Ashui.com

Friday
Apr 26th
Home Chuyên mục Bất động sản Thị trường bất động sản Hà Nội: Tung hỏa mù để "dìm"

Thị trường bất động sản Hà Nội: Tung hỏa mù để "dìm"

Viết email In

Doanh nghiệp bất động sản "mượn" lời giới truyền thông để định hướng nhà đầu tư.Thông tin từ một số doanh nghiệp bất động sản lớn cho biết, Hà Nội đang thực sự đứng trước nguy cơ thừa căn hộ chung cư thương mại. Điều này là có thật nhưng đằng sau sự "tự thú" này, người ta lại thấy thấp thoáng mưu mô của những con cá mập bất động sản.

Ế hàng vì quá nhiều dự án

Điểm lại tình hình thị trường bất động sản Hà Nội trong vài tháng qua, Phó tổng giám đốc Sông Đà Thăng Long, ông Nguyễn Đỗ Việt cho biết, hàng loạt dự án chung cư lớn trên địa bàn đã cùng lúc tung hàng ra bán. Trong đó, có rất nhiều dự án có số lượng căn hộ cực lớn. Chẳng hạn như Cleve (Hà Đông) 5.000 căn hộ; Golden Palace (Mễ Trì) 1.000 căn hộ và sắp tới là CastlePlaza (Hồ Tùng Mậu) 4.000 căn hộ. Đó là chưa kể tới những đợt đẩy hàng liên tiếp với hàng nghìn căn hộ tại khu Lê Văn Lương Residentials (Hà Đông) hay khu Rừng Cọ, dự án Ecopark.



Đáng chú ý, theo thông tin từ một số doanh nghiệp, hàng tung nhiều song tỉ lệ bán thành công không cao, đặc biệt là các dự án cao cấp có giá trên 1.800 USD/m2 trở lên. Theo thống kê chưa đầy đủ, nguồn cung căn hộ mới khoảng 25.000 căn, chưa kể số hàng được giới đầu cơ “ôm” trong thời gian qua. Ông Nguyễn Đỗ Việt nói: “Với thị trường đầu cơ chiếm tới khoảng 60-70%, nguồn cung cũ còn lớn hơn nguồn cung mới. Thêm vào đó là hàng trăm dự án sẽ được tiếp tục triển khai. Như vậy, lo lắng thừa chung cư trong vài năm tới hoàn toàn có cơ sở”. Đại diện doanh nghiệp này than thở, “chung cư, đặc biệt là sản phẩm cao cấp sẽ bước vào một cuộc cạnh tranh khốc liệt”. Bởi khi thị trường là của người mua,  người ta sẽ tiếp tục quan sát và chờ đợi giá xuống tiếp. Chính tâm lý kỳ vọng giá giảm sẽ làm cho thị trường thêm trầm lắng. Ông Vũ Xuân Thiện, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, cũng đồng tình: “Phân khúc nhà ở cao cấp sẽ bão hòa”.

Sẽ khó khăn

Một số ý kiến cho rằng, khi chính phủ tập trung chống lạm phát, việc kinh doanh vàng, USD trên thị trường bị hạn chế, chứng khoán ảm đạm, dòng tiền rất có thể chuyển sang bất động sản. Tuy vậy, doanh nghiệp lại không mấy lạc quan về xu hướng này. Đại diện Sông Đà Thăng Long thẳng thắn: “Đó chỉ là lý thuyết song thực tế điều này rất khó xảy ra”. Bởi năm nay, thị trường bất động sản là một kênh đầu tư có nhiều khó khăn lớn, thiếu vốn trong khi nguồn cung nhiều, sức cầu hạn chế và thanh khoản chậm. Thứ nữa, khi đồng tiền mất giá, người dân thường đầu tư vào bất động sản để giữ giá, giá trị tài sản. Tuy nhiên, nếu tỉ lệ mất giá quá cao, nền kinh tế vĩ mô thiếu ổn định, người dân sẽ không chọn bất động sản là kênh đầu tư vì lo ngại tính thanh khoản kém trong tương lai. Thứ ba, thị trường vàng và USD vẫn được chọn là phương tiện tích trữ của người dân. Hiện nay, lượng tiền nằm trong hai thị trường này rất lớn và chưa thấy có một dòng tiền chảy ngược trở lại. Người dân vẫn tiếp tục nắm giữ vàng và USD cho đến khi niềm tin vào tiền đồng quay trở lại và lãi suất giảm. Cuối cùng, thị trường chứng khoán tuy lình xình trong thời gian qua nhưng thực tế vẫn hút một lượng tiền lớn của các cổ đông hiện hữu mua cổ phần phát hành thêm của các công ty.

Tung hỏa mù

Mới nghe qua những bình luận trên, nhiều người hẳn sẽ cảm thấy khó hiểu bởi bỗng dưng các doanh nghiệp bất động sản, vốn rất tinh ranh và lắm mưu nhiều kế, lại trở nên "nói thẳng, nói thật" tới mức khó tin. Dù là những nhà sản xuất chính trên thị trường nhưng họ lại tự phê bình mạnh tới mức, người ta chỉ nhìn thấy tương lai màu xám của thị trường Hà Nội. Điều này chẳng khác nào vác đá tự ghè vào chân mình bởi nói xấu thị trường thì doanh nghiệp sẽ bán hàng cho ai? Cười xòa trước câu hỏi trên, một chuyên gia bất động sản (đề nghị không nêu tên) cho rằng, đây vẫn chỉ là một chiêu tung hỏa mù, nhằm lái thị trường theo hướng mà doanh nghiệp muốn.

Ông này phân tích, xu hướng bão hòa của thị trường căn hộ cao cấp ở Hà Nội là có thật. Nó sẽ tới dù sớm hay muộn. Điều này đã được dự báo từ vài năm trước. Nhưng có cần thiết phải đay đi đay lại ở thời điểm này? Hãy nhìn vào các dự án đang triển khai của doanh nghiệp để biết đáp án thật sự cho những bình luận "mạnh mẽ" này. Như Sông Đà Thăng Long, vốn thành danh với dự án Văn Khê và tổ hợp chung cư cao cấp USilk city (quận Hà Đông), song tới nay, hai dự án này đã bán hết hàng từ khá lâu. "Con cá mập" này giờ hầu như không còn dự án lớn nào tại Hà Nội, thay vào đó, họ đã xuôi Nam và có những dự án lớn đang rất cần khách hàng ở Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng) hay TPHCM. Thế nên, những lời "đao to búa lớn" kiểu như trên chẳng qua là nhằm định hướng các nhà đầu tư nên rời thị trường Hà Nội để Nam tiến mà thôi...

Chuyên gia này kết luận: "Chẳng có gì là ngẫu hứng trên thị trường bất động sản. Cũng không có doanh nghiệp nào dại dột tung ra những thông tin bất lợi cho chính mình. Đó chẳng qua là những chiêu lôi kéo, phá bĩnh khôn khéo của một vài con cá mập trên thị trường. Vậy nên, đã tham gia đầu tư bất động sản thì phải hết sức tỉnh táo. Những lời nói thật đôi khi cũng chỉ có lợi cho một số ít người...". 

Ngọc Anh

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo