Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đã tái khởi động, nhưng phần thắng chỉ thuộc về những nhà đầu tư có tiềm lực và ý tưởng kinh doanh đột phá.
Dự đoán thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ khởi sắc trong năm nay được bà Hoàng Quỳnh Phương, Giám đốc bộ phận kinh doanh nhà ở Savills, đưa ra cuối năm ngoái, dường như đang ứng nghiệm. Các dự án cấp tập thi công, liên tục chào bán để đón đầu dòng tiền đang quay trở lại phân khúc này. Thậm chí, không ít doanh nghiệp còn kỳ vọng đón đầu được nguồn tiền mới từ nước ngoài khi Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực từ tháng 7/2015 sẽ mở rộng cửa cho người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam.
Khu nghỉ dưỡng Alma sẽ có 200 biệt thự và 400 căn hộ, tương đương với 30.000 đơn vị kỳ nghỉ mỗi năm.
Sóng đầu tư mới
Không bỏ lỡ cơ hội, Công ty TNHH Vịnh Thiên Đường đã quyết định “Nam tiến”. Mới đây, doanh nghiệp này đã thuê hẳn 1.000m2 của tòa nhà văn phòng Lim Tower trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP. HCM để tiếp cận các khách hàng ở phía Nam. Với số nhân viên ban đầu lên đến 200 người, văn phòng này sẽ cung cấp thông tin về dự án khu nghỉ dưỡng Alma cũng như lợi ích của mô hình sở hữu kỳ nghỉ mà dự án đang áp dụng. Alma được khởi công xây dựng đầu năm 2014 trên diện tích gần 30ha tại Bãi Dài, bán đảo Cam Ranh, Khánh Hòa. Khi hoàn thành vào năm 2018, dự án sẽ có 200 biệt thự và 400 căn hộ, tương đương với 30.000 đơn vị kỳ nghỉ mỗi năm.
Một “đại gia” bất động sản khác là Vingroup cũng đang tấn công tổng lực vào thị trường nghỉ dưỡng với hàng loạt dự án tại những địa danh du lịch biển nóng nhất cả nước là Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc. Đã và đang rất thành công với phân khúc nhà ở thông qua các dự án “khủng” như Royal City và Times City tại Hà Nội hay Vinhomes Central Park tại TP.HCM, nhưng Vingroup cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội ở phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng đầy tiềm năng. Với tổng cộng gần 900 biệt thự nghỉ dưỡng đang được chào bán dưới thương hiệu Vinpearl Premium, Vingroup chiếm luôn ngôi đầu bảng trong danh sách các nhà đầu tư lớn nhất của phân khúc này.
Trong khi đó, những “đại gia” mới nổi như FLC Group và CEO Group tỏ ra không kém cạnh khi dốc sức triển khai những dự án bất động sản nghỉ dưỡng đầu tay. Trước đây, ít ai tin là FLC Group sẽ triển khai dự án tại địa điểm hầu như không có tên trên bản đồ khách du lịch quốc tế tại Sầm Sơn, Thanh Hóa, nhưng giờ đây dự án của doanh nghiệp này đang được thi công ngay để có thể chuẩn bị khai trương sân golf 18 lỗ, khu nghỉ dưỡng 83 phòng và một khách sạn 480 phòng. Trong khi đó, CEO Group lại dốc toàn lực cho dự án tại Phú Quốc. Theo ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch CEO Group, dự kiến giữa năm nay, CEO Group sẽ tung ra thị trường hàng nghìn sản phẩm nghỉ dưỡng tại Phú Quốc.
Cuộc chơi của những “đại gia”
Mặc dù đã nhộn nhịp hơn, nhưng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hiện nay đã có sự khác biệt so với thời kỳ bùng nổ cách đây 6-7 năm. Trước đây, hầu như doanh nghiệp nào cũng có thể đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, bởi khi thị trường nóng, bán biệt thự và căn hộ nghỉ dưỡng từ lúc chưa xây dựng sẽ giúp doanh nghiệp sớm có nguồn tiền. Tuy nhiên, phân khúc này đã hoàn toàn tê liệt trong mấy năm qua khi thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng. Rất nhiều dự án đình đám được công bố một thời ở Vũng Tàu, Phan Thiết, Đà Nẵng, Nha Trang… giờ đã biệt tăm. Nhiều doanh nghiệp tưởng bất động sản nghỉ dưỡng ngon ăn và lao vào đầu tư cũng đã buộc phải thoái lui.
Phân khúc này giờ đây thuộc về những chủ đầu tư có tiềm lực và làm ăn chuyên nghiệp. Khả năng của Vingroup đã được khẳng định, còn những tân binh như CEO cũng tranh thủ cơ hội tăng vốn thông qua thị trường chứng khoán. Những dự án bất động sản nghỉ dưỡng đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn và nếu không hoàn thiện toàn bộ thì sẽ không thể đưa vào kinh doanh. Thực tế, đã có rất nhiều dự án nghỉ dưỡng được vẽ ra, nhưng sau nhiều năm vẫn nằm trên giấy vì chủ đầu tư năng lực yếu. Nhưng Alma thì khác. Đây là một trong những dự án của tập đoàn Blenhem do tỷ phú người Israel là Igal Ahouvi làm chủ đầu tư. Doanh nhân này đã thực hiện nhiều thương vụ đầu tư bất động sản tại châu Âu và Mỹ với giá trị hàng tỷ đôla. Có bệ đỡ vững vàng nên ngoài việc triển khai xây dựng trên thực địa, Alma còn đầu tư rất bài bản cho khu văn phòng và tuyển nhân viên với số lượng lớn để phục vụ kinh doanh.
Một điểm khác biệt hiện nay là các chủ đầu tư rót tiền vào những địa điểm mới và giới thiệu những dòng sản phẩm mới. Những địa điểm đầu tư đã định hình như Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu vẫn thu hút đầu tư, nhưng dòng tiền lại hướng nhiều hơn đến những địa điểm mới như Phú Quốc, Cam Ranh, thậm chí là Thanh Hóa. Ông Đoàn Văn Bình cho biết, sở dĩ CEO Group đổ tiền vào Phú Quốc vì du lịch tại hòn đảo này đang bùng nổ sau khi sân bay mới khánh thành và cơ sở hạ tầng được cải thiện. Còn tại Nha Trang cũng gần như được lấp đầy bởi những dự án khách sạn nên không còn nhiều dư địa đầu tư, trong khi bãi biển Cam Ranh tuyệt đẹp lại vừa gần sân bay, vừa gần thành phố nên đang được kỳ vọng trở thành điểm nghỉ dưỡng lý tưởng trong tương lai gần.
Cùng với đó là sự xuất hiện của các dòng sản phẩm nghỉ dưỡng mới. Các dự án biệt thự triệu đô vẫn có, phục vụ đối tượng khách hàng siêu giàu, nhưng đa phần giá bán của các dự án rẻ hơn rất nhiều, tập trung vào phân khúc 5-10 tỷ đồng đối với biệt thự nghỉ dưỡng biển. Đặc biệt, những dự án như Alma lại giới thiệu sản phẩm nghỉ dưỡng mới là sở hữu kỳ nghỉ để hướng đến khách hàng số đông hơn. Ông Brian Martin, Tổng giám đốc Alma cho biết, thay vì bỏ ra hàng trăm nghìn đôla để mua biệt thự nghỉ dưỡng, khách hàng chỉ cần vài ngàn đôla là đã có thể mua được 1-3 tuần nghỉ trong các biệt thự, căn hộ sang trọng tại Alma để đi nghỉ cùng gia đình và bạn bè. Thậm chí, nếu không sử dụng, họ có thể bán lại kỳ nghỉ cho người khác và có thể kiếm lợi nhuận lên đến 20-25%. Đặc biệt, khách hàng có thể trao đổi kỳ nghỉ với các khách sạn và khu nghỉ dưỡng khác ở Việt Nam thông qua hệ thống do chủ đầu tư quản lý. Thậm chí, ngay từ bây giờ dù một số dự án còn đang triển khai xây dựng, chủ sở hữu các đơn vị kỳ nghỉ đã có thể đi nghỉ tại một số khách sạn và khu nghỉ dưỡng tại Việt Nam và trong khu vực để thẩm định những giá trị mà sở hữu kỳ nghỉ mang lại.
Giang Sơn
(Doanh Nhân)
- Người nước ngoài mua nhà: Nỗi lo trước giờ G
- TPHCM: Quận 4 và cơ hội mới cho bất động sản cao cấp
- Bộ Xây dựng lý giải vì sao gói 30.000 tỷ giải ngân thấp
- Bất động sản nghỉ dưỡng: Gọn lại để sống
- Bất động sản Đà Nẵng đang khó hơn Hà Nội, Tp.HCM
- Xuất khẩu bất động sản tại chỗ: Trong mong, ngoài ngóng
- HOREA: Căn hộ quy mô vừa và nhỏ phát triển ổn định trong năm 2015
- Nhà ở xã hội: Nhiều lợi thế cạnh tranh
- Các dự án tàu điện ngầm ảnh hưởng đến giá trị bất động sản như thế nào?
- Nhà giá rẻ, cuộc đua giành “miếng bánh ngon”