Ashui.com

Thursday
Apr 18th
Home Chuyên mục Bất động sản Donald Trump luôn thoát nợ

Donald Trump luôn thoát nợ

Viết email In

Đặc thù của ngành bất động sản là nợ rất lớn. Là một nhà đầu tư kinh doanh bất động sản, Donald Trump, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Phát triển Địa ốc Trump Organization, không thể không vay nợ. Và vì nợ quá lớn, Trump đã nhiều lần nộp đơn xin phá sản. Thế nhưng, ông vẫn thoát khỏi phá sản một cách tương đối không bị trầy trụa, ít nhất là về mặt tài chính và vẫn có mặt trong danh sách 400 người giàu nhất thế giới do Tạp chí Forbes bình chọn.

Hiện tại, theo ước tính của Forbes, Trump có giá trị tài sản ròng 2,7 tỉ USD (nhưng Trump nói rằng tài sản của ông nhiều hơn thế). Một câu hỏi thường đặt ra là tại sao ông vẫn là tỉ phú dù đã nhiều lần phá sản? Những cuộc phỏng vấn của Tạp chí Forbes với các luật sư về phá sản cho thấy Trump rất khôn khéo khi sử dụng luật phá sản Mỹ để tránh khỏi cảnh phá sản cho bản thân mình.



Cho vay danh tiếng

Trump đã nộp đơn xin phá sản tổng cộng 4 lần. Đó là vào các năm 1991, 1992, 2004 và 2009. Tất cả những lần phá sản này đều liên quan đến bất động sản gồm các khách sạn và sòng bài ở thành phố Atlantic (Mỹ).

Hiện nay, các tài sản này đều do Trump Entertainment Resorts quản lý (Trump Entertainment Resorts đang điều hành vô số các sòng bài, khách sạn trên khắp thế giới). Mặc dù nhiều lần nộp đơn phá sản, nhưng giá trị tài sản của Trump không bị ảnh hưởng nhiều. Đó là vì ông chưa bao giờ nộp đơn phá sản với tư cách cá nhân, mà luôn với tư cách doanh nghiệp.

Trump từng 1 lần đứng trước nguy cơ phá sản cá nhân. Đó là vào cuối thập niên 1980 khi ông tài trợ vốn cho dự án xây dựng sòng bài Trump Taj Mahal bằng các junk bond (trái phiếu có độ rủi ro cao). Kết quả là Trump Taj Mahal đã phải nộp đơn xin bảo lãnh phá sản (năm 1991) vì không thể trả được mức lãi vay quá cao. Doanh nghiệp của ông bị lỗ và cá nhân ông thì gánh khoản nợ 900 triệu USD.

Đến giữa thập niên 1990, ông đã giảm được hầu hết số nợ này bằng cách bán đi chiếc du thuyền Trump Princess, hãng hàng không Trump Shuttle và cổ phần của ông trong một số doanh nghiệp khác. Điều quan trọng hơn, ông đã không còn dùng tài sản cá nhân để đảm bảo khoản vay. “Đó là lần đầu tiên Trump có nguy cơ phải nộp đơn xin phá sản cá nhân. Ông đã học được bài học và từ đó, ông đã xây được bức tường bảo vệ mình”, Ted Connolly, một luật sư chuyên về phá sản ở Boston, nhận định.

Theo Edward Weisfelner, một đối tác tại hãng luật Brown Rudnick ở New York, tên tuổi và thương hiệu cá nhân cũng là một yếu tố quan trọng giúp Trump vượt qua mỗi lần phá sản. Ông có thể thương lượng tỉ lệ cổ phần lớn trong công ty sau khi được tái cấu trúc dựa trên giá trị thương hiệu cá nhân của ông mang lại cho sòng bài hay khách sạn.

Ông Joseph Weinert, Phó Chủ tịch cấp cao tại Spectrum Gaming Group, một công ty tư vấn sòng bài ở thành phố Atlantic, cũng cho biết: “Các cổ đông quyết định họ sẽ có nhiều cơ hội (lội ngược dòng) hơn với tên tuổi của Trump hơn là không có nó”.

Trump cũng tránh được cảnh vỡ nợ bằng cách giảm dần số cổ phần nắm giữ trong các công ty phá sản. Có thể thấy, cứ sau mỗi lần phá sản, cổ phần của Trump trong các sòng bài và khách sạn ở thành phố Atlantic có mang tên của ông cũng giảm xuống. Trong vụ phá sản đầu tiên ở sòng bài Trump Taj Mahal, ông đã chuyển 50% cổ phần sang cho các trái chủ để đổi lấy mức lãi suất (trái phiếu) ưu đãi. Trong lần nộp đơn xin phá sản năm 2004 của Trump Hotels & Casino Resorts (nay là Trump Entertainment Resorts), cổ phần của ông đã giảm xuống còn 25%.

Trong suốt các cuộc tranh cãi với trái chủ ngay sau vụ phá sản năm 2009, Trump đã rời khỏi Hội đồng Quản trị của Trump Entertainment Resorts. Cổ phần của ông trong công ty này hiện chỉ còn 5% và 5% khác là dưới hình thức chứng quyền (loại chứng khoán cho phép người nắm giữ có thể mua được cổ phần của công ty phát hành ra nó với giá xác định trong một khoảng thời gian nhất định).


Donald Trump

Dùng luật phá sản Mỹ làm lợi cho mình?

Đối với nhiều người không rành rẽ về luật phá sản, 4 lần phá sản liên tiếp là một con số gây không ít sửng sốt. Và có một số ý kiến cho rằng Trump đã làm lợi cho mình bằng cách vận dụng khôn khéo luật phá sản Mỹ. Tuy nhiên, theo Michael Venditto, đối tác tại hãng luật Reed Smith, “luật phá sản Mỹ là công cụ để bạn tái định hình và tái cấu trúc một công ty gặp vấn đề. Nó không hàm ý điều gì bất chính hay năng lực điều hành kém”, ông nói.

Điều quan trọng hơn, theo Venditto, là luật phá sản Mỹ cho phép các chủ nợ tránh được một kết cục bi thảm hơn. Đó là phát mãi tài sản. “Công ty này (công ty của Trump) đã nhiều lần nộp đơn phá sản, nhưng người nắm giữ trái phiếu nhìn vào nó và nhận thấy những lựa chọn khác còn thảm hại hơn nhiều. Một sòng bài ế ẩm ở thành phố Atlantic thì có giá trị bao nhiêu? Nếu sòng bài đó vẫn hoạt động, còn có dòng tiền ra vào và chủ nợ có thể không lấy lại được toàn bộ vốn đã bỏ ra, nhưng dù sao họ cũng có cơ hội lấy lại được tiền trong dài hạn”, ông nói.

Bản thân Trump chưa từng áy náy vì đã dùng luật phá sản Mỹ như một công cụ để thoát khỏi phá sản. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Forbes gần đây, Trump cho biết, nhiều chủ doanh nghiệp lớn đã dựa vào luật phá sản Mỹ để tái cấu trúc nợ, tháo gỡ khó khăn về vốn và đổi mới doanh nghiệp.

Ông Michael Viscount thuộc hãng luật Fox Rothschild LLP ở Atlantic, người đại diện cho các chủ nợ không có đảm bảo khi Trump Hotels & Casino Resorts đệ đơn phá sản năm 2004, cũng cho rằng, Trump không phải chịu trách nhiệm cho bất kỳ vụ phá sản nào của công ty ông. Viscount cho rằng các chủ nợ biết rõ mình đang làm gì khi cho Trump mượn tiền. “Họ đều là người trưởng thành cả và từng cho những người khác vay. Công ty sở hữu tên của Trump phải nộp đơn phá sản vì vay nợ quá lớn. Điều đó nói cho bạn biết điều gì? Người ta muốn cho ông ấy mượn tiền và ông ấy đã dùng nó một cách khá hào phóng”.

Nhưng luật sư Weisfelner, thuộc Brown Rudnick thì đặt dấu hỏi liệu các công ty của Trump sử dụng luật phá sản Mỹ theo cách mà những người lập ra nó mong muốn. “Mục đích của luật phá sản là bảo vệ các công ty, khách hàng và nhân viên của họ, cho họ một cơ hội thứ 2 và để đảm bảo sự công bằng cho các chủ nợ. Nếu thay vào đó, phá sản được sử dụng để đặt lợi ích của bạn lên trên lợi ích hợp pháp của các chủ nợ và tránh nghĩa vụ trả nợ, thì bạn không thể nói đó là mục đích những người làm ra luật luật phá sản mong muốn”. 

Ngô Ngọc Châu (Theo Forbes

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo