Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân vừa có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất các giải pháp khá đồng bộ và kiên quyết, được xem là để trấn an thị trường bất động sản (BĐS).
Theo Bộ Xây dựng, chính sách tới đây vừa phải kiểm soát được thị trường, chống đầu cơ, nâng giá, nhưng mặt khác cũng cần tránh gây sốc, làm đóng băng thị trường, gây tác động xấu lan truyền đến hệ thống tín dụng và đời sống xã hội.
Cần có tiêu chí cho vay BĐS
Sau hàng loạt các giải pháp để đẩy mạnh nguồn cung nhà giá thấp, thì theo đánh giá của Bộ Xây dựng, bất cập lớn nhất hiện nay của thị trường BĐS vẫn là khó kiểm soát được giá cả. Bộ Xây dựng cho rằng, điểm mấu chốt của thị trường là hệ thống tài chính BĐS chưa hoàn thiện. Thị trường phụ thuộc phần lớn vào động thái của chính sách tiền tệ, tín dụng.
Vốn cho thị trường BĐS chủ yếu huy động từ hệ thống ngân hàng và tiết kiệm của người dân. Nguồn tín dụng trung và dài hạn hầu như không có, trong khi lãi suất vay ngắn hạn rất cao (đa số các ngân hàng đang áp dụng lãi suất từ 16-18%/năm hoặc cao hơn). Khi ngân hàng siết chặt cho vay sẽ tác động tới kế hoạch triển khai dự án của các chủ đầu tư, thậm chí phải dừng thi công, gây lãng phí, giảm nguồn cung cho thị trường.
Các giải pháp được bộ đề xuất là cần sớm ban hành hệ thống tiêu chí cho vay BĐS đối với tổ chức tín dụng. Hiện theo bộ, tỉ lệ tăng trưởng tín dụng BĐS khoảng trên 20%/năm, song không phân biệt được loại BĐS thiết yếu và không thiết yếu (như nhà ở cao cấp, nhà ở bình dân, bất động sản nghỉ dưỡng...), vì vậy dễ dẫn đến vốn tập trung nhiều vào các dự án nhà ở cao cấp, BĐS du lịch, nghỉ dưỡng, khi thị trường bão hòa sẽ dễ đổ vỡ.
Liệu pháp khá quyết liệt được bộ đề xuất là hạn chế tiến tới chấm dứt việc sử dụng tiền mặt trong các giao dịch BĐS, nhất là đối với các hợp đồng huy động vốn, mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, giao dịch thuê nhà ở nhằm giảm áp lực tiền mặt và hạn chế rủi ro cho các bên tham gia. Bên cạnh đó, Nhà nước cần sớm nghiên cứu thành lập quỹ tiết kiệm nhà ở để hỗ trợ cho người lao động có điều kiện mua nhà; nghiên cứu thí điểm mô hình quỹ đầu tư tín thác BĐS như các nước đang áp dụng, để tạo thêm nguồn cung vốn ngoài các tổ chức tín dụng cho thị trường BĐS.
Sẽ đấu thầu chọn chủ đầu tư dự án nhà ở
Qua kiểm tra tình hình sử dụng nhà ở tại 18 dự án tại HN, Bộ Xây dựng đưa ra con số, trong khi các chung cư cao tầng có tỉ lệ căn hộ đưa vào sử dụng đạt xấp xỉ 100%, thì tỉ lệ nhà liền kề sử dụng chỉ đạt 80%, nhà biệt thự đạt 58%. Nguyên nhân chủ yếu do hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại các dự án chưa đồng bộ, giao thông đi lại khó khăn; tình trạng đầu cơ, tích trữ tài sản còn phổ biến; thiếu sự kiểm tra, xử lý của các cơ quan quản lý đối với các chủ đầu tư chậm tiến độ...
Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương cần nghiêm túc thực hiện quy định về lựa chọn chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở thương mại bằng hình thức đấu thầu dự án theo quy định tại Nghị định 71. Mở rộng phương thức Nhà nước tổ chức giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật sau đó đấu giá quyền sử dụng đất sạch để đảm bảo công khai minh bạch, loại bỏ hoàn toàn cơ chế “xin - cho” và đảm bảo khoản chênh lệch địa tô thu vào ngân sách...
Quỳnh Trang - Ảnh: Giang Huy
- Trả lại minh bạch cho thị trường
- Thị trường bất động sản Hà Nội: Tung hỏa mù để "dìm"
- Bất động sản vẫn "hút" các doanh nghiệp tham gia
- Donald Trump luôn thoát nợ
- Nghĩ về những biệt thự bỏ hoang
- Nhiều doanh nghiệp địa ốc chưa đầu tư cho thương hiệu
- Chảy máu “đất vàng”
- “Lách luật” bất động sản
- Kinh doanh bất động sản: Nhất thân, nhì quen
- Đất nền vẫn là “kênh” lựa chọn số 1 ở Hà Nội