Ashui.com

Tuesday
Jan 21st
Home Chuyên mục Kiến trúc Xây dựng văn hóa kiến trúc Việt Nam thế kỷ 21

Xây dựng văn hóa kiến trúc Việt Nam thế kỷ 21

Viết email In

Văn hóa kiến trúc Việt Nam = Kiến trúc xanh của TK 21 + Văn hóa kiến trúc nhiệt đới nóng & ẩm + các giá trị kiến trúc truyền thống Việt Nam.

Để đánh giá mức độ các công trình kiến trúc Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng các tiêu chí "công trình xanh" hiện đại mà nhiều nước áp dụng, nhưng cần cụ thể hóa theo điều kiện khí hậu các vùng, miền Việt Nam.

  • Ảnh bên : Khu du lịch Sài Gòn - Mũi Né


Kiến trúc thế kỷ 21:  kiến trúc bền vững

Ðã gần một thập kỷ chúng ta bước vào thế kỷ 21, đã qua một thế kỷ với nhiều tiến bộ vượt bậc về tăng trưởng kinh tế, về mức sống của người dân, về tốc độ đô thị hóa và đặc biệt  về khoa học - công nghệ, nhưng vì thế cũng song hành với nhiều nỗi lo, mà lớn nhất là sự nóng lên của Trái đất, sự thoái hóa các hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường sống và tài nguyên thiên nhiên đang cạn kiệt dần. Ðòi hỏi cấp bách của Thế kỷ mới đối với toàn nhân loại là biết sống một cách khôn ngoan, không tham lam, ích kỷ, sống vì hậu thế. Ðó là cách ứng xử văn minh, nhân đạo. Vì lẽ đó, ngành xây dựng thế giới đang hành động theo hướng “Công trình xanh/ Green Building”, với nội dung:

  1. Bảo tồn sinh thái, bảo đảm đa dạng sinh học
  2. Bảo vệ môi tr­ường: khí quyển, đất, nư­ớc
  3. Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt  là n­ước, dầu hoả, than đá.
  4. Sử dụng năng l­ượng có hiệu quả, phát triển sử dụng năng lượng thiên nhiênvà năng lượng tái tạo.
  5. Môi trường vệ sinh và sức khỏe cho con người.

Một trong những vấn đề lớn của nước ta trong Thế kỷ 21 là Ðô thị hoá, làm cho mật độ dân cư tập trung tăng lên, tài nguyên, năng lượng tiêu thụ nhiều hơn, cung cấp nhiều hơn và chất thải cũng tăng lên, sưc ép môi trường (không khí, đất, nước) quá mức. Ðô thị hoá thu hẹp đất cây xanh, đuổi xa các loài sinh vật. Môi trường tự nhiên bị pha vỡ, con người sống giàu sang hơn, nhưng cô độc với muôn loài.

Nhà cao tầng là một giải pháp tất yếu và hữu hiệu, để cho con người có dư đất làm “chỗ thở”, nơi thư dãn trong “Phố phường chật hẹp, người đông đúc”, nhưng nó lại là nguyên nhân chính làm tăng “Hiệu ứng đảo nhiệt đô thị/ Urban heat  Island Effect”, làm nóng môi trường đô thị, tăng sử dụng năng lượng, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người dân.


Ði cùng với sự phát triển của xã hội, thế kỷ qua đã lần lượt xuất hiện các xu hướng kiến trúc lớn sau đây:

  1. Kiến trúc khí hậu, Kiến trúc sinh khí hậu (Climatic Architecture, Bioclimatic Architecture) nhấn mạnh sự thích ứng kiến trúc với khí hậu bản địa, tạo môi trường khí hậu trong nhà, nơi ở tiện nghi cho con người.
  2. Kiến trúc môi trường (Environmental Architecture), đòi hỏi công trình kiến trúc phải giảm  áp lực lên môi trường, giảm và xử lý chất thải, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.
  3. Kiến trúc sinh thái (Ecological Architecture), đòi hỏi kiến trúc phải không gây hoặc giảm tối thiểu ảnh hưởng tới hệ sinh thái, bảo đảm đa dạng sinh học.
  4. Kiến trúc có hiệu quả năng lượng (Energy - Efficient Architecture) đòi hỏi công trình kiến trúc phải sử dụng tối đa năng lượng thiên nhiên, giảm tối đa năng lượng hóa thạch bằng các chiến lược/ giải pháp kiến trúc (kiến trúc thụ động) hoặc công nghệ (kiến trúc chủ động).
  5. Kiến trúc thích ứng/ mềm dẻo (Adaptable Architecture). Công nghệ đang tiến nhanh đến mức không thể dự báo chính xác được. Vì vậy công trình kiến trúc phải làm sao không cần phá dỡ, chỉ cần cải tạo (càng ít càng tốt) là đáp ứng được.


Chính vì vậy Kiến trúc Thế kỷ 21 theo đuổi là Kiến trúc bền vững / Kiến trúc xanh” (Sustainable Architecture / Green Architecture), đó là lĩnh vực kiến trúc bao trùm các xu hướng kiến trúc nêu trên, như mô hình giới thiệu trên hình bên. "Kiến trúc bền vững / Kiến trúc xanh” chính là kiến trúc đáp ứng được sự “Phát triển bền vững/ Sustainable Development” của nhân loại và là cách ứng xử  có văn hóa của những người thiết kế đối với sự biến đổi khí hậu Trái đất.

  • Ảnh bên : Mô hình Kiến trúc bền vững / Kiến trúc xanh (Tác giả đề xuất năm 2008)

Xin nhấn mạnh rằng, trong mô hình này, kiến trúc khí hậu - thích ứng với khí hậu - được đặt ở giữa, như là cái nhân của Kiến trúc bền vững, bởi lẽ khi kiến trúc thích ứng nhất với khí hậu, thiên nhiên thì sẽ giảm bớt tiêu thụ năng lượng nhân tạo trong xây dựng và vận hành (KT hiệu quả năng lượng), thân thiện với môi trường (KT môi trường), tạo thuận lợi cho phát triển các hệ sinh thái (KT sinh thái), tiên nghi và sức khoẻ cho con người (KT sinh khí hậu).

 

Kiến trúc truyền thống / dân tộc

Nguồn gốc của kiến trúc truyền thống :

Ðã có nhiều nghiên cứu, bài viết về Kiến trúc truyền thống/ dân tộc Việt Nam, nhưng để chỉ ra cụ thể  “Bản sắc Kiến trúc dân tộc Việt Nam là gì (?)” khó đạt được đồng thuận cao. Một vài người cho rằng phải có mái ngói, mái cong mới là kiến trúc VN, hay kiến trúc nho nhỏ, xinh xinh như Thành phố Bắc Ninh hiện nay đậm chất VN hơn ?

Và trong kiến trúc hiện đại hôm nay, đặc biệt trong nhà cao tầng có thể áp dụng những gì từ Kiến trúc truyền thống / dân tộc ?  

Giống như mọi nơi trên thế giới, kiến trúc truyền thống VN bắt nguồn từ điều kiện thiên nhiên, khí hậu, (nhiệt đới, ẩm ướt, gió mùa, gần biển), lao động (nông nghiệp), phong tục, tập quán, văn hoá (lúa nước á đông), tín ngưỡng (Phật giáo, Nho giáo), trên cơ sở của một nền kinh tế (nghèo), khoa học công nghệ (thủ công, lạc hậu) được con người vận dụng khéo léo, thông minh, sáng tạo, độc đáo và được nhiều người, nhiều  thế hệ bắt  chước, noi theo.

Trong đó hai yếu tố quyết định nhất “phong cách kiến trúc” (architectural style) là khí hậu, thiên nhiên và công nghệ xây dựng.

Công nghệ xây dựng Việt Nam nhiều thế kỷ qua là quá lạc hậu, thô sơ, còn hiện nay, dù đang xây dựng nhà 20- 30 tầng thì tường bao che vẫn chủ yếu là gạch nung.

Khí hậu VN, do lãnh thổ nằm trọn trong vùng nội chí tuyến và trên bờ biển Ðông, nên nói chung là nóng và ẩm ướt, nhiều mưa, có nhiều loại gió mùa, thời tiết nhiều biến động (mưa lớn, mưa dai dẳng, bão, mưa kèm theo gió lớn nên góc tạt lớn, lốc xoáy,..). Ban ngày không quá nóng, ban đêm mát mẻ, con người thích hoạt động ngoài trời, nhất là ban đêm. Gió từ biến thổi vào mát mẻ mà ẩm ướt, cây cối, động vật phát triển, từ nấm mốc, vi khuẩn tới những loài to lớn chỉ có ở vùng nhiệt đới. 


Đình làng

Lại do lãnh thổ VN tuy không lớn nhưng kéo dài tới 15 vĩ độ (2000 - 3000 km), cùng với địa hình thay đổi nên khí hậu tuy vẫn là nhiệt đới & ẩm nhưng khá đa dạng:

Miền Bắc: với môi trường (MT) hoạt động theo kiểu Chí tuyến, lại chịu ảnh hưởng của gió lạnh cực đới nên có hai mùa nóng / lạnh theo kiểu khí hậu ôn đới. Gió có tính hướng rõ rệt.

Miền Nam với MT hoạt động theo kiểu Xích đạo, không còn ảnh hưởng của gió lạnh cực đới nên chỉ có một mùa nóng quanh năm, nhưng nhờ có biển nên nhiệt độ không quá cao. Gió mát và không còn tính hướng rõ rệt.

Miền Trung, hẹp mà kéo dài theo bờ biển nên khí hậu có tính chuyển tiếp từ Bắc vào Nam. Ðặc biệt do ảnh hưởng của Phơn Trường Sơn tạo ra một thời tiết khô nóng (không phải là khí hậu khô nóng) rất độc đáo.

Ngoài ra các vùng núi cao, hải đảo khí hậu cũng có những nét riêng biệt. 

Những đặc điểm này được phản ánh rõ rệt trong Kiến trúc truyền thống Việt Nam, nhất là nhà ở nông thôn, có thể chia thành 3 hướng chính:

  1. Phù hợp/ thích ứng khí hậu trong điều kiện kỹ thuật, công nghệ lạc hậu, thô sơ.
  2. Xuất phát tùe lao động, văn hoá, phong tục, tập quán, tôn giáo, nếp sống.
  3. Sáng tạo theo thẩm mỹ Á đông.


Dưới đây chỉ phân tích vài ví dụ :

(1)  Nhà thấp / Tầng thấp (2m - 2,5 ít khi đạt 3m), người cao quá khổ vào nhà có khi phải khom người. Thật ra tâm lý người Việt là “Nhà cao cửa rộng”. Nhà thấp là bắt buộc để  chống bão, gió lốc dễ dàng.

(2)  Hiên nhiều, rộng, mái đua lớn, nhiều không gian nửa kín / nửa hở. Ðây là một sáng tạo rất phù hợp khí hậu nuớc ta. Hiên để đón gió mát, ngồi uống trà, tiếp khách, ban ngày che bớt bức xạ mặt trời, không cho chiếu trực tiếp lên tường nhà làm nóng phòng, giảm tạt mưa. Ðó là không gian chuyển tiếp trong / ngoài. Ðang phơi lúa, ngô, gặp mưa giông, hiên là nơi trung chuyển. Ngoài hiên có thể treo lồng chim, giò hoa, đặt chậu hoa và cả phơi phóng những ngày mưa dầm. Người Nhật gọi hiên là “không gian năng lượng Zero”, hoàn toàn sử dụng năng lượng tự nhiên, nên luôn tìm cách mở rộng nó. Trong khi đó phần lớn nhà ở cao tầng nước ta ngày nay cắt bỏ đến tối thiểu không gian này!



(3)  Hư­ớng nhà chủ yếu để đón gió mát, có xét đến “thế đất” và “phong- thuỷ” (theo điều tra của chúng tôi về nhà nông thôn Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, tỷ lệ theo phong thuỷ chỉ chiếm 15-20%). Câu “Lấy vợ Ðàn bà (hay hiền hòa), làm nhà hướng Nam” không chỉ đúng cho toàn Việt Nam, mà cho cả  vùng nhiệt đới, thậm chí cả vùng lạnh vĩ độ cao, tuy mục đích có thể trái ngược (nơi đó họ quan tâm đón BXMT sưởi ấm nhà), đặc biệt đúng hơn cho miền Bắc. Miền Nam và miền biển có thể thay đổi. Nhà ở miền Trung hay có hướng đông, quay ra biển để đón gió mát ban ngày thổi từ biển vào (gió Breeze), tuy phải chịu cả nắng hướng Tây: “nắng có thể che được, nhưng gió không đón là mất”. Nhưng nhà cao tầng mà quay lưng về Tây với diện tích lớn thì bất lợi, cần có giải pháp.

(4)  Nhà ở dân gian Việt Nam đã quen sử dụng nhiều loại kết cấu che nắng, thậm chí có cả “kết cấu di động”  như các tấm liếp, tấm dại, dàn cây. Những mặt nhà phẳng, nhẵn, phơi nắng không phải là “phong cách Việt Nam”, nhưng ngày nay lại thấy khá phổ biến trong các kiểu nhà cao tầng!

(5)  Nhiều cây xanh, cây leo phát triển cả bốn mùa. Thú chơi hoa, chơi cây cảnh có từ lâu đời, ai cũng mê thích. Gần như mọi nhà Việt nam đều có không gian này. Nhưng trong nhà ở cao tầng, không gian này chỉ còn tối thiểu!

(6)  Mỗi làng, mỗi xóm đều có “nhà làng” để làm nơi hội họp, gặp gỡ láng giềng, bạn bè, hoặc bàn việc chung. Các cụ có nơi uống nước, đánh cờ, bàn thế sự, trẻ em chơi đùa, trai gái tâm sự. Ðây cũng là phong tục á đông. Người Nhật nói rằng “Mỗi lần gặp gỡ là một lần nạp thêm năng lượng”. Phân tích này rất sâu sắc, nhân văn: đón một cái bắt tay, nhận một nụ cười, ấm lòng nhiều lắm. Bên cạnh đó nó còn có ý nghĩa lớn về tiện nghi môi trường, chất lượng cuộc sống và có hiệu quả năng lượng.Thế mà trong nhà ở cao tầng, kể cả “nhà ở chất lượng cao” đều  thiếu vắng không gian này, đáng tiếc làm sao!

 
Văn hoá Kiến trúc việt nam Thế kỷ 21 ?

Khái niệm:  Văn hoá kiến trúc / Architectural culture ?

Thuật ngữ Văn hóa kiến trúc không phải là mới, đã xuất hiện từ nhiều năm, nhưng tôi muốn được hiểu đầy đủ về nó.

Văn hoá kiến trúc là cách thực hành kiến trúc / ứng xử kiến trúc (đề ra các chiến lược, giải pháp thiết kế, các lựa chọn vật liệu, cấu tạo...)  một cách khôn ngoan, có kiến thức, thông minh, sáng tạo thích hợp với khí hậu, thiên nhiên, công nghệ hiện đại và con ng­ười bản xứ.

Người ta đã nói đến:

  • Văn hoá kiến trúc giá lạnh (Frigid Architectural Culture):

Là văn hoá kiến trúc của vùng vĩ độ cao (Âu, Mỹ), khí hậu lạnh giá, ở đó để bảo đảm tiện nghi sống cho con ngưòi thì yêu cầu sư­ởi ấm là quan trọng nhất.

Một số giái pháp kiến trúc của Văn hoá kiến trúc giá lạnh là:

- Hình dạng toà nhà phẳng, nhẵn, nhiều kính, nhất là mái kính nằm ngang để lấy BXMT s­ởi ấm nhà, lấy ánh sáng tự nhiên.
- Nhà hợp khối, t­ường dày để giữ nhiệt.
- Cửa nhiều lớp, kín để giảm mất nhiệt. Khi công nghệ còn kém, cửa thường mở ít diện tích. Ngày nay khi xuất hiện các loại kính nhiều lớp, kính cách nhiệt, cửa sổ được mở rộng có thể hết cả mặt nhà. Nếu quá dư thừa ánh sáng, thì dùng rèm, mành che bớt từ phía trong, mà vẫn lấy được nhiệt cho nhà  theo “Hiệu ứng nhà kính” (BXMT sóng ngắn được bẫy vào nhà, cửa đóng không thoát ra được).

  Nếu người thiết kế áp dụng các giải pháp này vào vùng nhiệt đới một cách máy móc, không phân tích sâu sắc thì công trình sẽ tiêu thụ nhiều năng lư­ợng, không những phải sử dụng hệ thống ÐHKK, mà hệ thống này còn phải vận hành với công suất cao.

  • Văn hoá kiến trúc nhiệt đới / cận nhiệt đới (Tropical / Subtropical Architectural Culture):

Là văn hoá kiến trúc của vùng vĩ độ thấp, vùng nội chí tuyến. Do sự chi phối của hoạt động Mặt trời, khí hậu nóng gần như quanh năm. Lại được chia thành:

Văn hoá kiến trúc nhiệt đới / cận nhiệt đới nóng & ẩm ướt, và
Văn hoá kiến trúc nhiệt đới / cận nhiệt đới nóng & khô,

Ở đây để bảo đảm tiện nghi sống cho con người thì yêu cầu làm mát là quan trọng nhất, nhưng các chiến lược và giải pháp kiến trúc thậm chí lại trái ngược nhau.

  • Ảnh bên : Công trình trụ sở Bộ Tài chính

Dưới đây chỉ đề cập Văn hoá kiến trúc nhiệt đới / cận nhiệt đới nóng & ẩm ướt, xuất hiện ở những lãnh thổ nằm gần biển như Việt Nam.

Những giải pháp kiến trúc thường thấy trong Văn hoá kiến trúc nhiệt đới / cận nhiệt đới nóng & ẩm ướt là:

- Mặt nhà thường lồi / lõm, sáng / tối để giảm bớt diện tích phơi nắng, giảm nhận nhiệt của BXMT.
- Trên cửa sổ phải có kết cấu che nắng. Tường ngoài bằng kính có thể lớn hay nhỏ, nhưng cần có che nắng hoặc giải pháp giảm BXMT trực tiếp vào nhà.
- Nhiều cây xanh chung quanh nhà, trên mặt đứng nhà, trên mái nhà, vừa là bộ lọc không khí, cung cấp Oxy, vừa che nắng, giảm bớt nhiệt độ và chói loá.
- Vỏ ngoài thoáng hở để đón được nhiều không khí mát mẻ, trong lành từ biển, từ rừng cây thổi tới. Không gian phân tán hoà nhập vào thiên nhiên,
- Tính ph­ương h­ướng của nhà có vai trò hết sức quan trọng, xét đến BXMT, hư­ớng gió (mát, nóng hoặc lạnh).


Văn hoá Kiến trúc Việt Nam

Theo phân tích ở trên có thể định nghĩa Văn hoá kiến trúc Việt Nam theo Công thức (a) sau đây:

Văn hoá Kiến trúc Việt Nam = (1) Kiến trúc bền vững / xanh của TK 21

                                       + (2) Văn hoá kiến trúc nhiệt đới / cận nhiệt đới nóng & ẩm

                                       + (3) Kết hợp với các giá trị kiến trúc  truyền thống / dân tộc Việt Nam.

Ðể đánh giá mức độ các công trình kiến trúc thực hành theo Văn hóa kiến trúc Việt nam, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng các tiêu chí “Công trình xanh” hiện đại mà nhiều nước đang áp dụng như đã nêu ở phần thứ nhất, nhưng cần cụ thể hóa theo điều kiện khí hậu các miền/ vùng Việt nam. Phần cần thêm vào là những bắt buộc áp dụng hoặc sáng tạo được đúc rút từ kiến trúc truyền thống / dân tộc. Dưới đây xin đưa ra một vài suy nghĩ để người thiết kế và quản lý xây dựng tham khảo.

1 - Vỏ nhà là Bộ lọc khí hậu :

Vỏ nhà là kết cấu phân cách không gian trong và ngoài nhà. Không khí, ánh sáng, nhiệt muốn xâm nhập vào nhà phải đi qua vỏ nhà. Vỏ nhà có thể làm thiên nhiên thuận lợi bên ngoài tự do tràn vào nhà, có thể làm giảm / triệt tiêu tác dụng xấu của chúng, nhưng lại cũng có thể làm cho chúng trở nên trầm trọng hơn! 

Vỏ nhà còn ngăn cản “tầm nhìn” từ trong nhà ra ngoài, mà “Công  trình xanh” nhiều  nước trên thế giới coi là một tiêu chí đánh giá.

Nhiệm vụ của người thiết kế là tạo ra một bộ lọc - vỏ nhà tốt cho công trình. Cụ thể là:

  • Ðón nhiều khí hậu / thiên nhiên thuận lợi, mát mẻ, dễ chịu. vào nhà.
  • Cải tạo/ Giảm bớt bất lợi của tự nhiên: (nóng, lạnh, quá ẩm, quá khô, quá sáng / chói, gió mạnh, mư­a lớn, ồn ào, bụi bặm, hôi hám, khó chịu).
  • Giảm bớt sử dụng thiết bị, môi trư­ờng nhân tạo.
  • Tạo môi trư­ờng khí hậu tốt nhất cho sức khoẻ con ngư­ời, sinh vật trong nhà, trong vùng.

2 - Vỏ nhà thể hiện “Phong cách kiến trúc” (architectural style) khu vực :

Ấn tượng đầu tiên về một công trình kiến trúc là từ vỏ nhà. Nếu muốn đưa thêm vào vỏ nhà những chi tiết sáng tạo thẩm mỹ truyền thống/ dân tộc, thì phải gắn kết một cách nhuần nhuyễn, không khiên cưỡng và đặc biệt không nên coi đó là tiêu chí đánh giá kiến trúc truyền thống (chỉ là sáng tạo thẩm mỹ).

Ðể vỏ nhà trong kiến trúc Việt Nam có thể / phải đáp ứng được công thức (a) cần nhiều sáng tạo thông minh của người thiết kế từ lúc sản xuất vật liệu, đến quy hoạch, kiến trúc công trình, thiết kế cấu tạo, chi tiết, cảnh quan chiều đứng, từ vị trí, hình dạng, phương hướng... Những biểu hiện sau đây là có tính đặc trưng.

(1) Giảm diện tích vỏ nhà phơi nắng: vỏ nhà mở, đón gió tự nhiên, không nhẵn, phẳng, có  lồi / lõm, sáng / tối. Vỏ nhà phẳng, sáng, chói sẽ không phải là nhà vùng nhiệt đới.


Ảnh : So sánh các công trình xây dựng ở Việt Nam (trên) và ở Singapore, Ðài Loan (dưới)

(2) Hình dạng nhà, mặt bằng nhà, hướng nhà hợp lý.

KTS. Ken Yeang (Malaysia) nói rất sâu sắc rằng: “Mặt trời 4 hướng khác nhau, tại sao ngôi nhà 4 hướng lại giống nhau?”.

Vậy là, nhà hình tròn, hình vuông 4 mặt giống nhau sẽ  không phải là nhà của vùng nhiệt đới. Nhưng mặt bằng nhà hình chữ nhật, hướng đông/ tây cũng không thích hợp với vùng nhiệt đới.

(3) Trên vỏ nhà thấy nhiều  hiên, ban công, vừa che / giảm BXMT, vừa thoáng gió.

  • Với nhà ở: kết hợp không gian xanh, mở rộng tầm nhìn đô thị.
  • Với nhà văn phòng, công sở: kết hợp không gian nghỉ ngơi giữa giờ, hút thuốc, uống trà, tiếp khách (cần đủ lớn), không gian suy nghĩ sáng tạo.

(4) Trên vỏ nhà có kết cấu che nắng: các loại che nắng cố định hoặc điều chỉnh được theo chuyển động của mặt trời, giảm độ chói. Kết cấu che nắng còn giúp lái gió đến vùng mong muốn trong nhà.

Nhà với kết cấu che nắng có nhịp điệu, kết cấu che nắng kết hợp pin mặt trời tạo thành phong cách kiến trúc nhiệt đới (tropical style), và giảm bớt năng lượng tiêu thụ do làm mát và chiếu sáng. Hai công trình trên hình 2 cho ta cảm nhận đây là những tòa nhà ở vùng nhiệt đới, chúng còn có hiệu quả cao về năng lượng.


Toà nhà Bộ Giáo dục Singapore,tiết kiệm 30% năng lượng & Cuc thuế Singapore tiết kệm 40% năng lượng

(5) Kính trong văn hoá kiến trúc Việt Nam:

Kiến trúc nhiệt đới không hạn chế dùng kính. Không nhất thiết đề ra tỷ lệ kính bao nhiêu là hợp lý. Nhưng khi sử dụng kính phải hạn chế tối đa BXMT trực tiếp (tia nắng) vào nhà bằng các kết cấu che nắng, sử dụng các loại kính có tính năng giảm bức xạ / cách nhiệt cao.

  • Kính hai lớp có khả năng cách nhiệt, cách âm cao hơn với điều kiện phải đóng kín (ví dụ đề ÐHNÐ).  Khi đó có thể xẩy ra “Hiệu ứng Nhà kính / Green House Effect” làm tăng tải trọng lạnh của hệ thống ÐHKK. Vì vậy càng cần phải che nắng, mà phải che từ phiá ngoài.
  • Khi mở cửa thông gió tự nhiên thì không còn Hiệu ứng nhà kính, vẫn cần che nắng cho lỗ cửa. Vai trò hai lớp kính mất ý nghĩa.
  • Cần lưu ý kính màu có thể làm thay đổi phổ của ánh sáng vào phòng, ảnh hưởng đến cảm nhận ánh sáng, màu sắc.



Giảm BXMT chiếu lên kính bằng cấu tạo che nắng hoặc tạo bóng trên mặt chính nhà

(6) Nhà có nhiều cây xanh.

Phải coi cây xanh được coi  như­ một phần của vỏ nhà và là không gian chuyển tiếp nội/ ngoại thất. Ðưa cây xanh lên mặt đứng nhà, cây xanh trên ban công, cây xanh trên mái, cây leo mặt tường, cây xanh vào trong nhà không chỉ thỏa mãn thẩm mỹ Á đông lâu đời, mà còn cảI thiện rõ rệt chất lượng môi trường vật chất và tinh thần của con người, là hoàn trả một phần những gì ta lấy mất của tự nhiên, là giúp ta lôi kéo các loài chim, bướm về sống cạnh con người.  Không gian chung có cây xanh trong nhà ở là không gian gặp gỡ láng giềng, vui chơi, là vận dụng kiến trúc truyền thống vào kiến trúc hiện đại. Trong nhà công sở, văn phòng là nơi vươn vai, thở hít giữa giờ, nơi tiếp bạn, tiếp khách đến thăm, hút thuốc, tán chuyện giải tỏa căng thẳng để tiếp tục sáng tạo. Chính những không gian này sẽ hút gió, đưa ánh sáng tự nhiên vào nhà, giảm kích thước của “lõi đặc” của tòa nhà, tăng chất lượng môi trường tự nhiên,  giảm bớt tiêu thụ năng lượng của tòa nhà.

Không gian ở truyền thống quen thuộc phát triển theo chiều ngang: đi vài mét gặp vườn cây, gặp ngõ,  gặp bể nước,  ao cá... Ðưa được chúng vào nhà ở cao tầng chính là tiếp thu tinh hoa của kiến trúc dân tộc. Vào nhà cao tầng hiện nay chúng ta chỉ thấy có hành lang tối tăm (nếu mất điện) và thang máy !

Những vườn xanh trên cao, cải thiện rât nhiều vẻ khô cứng của đô thị dày đặc  những tòa nhà, đem lại sự tươi vui, dịu  mát cho cảnh quan đô thị.     


Tòa nhà  Elephan & Castle ở  London và Tokyo - Nara, KTS. Ken Yeang


3 - Sân trong, giếng trời là “lõi sinh thái” của tòa nhà :

Thuật ngữ “Lõi sinh thái / Ecological Core” tôi mượn của các KTS ở Công ty Nikken Sekkei (Nhật Bản) và nghĩ rằng đó cũng là kiến trúc truyền thống Việt Nam, tuy rằng các công trình trên khắp thế giới áp dụng nó rất nhiều để lấy ánh sáng, ánh nắng, thông thoáng tự nhiên, thải khí ô nhiễm. Trong khí hậu nhiệt đới ẩm nước ta, nó đặc biệt quan trọng để đưa không khí mát mẻ từ phía đón gió sang phía khuất gió của tòa nhà. Trong những ngày bão to, mưa lớn nhiệt đới, thì sân trong phát huy ưu thế tuyệt vời.

Nhưng sân trong chỉ đạt cao giá trị khi kích thước đủ lớn và người thiết kế đưa được thiên nhiên  hòa vào nhà, và tổ chức được các không gian xanh tiếp nối với nó theo chiều cao công trình. Thật đáng buồn khi chúng ta “tiếc” dăm, bảy chục mét vuông  xây dựng mà làm nhà đặc, kín, không còn “lối đi cho cả ngọn gió!”.

Kết luận
 
Còn rất nhiều nội dung có thể đề cập khi bàn tới Văn hóa kiến trúc Việt Nam thế kỷ 21. Ðó là thách thức tài năng sáng tạo của người thiết kế. Ðó cũng là hướng đi tất yếu của Kiến trúc Việt nam, bởi vì nó đáp ứng được các giá trị của kinh tế, văn hóa, công nghệ, các yêu cầu và chất lượng cuộc sống trong hiện tại, quá khứ và tương lai. Thực hành Văn hóa kiến trúc Việt Nam cũng là thể hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của người thiết kế đối với các thế hệ tương lai của Việt Nam và Thế giới.

PGS. TS. Phạm Ðức Nguyên
Phó Chủ tịch, Tổng thư­ ký, Hội Môi Tr­ường Xây Dựng Việt Nam

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...