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Bộ Xây dựng là một trong các Bộ được giao chủ trì thực hiện nội dung "Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu qủa trong toà nhà" .Bộ Xây dựng cũng đó ra nhiều tiờu chuẩn như “Nhà ở cao tầng - hướng dẫn thiết kế sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”, “Nhà văn phòng - hướng dẫn thiết kế sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”,…

Tuy nhiên, chưa có một chế tài cụ thể cho việc khuyến khích các công trình được xây dựng theo mô hình kiến trúc xanh, cũng như các hướng dẫn chi tiết và đồng bộ. Bản thân công trình vốn đã không được sự “hưởng ứng” từ phía các nhà đầu tư (vì suất đầu tư ban đầu khá cao) lại không được khuyến khích và quảng bá một cách thiết thực từ các nhà quản lý xây dựng, từ chính quyền đô thị. Vì thế trong thực tế, các công trình “nhà ở thông minh”, “công trình tiết kiệm năng lượng”… vẫn tồn tại lẻ tẻ dưới dạng một dự án đơn lẻ mà không có bất cứ sự “tuyên dương”, giới thiệu hay quảng bá nào và được ít người biết đến để rút kinh nghiệm và học tập.

Hiểu biết chung về kiến trúc xanh: còn hạn chế

Số lượng các tài liệu về kiến trúc xanh lưu hành tại Việt Nam chưa nhiều và chưa được phổ cập rộng rãi. Một điều cần nhấn mạnh là đa phần các tài liệu có xuất xứ từ Châu Âu hay Bắc Mỹ, nơi người ta chủ yếu chống lạnh, trong khi tại Việt Nam, vấn đề chống nóng và thoát ẩm phải đặt lên hàng đầu (Thực tế, đây là hai nhiệm vụ khá mâu thuẫn gây khó khăn cho người thiết kế tại Việt Nam). Kiến trúc xanh không có một quy tắc chung mà vấn đề bối cảnh địa phương phải đặt lên hàng đầu, từ đó mới xem xét giải pháp nào là phù hợp, tức là cách ứng dụng nguyên lý thiết kế ở đâu, như thế nào… mới là kết quả cuối cùng cho một mô hình kiến trúc xanh.

Liên quan đến vấn đề này, ta có thể nghe câu chuyện của của tiến sĩ Goh Chong Chia, chủ tịch Uỷ ban tiêu chuẩn xây dựng của Quốc hội Singapore, nguyên chủ tịch Tổ chức kiến trúc sư Singapore SIA (Singapore Institute of Architects) về quan niệm và ứng dụng xanh của ông: Singapore dùng rất nhiều máy lạnh và rất nhiều người phương Tây khuyên chúng tôi đừng dùng nữa, tôi trả lời rằng: "Khi nào anh ngừng sưởi nhà anh vào mùa đông thì tôi sẽ ngừng máy lạnh". Câu hỏi thật ra phải là: "Làm thế nào để sử dụng năng lượng chạy máy lạnh hiệu quả nhất?". Khác với vùng ôn đới: mặt trời luôn ở phía bắc hay phía nam, tuỳ thuộc nhà ở nam hay bắc bán cầu nên phải mở cửa sổ về hướng đó để lấy nhiệt. Ở vùng nhiệt đới thì ngược lại, chúng tôi cần tránh nhiệt, mặt trời nằm ở phía đông và tây nên tường quay về phía đó và phải được che chắn cách nhiệt tốt. Mái nhà là nơi bị chiếu sáng suốt ngày nên phải chống nóng cho mái và tôi thường dùng mái có nước, nước cản nóng rất tốt. Dĩ nhiên nó sẽ sinh nhiều vấn đề như muỗi chẳng hạn. Cho nên tuỳ theo vị trí mái có chăm sóc, bảo trì dễ hay không để khắc phục: Thả cá được không? Làm vườn cảnh được không?…

Một số nghiên cứu của các kiến trúc sư, nhà hoạt động môi trường trong khu vực… cần phải được quảng bá và phổ cập rộng rãi cho những người làm nghề cũng như người sử dụng. Tại Viện nghiên cứu kiến trúc quốc gia, trong buổi nói chuyện của một chuyên gia hàng đầu về kiến trúc xanh tại Đài Loan: Giáo sư Lâm Thế Đức - giảng dạy tại khoa Kiến trúc của trường Đại học Thành Công – Đài Loan đồng thời là cố vấn của Chính phủ Đài Loan về kiến trúc Xanh và tiết kiệm năng lượng, cũng đã nhấn mạnh về vấn đề này mà Đài Loan, và hiện thời là Việt Nam, đã và đang mắc phải. Ông cũng đề cập đến hệ thống kiến trúc xanh ở Đài Loan với 9 tiêu chí tóm gọn lại là EEWH (Ecology – Energy saving – Waste reduction – Health) trong đó tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm nước là 2 tiêu chí quan trọng nhất. Các kinh nghiệm của Đài Loan, Thái Lan, Malaysia hay Singapore… rất đáng để chúng ta tham khảo và học tập.

Tóm lại, trước khi muốn ứng dụng rộng rãi mô hình kiến trúc xanh trong tiết kiệm năng lượng, chúng ta cần có những bước khảo sát, chuẩn bị, nghiên cứu lý thuyết… để có thể ứng dụng một cách hiệu quả nhất và đặc biệt cần thiết phải đưa ra được một mô hình hợp lý để năng lượng được sử dụng hiệu quả, đảm bảo môi trường phát triển bền vững tại Việt Nam./.

Ảnh trong bài: Vườn treo Babylon hiện đại ở thành phố Fukuoki, Nhật Bản
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm